Giá quá rẻ, người Việt hút hơn 4 tỷ bao thuốc lá một năm

Minh Nhật

(Dân trí) - Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá sẽ có một người chết sớm, trong đó một nửa ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên (39-65 tuổi).

Nghịch lý ở Việt Nam: Thuốc lá siêu rẻ, sữa lại rất đắt

Với 12.000 đồng tại Việt Nam, chỉ có thể mua được một hộp sữa tươi 180ml. Mỗi ngày, theo khuyến nghị, trẻ em cần uống 3-4 hộp sữa như vậy. Trong khi đó, cũng với số tiền này, người dân đã có thể dễ dàng mua được một bao thuốc lá.

Đây là nghịch lý về giá được ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia phòng chống tác hại thuốc lá, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nêu ra tại Hội thảo "Cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng".

Giá quá rẻ, người Việt hút hơn 4 tỷ bao thuốc lá một năm - 1

ThS.BS Nguyễn Tuấn Lâm (Ảnh: Lê Quý).

Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN. Nước ta ghi nhận 40.000-70.000 ca tử vong sớm/năm do sử dụng thuốc lá.

BS Lâm nhấn mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, kéo theo đó là giá thuốc lá ở Việt Nam quá thấp, là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ hút thuốc của Việt Nam vẫn nằm ở mức đáng báo động.

Theo BS Lâm, một thời gian các chính sách của Việt Nam về thuốc lá đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đến năm 2021, tỷ lệ người hút thuốc lá cũng như các chỉ số khác có dấu hiệu tăng trở lại.

Giá quá rẻ, người Việt hút hơn 4 tỷ bao thuốc lá một năm - 2

Sản lượng và tiêu thụ thuốc lá điếu giai đoạn 2008-2023 tại Việt Nam (Ảnh: Chụp màn hình).

"Đây là giai đoạn các can thiệp về thuốc lá đã tương đối bão hòa. Các cảnh báo của chúng ta không được thay thế, thuế cũng không tăng từ năm 2019 đến nay.

Xu hướng sử dụng thuốc lá của người Việt gia tăng. Khoảng cách đạt mục tiêu thiên niên kỷ của Việt Nam cũng gia tăng một cách đáng quan ngại.

Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất thuốc lá đã tăng hơn 10%. Chỉ tính riêng năm 2023, lượng thuốc lá sản xuất trong nước đã tăng lên 5,3 tỷ bao. Trong khi đó, lượng tiêu thụ thuốc lá trong nước năm 2021 là trên 4 tỷ bao. Chúng tôi nhận định con số này đang gia tăng", BS Lâm cho hay.

Theo báo cáo của WHO, năm 2020 giá trung bình một bao thuốc nhãn hiệu phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ chưa đến 1 USD/bao, bằng một nửa so với giá trung bình của các quốc gia trên thế giới.

Giá quá rẻ, người Việt hút hơn 4 tỷ bao thuốc lá một năm - 3

Người Việt dễ dàng tiếp cận với thuốc lá vì giá rẻ (Ảnh: Hoàng Lê).

Việt Nam cũng trong nhóm quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Đáng chú ý, thuốc lá ngày càng trở nên dễ tiếp cận, khi mức giá tăng ít trong khi thu nhập bình quân đầu người ở nước ta lại tăng mạnh. Đáng quan ngại nhất là các trường hợp trẻ vị thành niên, thanh thiếu niên có thể dễ dàng mua thuốc lá chỉ với tiền tiêu vặt.

"Trong hơn một thập kỷ, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gấp 3 lần nhưng giá thuốc lá chỉ tăng gần gấp đôi", BS Lâm nhấn mạnh.

Gánh nặng y tế hơn 100.000 tỷ đồng trong làn khói mong manh

Theo TS Angela Pratt, Trưởng văn phòng đại diện WHO Việt Nam, thuốc lá rất có hại cho sức khỏe và gây nên hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, mỗi năm có tới hàng chục nghìn ca tử vong do thuốc lá, và những ca tử vong này đều có thể phòng ngừa được.

Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, với xu hướng hiện tại, chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới xuống dưới 36% vào năm 2030.

Giá quá rẻ, người Việt hút hơn 4 tỷ bao thuốc lá một năm - 4

Thuốc lá gây hàng loạt các vấn đề về sức khỏe (Ảnh: Getty).

Theo bà Đinh Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, bệnh không lây nhiễm là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam, trung bình 8/10 người chết là do các bệnh không lây nhiễm.

"Năm 2019, Việt Nam có 154.000 ca tử vong do bệnh tim mạch bao gồm đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Điều tra STEP 2021 cho thấy, Việt Nam có 15 triệu người bị tăng huyết áp, 4,5 triệu người mắc đái tháo đường, 2 triệu người mắc phổi tắc nghẽn mãn tính, 354.000 người mắc bệnh ung thư", bà Thủy thông tin.

Đáng chú ý, theo nghiên cứu gánh nặng bệnh tật toàn cầu năm 2013, thuốc lá nằm vị trí thứ hai trong số các yếu tố nguy cơ cao nhất gây bệnh không lây nhiễm.

