1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Gia đình đeo vòng trừ tà trị ma nhập, người phụ nữ hạ đường huyết nguy kịch

Hoàng Lê

(Dân trí) - Thấy người phụ nữ lên cơn co giật, gia đình nghĩ "ma nhập" nên đeo 10 vòng trừ tà vào tay. Đến khi sùi bọt mép nặng, bệnh nhân mới được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do hạ đường huyết.

Đó là trường hợp của chị P.T.H. (30 tuổi, quê Long An).

Khai thác bệnh sử, chị H. đã nhiều lần vào viện liên quan đến bất thường đường huyết, trong đó có 2 lần cấp cứu do tăng đường huyết và 1 lần bị nhiễm toan ceton (biến chứng cấp tính nguy hiểm do tiểu đường, đe dọa đến tính mạng).

Gần đây chị không dám ăn nhiều, mỗi lần chỉ ăn 2 thìa cơm gạo lứt, ngoài bữa chính thì chị không ăn gì thêm, luôn kết thúc ăn tối trước 19 giờ. Trước nhập viện 1 tháng, chị đã đi cấp cứu do hạ đường huyết với triệu chứng mệt, run người. Nhưng vì sợ đường huyết tăng, chị vẫn cố gắng ăn rất ít.

Gia đình đeo vòng trừ tà trị ma nhập, người phụ nữ hạ đường huyết nguy kịch - 1

Chị H. điều trị tại bệnh viện sau khi lên cơn đột quỵ giả (Ảnh: BV).

Hậu quả là vào rạng sáng trước lần nhập viện gần nhất, gia đình nghe tiếng động lạ trong phòng chị H. nên bước vào kiểm tra và thấy bệnh nhân co giật, mắt trợn ngược. Nghĩ do ma nhập, bệnh nhân được đeo gần 10 vòng trừ tà vào tay. Đến khi thấy người phụ nữ ngày càng co giật mạnh hơn, sùi bọt mép, gia đình mới hốt hoảng đưa đi cấp cứu.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Trương Thị Vành Khuyên, khoa Nội tiết - Đái tháo đường cho biết, qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị hạ đường huyết nặng gây đột quỵ giả (stroke mimic), nguy hiểm tính mạng.

Chị H. được bù dịch, truyền đường, giúp đường huyết trở về mức ổn định, cũng như điều chỉnh liều thuốc và thói quen sinh hoạt, lối sống… tránh bệnh tái phát. Sau 4 ngày điều trị, sức khỏe người phụ nữ ổn định nên được xuất viện.

Bác sĩ Khuyên chia sẻ, đột quỵ giả là tình trạng nhập viện với các triệu chứng giống bệnh đột quỵ trong thời gian vàng cấp cứu (3 giờ đầu). Tuy nhiên, phim chụp MRI lại không ghi nhận các tổn thương thiếu máu não cấp như ở bệnh nhân đột quỵ. Có 20-50% người bệnh đột quỵ cấp tính đi cấp cứu được chẩn đoán ra đột quỵ giả.

Trường hợp của chị H., các triệu chứng của hạ đường huyết rất giống với đột quỵ não như co giật, hôn mê, liệt tay chân. Nhưng sau khi được điều trị kịp thời, các triệu chứng này lui dần và hình chụp sọ não không phát hiện tổn thương não mới do nhồi máu não hoặc xuất huyết não.

Gia đình đeo vòng trừ tà trị ma nhập, người phụ nữ hạ đường huyết nguy kịch - 2

Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân hạ đường huyết nếu không được xử trí và chăm sóc đúng cách có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm (Ảnh: BV).

Bác sĩ khuyến cáo, nhiều trường hợp bị hạ đường huyết được người nhà phát hiện nhưng chỉ cho ăn uống hoặc truyền đường, sau đó lại tiếp tục toa thuốc cũ. Hậu quả là ngày hôm sau, bệnh nhân tiếp tục bị tụt đường dẫn đến tổn thương não, hôn mê sâu.

Do đó, người bệnh đái tháo đường cần lưu ý phòng ngừa nguy cơ hạ đường huyết, như dùng thuốc đều đặn đúng liều, ăn uống đầy đủ, theo dõi đường huyết thường xuyên. Khi bị ốm, ăn kém hay đường huyết tăng cao trên 250 mg/dL, người bệnh cần nhanh chóng liên lạc với bác sĩ để xử trí và điều chỉnh thuốc kịp thời.

Bác sĩ khuyên bệnh nhân người tiểu đường nên có tâm lý thoải mái khi điều trị, chú ý kiểm soát chế độ ăn, đặc biệt lượng tinh bột, trái cây, đồ ngọt để tránh đường huyết tăng quá cao hoặc tụt quá thấp.

"Đột quỵ giả có liên quan đến đường huyết hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ vào chế độ ăn điều độ và phác đồ điều trị phù hợp", bác sĩ Khuyên nói.