1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Giả dược tốt hơn thuốc thật?

(Dân trí) - “Với các bệnh nhân bị các chứng như đau mãn tính hay trầm cảm nhẹ, bác sĩ có thể thử sử dụng 1 cách khác: giả dược” là lời khuyên của Hiệp hội Y tế Đức. Tuy nhiên, Anh và Mỹ lại phản đối quan điểm này.

 

Giả dược tốt hơn thuốc thật? - 1

Cuốn sách về lợi ích của giả dược được Hiệp hội Y tế Đức ủng hộ
 

Sau khi hoàn thành một nghiên cứu lớn về việc sử dụng giả dược, Hiệp hội Y tế Đức đã kết luận rằng các loại thuốc giả đôi khi có tác dụng tốt hơn so với các loại thuốc thật và đề nghị bác sĩ cho họ dùng giả dược thường xuyên hơn mà không cần nói rõ với bệnh nhân.

 

Điều này trái ngược hoàn toàn với khuyến nghị của chính phủ Mỹ và Anh, những nước cho rằng dùng giả dược mà không nói với bệnh nhân là phi đạo đức.

 

Đức ủng hộ

 

Giả dược thường được làm từ đường, bột mỳ hay các chất phụ dùng để sản xuất vitamin, thảo dược bổ sung hoặc các loại thuốc có ít hoạt chất.

 

Theo Hiệp hội Y tế Đức, giả dược không gây ra bất kỳ tác dụng phụ khó chịu nào và có thể là hy vọng cuối cùng cho những bệnh nhân không thể điều trị do không có thuốc phù hợp.

 

“Không nên lạm dụng giả dược nhưng thực sự là có một số hoàn cảnh rất hữu ích nếu dùng nó”, TSĩ Peter Scriba, chủ tịch Ủy ban cố vấn y tế của Hiệp hội Y tế Đức cho biết.

 

Ông nói rằng giả dược có thể giúp bệnh nhân giảm lo lắng, trầm cảm, các chứng viêm nhiễm mãn tính, đau nhức và hen suyễn.

 

Từ lâu, các chuyên gia đã biết rằng giả dược có thể gay ra những thay đổi sinh lý ở những người bệnh mong chờ 1 kết quả tốt hơn và hình ảnh từ não cho thấy não phản ứng với giả dược theo cùng cách dùng các loại thuốc thật. Họ nói rằng giả dược hiệu quả nhất với những bệnh mà có liên quan đến cảm giác đau và chúng không có tác dụng đối với các bệnh như gãy xương hay ung thư.

 

TS Scriba cho biết giả dược không nên sử dụng trong những bệnh mà đã có phương pháp điều trị đặc hiệu và bác sĩ phải nói với bệnh nhân rằng họ đang được điều trị theo cách không bình thường, nhưng không có nghĩa là nhắc tới từ “giả dược”.

 

Anh, Mỹ phản đối

 

Tuy nhiên, quan điểm này vấp phải sự phản đối khá mạnh mẽ của một số chuyên gia. “Đó là nói dối. Tôi không nói là sai nhưng nó không được chấp nhận ở Mỹ”, GS Ted Kaptchuk, ĐH Harvard bày tỏ.  

 

Hiệp hội Y tế Mỹ cảnh báo rằng việc các bác sĩ sử dụng giả dược mà không nói với bệnh nhân sẽ làm suy giảm niềm tin và gây hại hơn là có lợi. Bởi mặc dù có 1 số lợi ích nhất định nhưng chưa ai tính toán được mức độ gây hại mà nó gây ra.

 

Tại Anh, các cơ quan y tế cũng hoàn toàn bác bỏ ý tưởng rằng giả dược có thể có giá trị.

 

"Chúng tôi không đồng ý với việc sử dụng giả dược dù với bất cứ lý do gì vì đó là loại thuốc vô tác dụng. Việc sử dụng nó chẳng khác gì chúng ta đang quay lại thế kỷ 19”, ông Tony Calland, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Anh Ủy ban Đạo đức y tế, cho biết.

 

Ý kiến khác

 

Một số chuyên gia khác cho rằng bệnh nhân sẽ cảm thấy tốt hơn nếu được ở bên bác sĩ nhiều hơn. “Mối quan hệ giữa bác sĩ với bệnh nhân sẽ tạo ra hiệu ứng giả dược”, GS Irving Kirsch chuyên nghiên cứu về giả dược, ĐH Hull (Anh), nói.

 

“Bệnh nhân tin tưởng bác sĩ của mình và kỳ vọng tâm lý sẽ giúp tạo ra phản ứng tốt cho cơ thể”, GS Kirsch giải thích.

 

Một số người Đức dường như không ủng hộ ý tưởng giảm thuốc thật do sử dụng thêm giả dược nhưng họ khẳng định rằng luôn tin tưởng vào bác sĩ.

 

Bà Monika Sommer, 59 tuổi (sống tại Berlin, Đức), khẳng định là sẽ đồng ý nếu nếu bác sĩ cho dùng giả dược mà không báo trước.

 

“Tôi sẽ sẵn sàng để thử nó. Chẳng có gì để mất cả mà thực tế là tôi còn đang được giúp đỡ tích cực”, bà chia sẻ.

 

Nhân Hà

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm