TPHCM: Cấp cứu người phụ nữ 43 tuổi bị dị ứng với... cơm

Biên Thùy

(Dân trí) - Đang dự tiệc cùng gia đình, người phụ nữ đau bụng dữ dội, nổi mề đay dày phải đi cấp cứu. Kết quả xét nghiệm dị nguyên cho thấy, bệnh nhân dị ứng nhiều thực phẩm như cơm, đậu phộng, hạt hướng dương.

Đó là trường hợp của chị V.H.H. (43 tuổi, quê Long An). Khai thác bệnh sử, khoảng nửa năm nay chị bị nổi các nốt sẩn phù nhỏ màu hồng nhạt trên bề mặt da, càng gãi sẩn phù càng nhiều. Triệu chứng thường xuất hiện ngay sau khi ăn.

Chị H. nhận thấy, mỗi lần ăn nhiều cơm (khoảng 2-3 chén), nhất là hôm nào ăn với đậu phộng, cá biển, hải sản thì các triệu chứng trên da xuất hiện nhiều hơn, kèm tiêu chảy. Nghĩ do thời tiết nóng bức hoặc "lạnh bụng" nên chị không để ý nhiều.

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, khi đang ở TPHCM dự tiệc cùng gia đình, có các món như ghẹ, hàu, mực, cơm rang dưa bò, canh bí đỏ đậu phộng… chị H. bỗng đau bụng dữ dội, nổi mề đay dày và sưng đau toàn thân, phải đi bệnh viện cấp cứu.

TPHCM: Cấp cứu người phụ nữ 43 tuổi bị dị ứng với... cơm - 1

Một bệnh nhân bị dị ứng nặng sau khi ăn (Ảnh: BV).

Bác sĩ chuyên khoa 1 Trần Nguyễn Anh Thư, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da chẩn đoán người phụ nữ bị nổi mề đay cấp có phù mạch. Bệnh nhân được điều trị kết hợp bằng thuốc kháng histamin liều cao và corticosteroid toàn thân trong 7 ngày, cũng như xét nghiệm 60 dị nguyên tìm nguyên nhân.

Kết quả cho thấy, chị H. dị ứng với hàng loạt dị nguyên có trong các thực phẩm như gạo (cơm), đậu phộng, mè (vừng), hạt hạnh nhân, hạt hướng dương, cacao, hải sản...

Khi biết thông tin trên, người bệnh rất ngạc nhiên vì họ và gia đình tiêu thụ các thực phẩm này từ nhỏ, chưa từng bị vấn đề gì. Bác sĩ Thư giải thích, khoảng 50% các ca bệnh mề đay không tìm ra nguyên nhân và 50-60% người bị mề đay do di truyền (gene).

Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay lập tức (cấp tính) sau vài phút tiếp xúc với dị nguyên, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn sau vài ngày, thậm chí vài tuần. Với trường hợp của chị H., phản ứng đã có từ lâu nhưng mức độ nhẹ. Khi nạp cùng lúc nhiều dị nguyên và số lượng lớn, cơ thể không dung nạp kịp sẽ gây biểu hiện và mức độ dị ứng nặng hơn.

Vì cơm là lương thực thiết yếu hàng ngày, việc kiêng khem rất khó khăn nên bác sĩ Thư hướng dẫn nữ bệnh nhân vo kỹ gạo nhiều lần trước khi nấu, nhằm giảm phần nào lượng dị nguyên chủ yếu tập trung ở lớp ngoài của hạt gạo và giảm nguồn cung cấp tinh bột từ gạo.

Song song đó, người bệnh có thể thay thế cơm bằng các loại tinh bột khác như khoai tây, khoai lang, bánh mì… để giảm nguy cơ nổi mề đay.

Bác sĩ Thư khuyến cáo, một người có thể nổi mề đay do một hoặc nhiều dị nguyên cùng lúc, nhưng dị nguyên này thường không gây bệnh suốt đời.

Phản ứng dị ứng sẽ giảm và mất dần tính mẫn cảm với tác nhân đó sau một thời gian, do sự dung nạp miễn dịch của cơ thể.

Vì vậy, ngoại trừ những món gây phản ứng dị ứng cấp tính như sốc phản vệ, người dân không cần kiêng khem kéo dài một loại thực phẩm nào. Đồng thời, người dân cũng cần cân đối nguồn dinh dưỡng thay thế để tránh bị suy dinh dưỡng, thiếu chất.

Các thực phẩm dễ gây dị ứng

Thực phẩm từ động vật: sữa bò, lòng trắng trứng, pho mát, cua, tôm, cá thu, cá ngừ, cá tuyết đen, cá hồi, cá bơn sao, cá minh thái, tôm hùm, mực đại dương, lươn, vẹm xanh, hàu, nghêu, sò, nhộng tằm, thịt lợn, gà, bò, cừu.

Thực phẩm từ thực vật: gạo, kiều mạch, đậu phộng, đậu nành, lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen, ngải cứu, nấm, đào, táo, vừng, nấm men bánh mì, ngô, cà rốt, khoai tây, tỏi, hành tây, dưa chuột, cà chua, cam, chanh, dâu tây, kiwi, xoài, chuối, quả óc chó, hạt phỉ, hạt hạnh nhân, thông, hướng dương, ca cao.