1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Gia đình rất lo sợ khi biết tin em nghi nhiễm Ebola”

(Dân trí) - Với kết quả dương tính với sốt rét và âm tính với Ebola, bệnh nhân Chu Văn Chung (1988, quê Thanh Hóa) không cần phải cách ly nữa và hiện đang được điều trị theo phác đồ bệnh sốt rét. Sáng 3/11, sức khỏe của Chung đã khá lên nhiều.

Sáng 3/11, chúng tôi đã đến Bệnh viện Đà Nẵng để gặp Chung - người đi từ vùng dịch về và từng bị nghi nhiễm Ebola. Trông Chung tỉnh tảo, phấn khởi và ngồi nói chuyện vui vẻ.

Chung cho biết mình qua Guinea đã được 2 năm nay. Qua đó, Chung làm nghề ảnh cho một ông chủ người Đà Nẵng. Chung biết thông tin về Ebola qua việc đọc báo Việt Nam. Hiện tại thành phố mà Chung sinh sống đang xảy ra dịch Ebola.

Thời gian gần đây, do kinh tế khó khăn lại thêm tình hình dịch bệnh Ebola nên ông chủ cho mọi người về Việt Nam và chia thành nhiều đợt. Chung và một người bạn nữa là người về chuyến cuối cùng.

Bệnh nhân Chung đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng
Bệnh nhân Chung đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng


“Qua các sân bay của Guinea và Ma rốc, họ kiểm tra em rất kỹ. Họ vừa kiểm tra bằng súng đo nhiệt độ vừa bằng máy đo thân nhiệt nhưng lúc đó em không bị sốt. Về qua sân bay Tân Sân Nhất, họ cũng kiểm tra bằng máy đo thân nhiệt và lúc đó em cũng chưa sốt. Đến khi chiều về khách sạn em mới bị sốt”, Chung nói.

Vì đã từng có thời gian làm việc ở Đà Nẵng 10 năm, nên trên đường về nhà Chung ghé vào Đà Nẵng để thăm bạn bè thì phải nhập viện vì sốt cao và nghi nhiễm Ebola.

“Lúc bác sĩ nói nghi em bị nhiễm Ebola và phải vào điều trị cách ly, em nghĩ mình không bị Ebola vì không có các triệu chứng như tiêu chảy, vàng da, nôn mửa… Cho nên em cũng không lo lắng gì cả. Nếu em có nói với bác sĩ điều đó thì bác sĩ cũng đưa em vào đây”, Chung cười.

Chung đang nói chuyện với các phóng viên
Chung đang nói chuyện với các phóng viên


Tuy nhiên, gia đình Chung thì rất hoang mang, lo lắng. Chung bảo, em không gọi điện về nhà nhưng ở nhà mọi người đọc báo, xem ti vi nên biết chuyện. Cả nhà đều gọi điện vào. Bạn bè cũng gọi điện hỏi thăm liên tục khiến điện thoại hết pin luôn.

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hàm – Trưởng khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đà Nẵng), sức khỏe của bệnh nhân Chung đã khá lên nhiều, ăn uống bình thường, sốt nhẹ. Bác sĩ Hàm cũng cho biết, chưa gặp trường hợp bệnh nhân bị sốt rét có mật độ ký sinh trùng dày đặc như thế (5+). Hiện mật độ ký sinh trùng sốt rét đã hạ xuống còn 1+.


Mặc dù kết quả Chung không bị Ebola nhưng vẫn phải theo dõi tại Khoa y học nhiệt đới
Mặc dù kết quả Chung không bị Ebola nhưng vẫn phải theo dõi tại Khoa y học nhiệt đới


Trao đổi với bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Phó giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, cho biết, qua trường hợp bệnh nhân nghi nhiễm Ebola và kết quả cuối cùng là âm tính, chúng tôi xem đây như là một đợt diễn tập rất là tốt cho hệ thống phòng chống dịch bệnh của TP Đà Nẵng. Qua việc ứng phó cũng như sự phối hợp của các đơn vị trong công tác phòng chống dịch, chúng tôi cũng rút ra được nhiều bài học. Và một trong những bài học chúng tôi thấy được đó là chuẩn bị. Cũng nhờ công tác chuẩn bị tốt cho nên các hoạt động triển khai rất thuận lợi. 

Qua trường hợp này, chúng tôi vẫn duy trì các hoạt động chống dịch. Thứ nhất ưu tiên đầu tiên là giám sát dịch ở các cửa khẩu. Và Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế là đơn vị được giao nhiệm vụ này. Ngoài việc tăng cường và kiểm soát chặt chẽ các hành khách đi vào hai cửa khẩu của TP Đà Nẵng, đó là cửa khẩu sân bay quốc tế Đà Nẵng và cửa khẩu cảng Đà Nẵng, Trung tâm dịch y tế quốc tế cũng phải phối hợp với các tỉnh mà có cửa khẩu đường bộ, đường cảng cũng như sân bay quốc tế để làm sao chúng ta nhận được thông tin đối với những người thuộc diện áp dụng tờ khai y tế sớm để chúng ta có sự phối hợp trong công tác giám sát.

“Qua việc thu dung, cách ly điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi cũng chỉ đạo cho Bệnh viện Đà Nẵng rà soát và rút kinh nghiệm toàn bộ để có bổ sung. Đặc biệt có đề xuất cho ngành y tế cũng như UBND TP để có những trang bị cũng như chỉ đạo kịp thời. Chỉ đạo Trung tâm y tế dự phòng tiếp tục công tác giám sát. Tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu được, không quá hoang mang, lo lắng về dịch bệnh”, bác sĩ Yến cho biết thêm.


Khánh Hồng