Gia tăng béo phì và các bệnh mãn tính không lây
Cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, Việt Nam giờ đây đang phải đối mặt với một vấn đề mới về sức khoẻ khi tình trạng béo phì và tỷ lệ mắc các bệnh mãn tính không lây cũng đang tăng lên nhanh chóng.
Theo nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, mỗi người Việt Nam đã ăn một lượng thịt gấp 2,5 lần so với cách đây 20 năm và gấp 1,2 lần so với 17 năm trước. Lượng trứng, sữa được tiêu thụ cũng tăng lần lượt gấp 9 lần và 2 lần so với cùng thời gian đó, trong khi lượng đường gấp tới 10 lần so với cách đây 20 năm.
Mức tiêu thụ thịt và chất béo vượt quá ngưỡng bình thường, cùng với việc thế hệ trẻ ngày càng ưa chuộng các loại thức ăn chế biến sẵn, rượu mạnh, đồ uống có ga, đã khiến tỷ lệ béo phì trong dân số Việt Nam tăng lên mức 16,7% và làm nảy sinh một loạt các vấn đề về bệnh mãn tính không lây trong cộng đồng.
Số trường hợp đột quỵ do tim mạch và huyết áp đã tăng gấp 3 lần so với cách đây 10 năm và tỷ lệ nhồi máu cơ tim tăng 6 lần so với 40 năm trước. Tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường cũng đang tăng nhanh ở đô thị. Vào năm 2002, tỷ lệ mắc tiểu đường ở 4 thành phố lớn của cả nước đã lên tới 4,9%.
Việc ăn uống bất hợp lý cũng dẫn đến tình trạng bữa ăn của người Việt Nam nhiều chất nhưng vẫn thiếu dinh dưỡng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở Việt Nam cũng vẫn ở mức rất cao, 23% ở trẻ em và 40% ở người lớn. Tình trạng suy dinh dưỡng bào thai, suy dinh dưỡng sớm vẫn diễn ra phổ biến ở những vùng nghèo, vùng kinh tế kém phát triển.
Viện Dinh dưỡng Việt Nam đang tập trung nghiên cứu, điều tra, tổng kết những điểm hợp lý trong truyền thống, tập quán ăn uống của người Việt Nam để đưa ra các lời khuyên dinh dưỡng hợp lý trong giai đoạn mới, ngăn chặn gia tăng béo phì và giảm suy dinh dưỡng đang diễn ra song song hiện nay.
Một giải pháp rất thích hợp trong xã hội hiện đại là bổ trợ vào khẩu phần ăn các sản phẩm thực phẩm chức năng như sữa dành cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người bị bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch, bột, bánh kẹo dinh dưỡng.
Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, một chế độ ăn hợp lý cần hạn chế chất béo, tăng lượng rau, quả, củ và khuyến khích ăn hỗn hợp./.
Theo TTXVN