"Trong khói thuốc lá có 69 chất gây ung thư, các bệnh tim mạch, các bệnh về hô hấp và ảnh hưởng sức khỏe sinh sản cả nam và nữ. Ước tính cứ 2 người hút thuốc lá sẽ có một người chết sớm. Trong đó, một nửa số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên (39-65)", bà Thủy phân tích.

Về vấn đề này, theo BS Lâm, thuốc lá gây ra hàng loạt gánh nặng với sức khỏe và kinh tế. Theo ước tính mới nhất của Hội Y tế công cộng Việt Nam (2023), tổn thất y tế do thuốc lá gây ra là 108.197 tỷ đồng. Trong đó, nặng nề nhất là tổn thất tử vong sớm do hút thuốc lá, chiếm hơn 85.000 tỷ đồng.

"Người hút thuốc lá mất trung bình 10 năm tuổi thọ. Điều này đồng nghĩa với việc mất đi 10 năm đóng góp sức lực và trí tuệ cho gia đình và xã hội", BS Lâm nhấn mạnh.

Hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động. Phần lớn những người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá là những người trong độ tuổi lao động, bị tử vong sớm.

Theo các chuyên gia, mỗi công dân Việt Nam bị ốm hoặc tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá đều làm suy giảm quy mô và chất lượng nguồn lao động của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10-20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lá hiện nay bắt đầu phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.

Cần áp thuế tuyệt đối lên thuốc lá

Theo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi 2014 số 70/2014/QH13, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỷ lệ là 75% giá xuất xưởng.

Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% (2020), thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%), chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN (Thái Lan 78,6%, Singapore 67,1%, Indonesia 62,3%).

Các cơ quan chức năng như Bộ Tài chính, Bộ Y tế có kiến nghị bổ sung thuế tuyệt đối trong cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.

Giá quá rẻ, người Việt hút hơn 4 tỷ bao thuốc lá một năm - 5

Các phương án tăng thuế thuốc lá của Bộ Tài chính và khuyến cáo của WHO (Ảnh: Chụp màn hình).

Theo phương án của Bộ Tài chính, thuế tuyệt đối với thuốc lá sẽ tăng theo lộ trình và lên mức 10.000 đồng/bao vào năm 2030, đồng thời giữ nguyên thuế theo tỷ lệ (75% giá xuất xưởng).

WHO đánh giá, với phương án đánh thuế này sẽ giúp giảm tỷ lệ nam giới hút thuốc xuống 37,5% vào năm 2030.

Theo bà Đinh Thu Thủy, Bộ Y tế đề xuất thuế tuyệt đối cùng với thuế theo tỷ lệ để chuyển sang phương pháp tính thuế hỗn hợp, và tổng mức thuế phải đủ lớn để tác động thay đổi mức tiêu dùng.

"Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ thuốc lá và tỷ trọng thuế theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới như đã đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về PCTHTL đến 2030, mức thuế tuyệt đối phải đạt 15.000 đồng/bao (20 điếu/1 bao) vào 2030.

Bên cạnh đó, vẫn duy trì thuế tỷ lệ 75%. Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO (70-75% giá bán lẻ), và giúp giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030", bà Thủy nhấn mạnh.

Giá quá rẻ, người Việt hút hơn 4 tỷ bao thuốc lá một năm - 6

Tác động của các phương án thuế thuốc lá (Ảnh: Chụp màn hình).

Phương án thuế của Bộ Tài chính được WHO Việt Nam đánh giá cao. Bên cạnh đó, WHO Việt Nam cũng đưa ra phương án khuyến nghị mạnh mẽ hơn. Đó là đến năm 2030 áp mức thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao, nhằm đưa tỷ lệ nam giới hút thuốc xuống 36% vào năm 2030.

"Các mức này cũng sẽ làm tăng doanh thu thuế, đã điều chỉnh theo lạm phát, hàng năm lên 169%, tương ứng với việc thu thêm 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm từ thuế thuốc lá so với năm 2020", đại diện WHO Việt Nam thông tin.

Theo bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông, tác động của việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đến nhận thức và hành vi tiêu dùng thuốc lá có thể thấy trên một số khía cạnh.

Giá quá rẻ, người Việt hút hơn 4 tỷ bao thuốc lá một năm - 7

Bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông (Ảnh: Minh Nhật).

Thứ nhất, tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá sẽ làm giá bán lẻ tăng, ngăn cản người tiêu dùng mua thuốc lá. Giá thành cao cũng đặc biệt hiệu quả trong việc ngăn chặn thanh thiếu niên và những người có thu nhập thấp bắt đầu hoặc tiếp tục hút thuốc lá.

Tác dụng thứ hai là giảm tiêu thụ. Giá cao hơn có thể dẫn đến việc giảm tiêu thụ trong một số người hút thuốc lá hiện tại. Một số người có thể giảm số lượng thuốc lá mà họ hút, trong khi những người khác có thể bỏ thuốc lá hoàn toàn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm