Ghép tủy thành công cho “đóa hướng dương” đặc biệt Diệu Thuần

(Dân trí) - Bệnh nhân đặc biệt Hoàng Thị Diệu Thuần, tác giả cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương”, sau 7 năm “chiến đấu” với bệnh ung thư đã được ghép tủy thành công. Nhận tủy từ anh trai mình, dù chỉ số hòa hợp không được như mong muốn nhưng tủy mới đã “sống”..

“Đóa hướng dương” giàu nghị lực

Sáng 9/11/2012, sau gần hai tháng được ghép tủy, Diệu Thuần (27 tuổi) đã được ra khỏi phòng cách ly và đến dự buổi giới thiệu thành công của ca ghép tủy cho chính mình do Viện Huyết học và Truyền máu TƯ tổ chức.

Khi mới xuất hiện, Diệu Thuần khá rụt rè và bịt khẩu trang kín mít và đội mũ len che đi mái tóc đã rụng hết vì những đợt truyền hóa chất. Nhưng sau, cô tự tin bỏ khẩu trang, cởi mở tâm sự với mọi người.
 
Diệu Thuần đã chiến thắng bệnh tật sau 7 năm dài chiến đấu, chống chọi với nó
Diệu Thuần đã chiến thắng bệnh tật sau 7 năm dài chiến đấu, chống chọi với nó.

7 năm chiến đấu với ung thư, với rất nhiều nghị lực, đớn đau để chiến đấu với bệnh tật, có những lúc Diệu Thuần cũng tưởng như sẽ phải buông xuôi vì tình trạng bệnh quá nặng. “Em không nghĩ mình “chiến đấu” đến được ngày hôm nay, nay được ghép tủy thành công, cơ hội lành bệnh rất nhiều, nhiều lúc em ngỡ như mình mơ, phải tự cấu vào tay để thấy thực sự mình đang tỉnh và cuộc sống đang trở lại với mình”, Diệu Thuần tâm sự.

Câu chuyện về Diệu Thuần, cô gái nghị lực với 7 năm chiến đấu với bạo bệnh khi mới bước chân vào đại học (năm 2005) chưa đầy một tháng, khiến không ai có thể cầm lòng. Thời gian đến giảng đường ít hơn thời gian nằm viện. Những đợt truyền hóa chất, làm xét nghiệm, đau đớn và mệt mỏi… Tất cả những tâm trạng, nỗi niềm đó được Thuần trải lòng trong những trang nhật kí… để rồi, Thuần quyết định nhặt những cảm xúc trong suốt 7 năm bạo bệnh đó thành một tự truyện “Như hoa hướng dương”. Cuốn tự truyện “Như hoa hướng dương” của tác giả đặc biệt này được cả cộng đồng mạng biết đến.

Cuốn tự truyện này cũng như sách “gối đầu giường” của những người bạn cùng trang lứa với Diệu Thuần, cùng hoàn cảnh với Diệu Thuần, thay vì tung tăng chạy nhảy, đến trường hàng ngày, họ lại phải nằm viện với những đợt truyền hóa chất đến rạc người, đến nôn thốc nôn tháo, đến với những mái tóc rụng như trút… để rồi chỉ còn vài sợi lơ thơ trên đầu.  Đọc “Như hoa hướng dương”, những người bạn cùng cảnh như được tiếp thêm nghị lực của cô bạn Diệu Thuần để chiến đấu với bệnh tật.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, cho biết, từ tháng 9/2005 khi bắt đầu vào đại học cũng là thời điểm Diệu Thuần phát hiện bệnh ung thư máu và được điều trị liên tục tại Viện từ thời điểm đó đến nay. Trải qua 7 năm điều trị không có nhiều tiến triển, đặc biệt trong 2 năm điều trị bằng thuốc nhắm đích (Gleevec) vẫn chỉ cho kết quả dương tính với tế bào ung thư, những tưởng không còn nhiều hi vọng cho bệnh nhân này.

Năm 2012, Viện Huyết học - Truyền máu TƯ đã quyết định thực hiện ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhân Diệu Thuần. Cùng thời gian đó, Diệu Thuần gặp được một nhà văn Ixrael, bà nhận lời giúp đỡ Diệu Thuần qua đất nước này để điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc. Anh trai của Diệu Thuần đã sẵn sàng hiến tế bào gốc cho em gái. Tuy nhiên, chỉ số giữa người cho và người nhận đạt 5/6 allen, chưa phải là chỉ số lý tưởng cho yêu cầu cấy ghép (chỉ số 6/6 allen là chỉ số tương đồng hoàn toàn, an toàn cho việc cấy ghép) cùng với sự tiến triển bệnh không mấy khả quan nên Diệu Thuần đã không được đồng ý.

Tủy mới đã sống

Dù lường trước nhiều khó khăn do chỉ số hòa hợp giữa tủy người cho - người nhận không được như mong muốn, nhưng ngày  15/9/2012, Viện Huyết học và truyền máu vẫn tiến hành ca ghép tủy cho bệnh nhân.
 
Diệu Thuần trước khi bị bệnh
Diệu Thuần trước khi bị bệnh

Sau ca ghép 15 ngày, kết quả xét nghiệm cho thấy có xuất hiện mọc các mảnh ghép mới. Theo dõi tiếp sau 30 ngày ghép, các xét nghiệm tủy đều cho kết quả khả quan. Các chỉ số tế bào máu đã trở lại gần như bình thường, đặc biệt xét nghiệm về tổn thương di truyền như cấy nhiễm sắc thể tủy PH1 âm tính; sinh học phân tử PCR gen bệnh âm tính; thể khảm (chuyển đổi tế bào gốc của người hiến và bệnh nhân - thường gọi là Chimerism) đạt 100%.

“Sự thành công này khiến chúng tôi đều vui mừng rơi nước mắt. Thời điểm hiện tại, dù kết quả xét nghiệm tốt nhưng bệnh nhân vẫn phải được theo dõi tiếp tại Viện. Hi vọng kết quả sẽ tốt đẹp để bù đắp cho những cố gắng, nỗ lực của cô gái giàu nghị lực”, GS Trí nói.

GS Trí cho biết thêm, từ năm 2006 đến nay, Viện đã thực hiện trên 50 ca ghép tế bào gốc với tỷ lệ thành công đạt trên 75%. Hình thức ghép tế bào gốc tự thân để điều trị cho các bệnh như: Đa u tủy xương, U lympho ác tính. Còn ghép tế bào gốc đồng loại trong điều trị các bệnh như: Lơxêmi cấp, Lơxêmi kinh dòng bạch cầu hạt, Hội chứng rối loạn sinh tủy, suy tủy xương, đái huyết sắc tố niệu kịch phát ban đêm.  

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm