1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ghép gan người lớn không khó nhưng…

(Dân trí) - “Không chỉ đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, điều khó khăn nhất hiện nay là rất hiếm nguồn cho gan”, TS Nguyễn Tiến Quyết (ảnh), Giám đốc bệnh viện Việt Đức, đơn vị vừa tiến hành ca phẫu thuật ghép gan người lớn đầu tiên ở Việt Nam cho biết.

Sau hơn 12 tiếng đồng hồ diễn biến, ca phẫu thuật với sự tham gia của các bác sĩ Đài Loan và những chuyên gia giỏi nhất của bệnh viện đã thành công khá tốt đẹp, không có gì bất thường xảy ra.

 

Người được ghép gan, bệnh nhân Nguyễn Thị Nhậm đã khá tỉnh táo, những vấn đề đe dọa về viêm phổi, chảy máu ổ bụng, nhiễm trùng, thải ghép, chỉ số huyết động mạch… đã không còn. Hiện, bệnh nhân đang được theo dõi chặt chẽ về các hoạt động của phổi và sự phục hồi toàn thể trạng.

 

Chi phí cực lớn

 

Kết quả thành công có được sau ca ghép gan người lớn đã đánh dấu một bước tiến mới của ngành ghép tạng Việt Nam. Tuy nhiên, kinh phí cho một ca ghép gan như vậy rất lớn (1,5 tỷ đồng). Đây có phải là cản trở lớn nhất đối với những bệnh nhân có nhu cầu ghép gan hay không, thưa TS?

 

Nói chung, ghép gan là một trong những loại phẫu thuật đắt tiền nhất. Nếu phẫu thuật tim, người bệnh chỉ tốn khoảng 30 nghìn USD/ca thì chi phí cho một cuộc ghép gan lên tới 100 nghìn USD với người bị viêm gan và khoảng 70 nghìn USD với người không bị viêm.

 

Giá chí phí cho ca ghép gan tại Việt Nam là không cao so với thế giới và hiện chưa thể hạ thấp được, bởi tất cả các loại thuốc dùng đều nhập ngoại. Ngoài ra, trong khoảng 30 ngày đầu sau ca ghép gan, bệnh nhân còn phải dùng những loại thuốc đặc biệt với giá thành lên tới 40 nghìn USD. Về sau thì số thuốc cần dùng cũng giảm đi, nhưng bệnh nhân cũng phải chi phí khoảng 7-8 nghìn USD/năm và kéo dài trong vòng vài năm. 

 

Đối với những trường hợp ghép gan mà bệnh nhân không bị viêm gan siêu vi trùng mà là teo gan tối cấp hay teo gan vàng cấp (hay gặp ở trẻ em) thì thuốc phải dùng ít hơn nhưng thời gian phải dùng thuốc lại kéo dài hơn. Không thể rẻ hơn được, chỉ tiết kiệm được chi phí ra nước ngoài sinh hoạt.

 

Với khoản tiền chi phí lớn đến vậy thì nên thẳng thắn nhìn nhận, chỉ những người giàu có mới có đủ tiền để ghép gan.

Chúng tôi chưa có cách khắc phục nào về vấn đề kinh phí, đó có là một trong những vấn đề nan giải!

 

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhân ghép gan

 

Ngày 3/12, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã đến Bệnh viện Việt Đức thăm nữ bệnh nhân Nguyễn Thị N (48 tuổi) mới được ghép gan tại bệnh viện Việt Đức hôm 28/11.

 

Sau khi thăm hỏi và động viên sức khoẻ của cả người nhận gan và người cho gan, Bộ trưởng đã biểu dương tinh thần làm việc và sự nỗ lực phấn đấu của tập thể bác sĩ tham gia ca ghép gan người lớn đầu tiên này.

 

Theo Bộ trưởng, kết quả thành công có được sau ca ghép gan người lớn đã đánh dấu một bước tiến mới của ngành ghép tạng Việt Nam. Đây cũng là tin vui cho những bệnh nhân mắc bệnh mắc bệnh hiểm nghèo về gan ở nước ta.

Hiếm nguồn cho

 

Ngoài những khó khăn về kinh phí, những ca ghép gan còn cần đến yếu tố quan trọng nào thưa TS?

 

Trên thực tế tiền bạc chưa phải là vấn đề lớn nhất, điều khó khăn lớn nhất chính là phải có người cho gan. Không phải đến bây giờ chúng tôi mới có đủ trình độ kỹ thuật để ghép gan mà là mãi đến bây giờ mới có đủ các yếu tố để tiến hành, trong đó có yếu tố rất quan trọng là nguồn gan cho.

 

Hiện nay, nguồn gan để ghép có từ hai nguồn, đó là của người cho sống (là người nhà, người thân, nguồn xã hội) và nguồn từ người đã chết não, kể cả họ có tự nguyện hiến tạng thì chúng tôi vẫn đợi có sự đồng ý của người người thân. Cho đến nay, ở  xã hội ta nguồn cho lớn nhất chính là người thân.

 

Rất nhiều người cho rằng cho đi một nửa gan thì họ cũng mất đi một nửa sức khoẻ, thậm chí có nguy cơ tử vong vì những biến chứng có thể xảy ra sau khi bị cho gan, điều này có đúng không thưa TS?

 

Ví dụ cụ thể nhất là trường hợp vừa cho gan, anh Nguyễn Gia Cư, một người cháu đã cho cô ruột một phần lá gan của mình. Sau khi cho gan sức khoẻ đã phục hồi rất nhanh, các chức năng của gan đã hoạt động trở lại bình thường, gan đã tiết mật, anh Cư đã đi lại được và có thể ăn cơm bình thường… Nếu không có gì thay đổi, bệnh nhân sẽ được ra viện trong 5 - 6 ngày tới và sau này không mấy ảnh hưởng đến sức khoẻ.

 

Ghép gan người lớn không khó nhưng… - 1
 

Anh Cư- người cho gan hiện đã hoàn toàn

hồi phục 

 

Ở bệnh Việt Đức, mỗi năm chúng tôi tiến hành 500 - 800 ca cắt gan do tai nạn giao thông, có những người bị cắt ½ thâm chí đến 2/3 lá gan nhưng sau nhiều năm họ vẫn sống và sinh hoạt bình thường.

 

Tuy nhiên, cũng không thể nói trước được điều gì, bởi có những cuộc lấy gan khi  bị cắt đi một nửa cũng có biến chứng viêm gan xảy ra, tuy nhiên tỷ lệ này không cao, 3% - 4%.

 

Còn đối tượng được ghép gan, họ sẽ sống thêm được bao lâu thưa TS?

 

Điều này rất khó để khẳng định chắc chắn, lịch sử ghép gan trên thế giới đã chứng kiến bệnh nhân ghép gan sống thêm được đến 20 năm khi được chăm sóc tốt. Theo Y khoa của Thế giới, những bệnh nhân người lớn bị xơ gan, u gan, sau khi được phẫu thuật, tỷ lệ sống hơn 5 năm là 60%.

 

Còn những bệnh nhân trẻ em bị teo gan và đường mật bẩm sinh, nếu được ghép gan từ bố mẹ, thời gian sống đạt dài hơn.

 

Cụ thể, tiên lượng của TS về tình hình của bệnh nhân Nhậm- người vừa được nhận gan?

 

Không thể nói trước được điều gì, hiện bệnh nhân đang được theo dõi rất chặt chẽ về nhiễm trùng, về phổi, toàn thân, tình trạng thải ghép. Có điều chắc chắn rằng nếu bệnh nhân không mổ thì thời gian sống tính bằng ngày, còn những bệnh được ghép gan thành công như tôi đã nói: tỷ lệ sống trên 5 năm trên thế giới đạt đến 60%!

 

Hiện các bác sĩ của Việt- Đức đã có thể tiến hành độc lập một ca  ghép gan mà không cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài?

 

Chúng tôi đã chuẩn bị cho ghép gan từ  năm 1965, đồng thời đã gửi nhiều bác sĩ đi học ở nước ngoài  nhằm nâng cao trình độ. Từ đó đến nay, nhiều ca thử nghiệm trên lâm sàng đã diễn ra (như ghép gan cho lợn và con lợn này đã sống được mấy chục ngày). Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên đến bây giờ ca ghép trên người mới diễn ra. Ở ca ghép đầu tiên này chúng tôi vẫn phải mời các chuyên gia Đài Loan vì họ đã có nhiều kinh nghiệm thực tế từ những ca ghép đã tiến hành.

 

Như vậy, sẽ sớm diễn ra những ca ghép gan do chính các bác sĩ trong nước thực hiện?

 

Đúng là còn rất nhiều bệnh nhân ung thư gan, xơ gan đang chờ được phẫu thuật, nhưng vấn đề khó khăn mà chúng tôi rất khó khắc phục đó là nguồn cho gan. Điều này chỉ có thể hy vọng vào chính người thân của những bệnh nhân này.

 

Cảm ơn TS!

 

P. Thanh (thực hiện)