1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ghép xương từ người cho chết não cứu nhiều người u xương tế bào khổng lồ "ăn" xương đùi

(Dân trí) - Bị mắc căn bệnh u xương tế bào khổng lồ, khối u dần "ăn" xương khiến bệnh nhân không thể đi lại, nguy cơ cắt cụt chi.

TS.BS Trần Hoàng Tùng, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật chi dưới, Bệnh viện Việt Đức cho biết, u tế bào khổng lồ là bệnh lành tính nhưng hay gặp nhất ở lứa tuổi lao động (30 - 40 tuổi) và rất hay tái phát (tỉ lệ từ 10- 50%). Đặc biệt, bệnh hay tấn công ở các phần xương dài như: chân, tay và đặc biệt ở lồi cầu xương đùi chiếm tới 50% các trường hợp, gây tiêu hủy xương khiến cho bệnh nhân không đi lại được, thậm chí là tàn phế.

Ghép xương từ người cho chết não cứu nhiều người u xương tế bào khổng lồ ăn xương đùi - Ảnh 1.
  

Hơn nữa, bệnh nhân thường đến viện muộn, lúc này khối u đã "ăn" các phần xương vùng khớp gối nên việc điều trị càng khó khăn, người bệnh khố trở lại trạng thái bình thường, kể cả thay khớp gối.

Trường hợp cô giáo N.T.Q. (36 tuổi ở Việt Yên, Bắc Giang) phát hiện u xương tế bào khổng lồ rất bất ngờ, Trong một lần khi đang giảng bài, cô bất ngờ bị đau nhói và quỵ ngã tại chỗ.

Tại BV Việt Đức, bệnh nhân được chẩn đoán mắc căn bệnh u xương tế bào khổng lồ giai đoạn muộn. Lúc này, khối u đã “ăn” hết khối lồi cầu ngoài xương đùi nên dù đã mổ lấy u và ghép xi măng xương tạm thời, bệnh nhân vẫn không thể đi lại được bình thường.

Một trường hợp mắc bệnh lý giống cô Q. đã sang Singgapo thay khớp, chi phí khoảng 1 tỷ đồng nhưng vẫn thất bại phải cắt cụt chân. Cô Q. mong muốn được điều trị, thay khớp gối nhưng chưa nói đến chi phí điều trị (thay khớp gối trong nước khoảng 300 triệu đồng và phải chờ thời gian nhập khớp), khả năng phục hồi hoàn toàn sau thay khớp cũng không chắc chắn.

TS Tùng cho biết, sau một thời gian bệnh nhân Q. chờ đợi không có khớp để thay, các bác sĩ đã quyết định sử dụng khối lồi cầu kèm sụn từ nguồn bệnh nhân tai nạn và chết não hiến tặng, ghép cho bệnh nhân.

“Khối xương lồi cầu đùi kèm sụn sau khi được loại trừ vi khuẩn, vi rút và tế bào, bảo quản lạnh ở nhiệt độ âm 85 độ C, đem ghép cho nữ bệnh nhân nói trên. So với việc thay khớp gối nhân tạo, việc ghép xương đồng loại này được đánh giá sẽ tốt hơn rất nhiều, đồng thời giúp giảm chi phí điều trị xuống còn khoảng 25 - 30 triệu (thấp hơn khoảng 10 lần thay khớp nhân tạo loại đặc biệt)", TS Tùng cho biết.

Ông cũng chia sẻ thêm, khi ghép khối lồi cầu kèm sụn từ người cho chết não, tình huống xấu mà các bác sĩ nghĩ tới, là vùng sụn ghép từ nguồn của người chết não có thể sẽ không sống được mà chỉ có phần xương sẽ hòa hợp với cơ thể mới.

"Dù tình huống này xảy ra, cơ thể chỉ đáp ứng đồng hóa một phần xương ghép thì bệnh nhân vẫn có lợi, do được cung cấp nền xương. Lúc này bệnh nhân có thể thay khớp gối thông thường với chi phí khoảng 50 triệu đồng", TS Tùng cho biết.

Từ chỗ không thể đi lại được, bệnh nhân đã đi lại bình thường sau ghép xương.

"Rất may mắn sau khi ghép, toàn bộ xương và sụn ghép đã “sống” trong cơ thể mới. Sau 6 tháng phẫu thuật bệnh nhân đã đi lại rất tốt. Đến nay, sau 3 năm theo dõi liên tục, khối u không tái phát, xương và sụn ghép phát triển tốt bệnh nhân đi lại, làm việc, chạy gần như bình thường”, TS Tùng chia sẻ.

Bác sĩ CKII Đoàn Việt Quân, trưởng khoa phẫu thuật Chi dưới cho biết đến nay các bác sĩ BV Việt Đức đã ghép được cho 8 bệnh nhân với tiến triển tốt, 7 bệnh nhân đi lại được bình thường, 1 bệnh nhân sau hơn 2 năm khối xương liền rất ít nhưng phần sụn khớp hồi phục kém nên sẽ ghép thêm sụn cho bệnh nhân qua phẫu thuật nội soi vào tuần sau.

TS Tùng đánh giá tỉ lệ thành công sau ghép là rất cao trong y học. Tuy nhiên nhu cầu ghép rất nhiều nhưng nguồn cung rất ít do phải chờ đợi nguồn hiến từ người chô chết não. Hiện tại BV Việt Đức đang có rất nhiều bệnh nhân bị u tế bào khổng lồ phải ghép xi măng xương tạm thời chờ ghép xương.

Hồng Hải