Gặp nguy vì móng tay giả

Các móng tay giả từng gây tai nạn ở vùng Bronx, New York (Mỹ). Một cô bé 16 tuổi bị bỏng 2 đầu ngón tay bên trái chỉ vì sở thích làm đẹp của mình.

Cô thiếu nữ vùng Bronx có những móng tay dài và đẹp, nhưng đó là móng tay giả làm bằng acrylic. Trong lúc làm bếp, cô đưa tay cầm cái chảo trên bếp ga, móng tay của ngón giữa bắt lửa và nóng chảy, làm bỏng phần da bên dưới móng và ngọn lửa từ đó lan qua làm bỏng cả ngón trỏ. Bác sĩ trực ở phòng Cấp cứu Bronx cho biết, chuyện cháy móng tay không phải hiếm, thường là do những đầu điếu thuốc nóng đỏ làm cháy móng.

Có ba loại móng tay giả. Loại thứ nhất là một thứ vải hay lụa, gắn vào móng bằng keo acrylic để sửa lại những móng bị gãy, nứt. Loại thứ hai là móng tay bằng plastic, cũng được gắn vào móng, thường bằng keo acrylic. Loại thứ ba làm bằng chất acrylate polymer đắp lên trên móng thật, thường đòi hỏi tay nghề khéo hơn, và vì thế cũng đắt tiền hơn.

Trước đây còn có loại móng tay giả được làm bằng chất methyl methacrylate monomer (gọi tắt là M3). Sau một thời gian lưu hành, người ta phát hiện chất này gây viêm da, sưng quanh ngón tay và làm teo móng. Vì thế, năm 1974, Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ đã cấm làm móng tay bằng M3.

Hiện nay, một loại acrylic khác có tên là Krazy Glue (ethyl cyanoacrylate) vẫn còn được dùng để vá móng tay bị gãy, nứt. Nhưng theo một nghiên cứu, loại keo này cũng có thể gây phản ứng có hại như làm teo móng tay, sưng quanh móng, thậm chí làm tróc mất móng. Có người bị dị ứng sinh lác ngứa (eczema) không chỉ ở gần chỗ móng tay giả mà cả ở bàn tay, cánh tay, thậm chí trên mí mắt; các nhà khoa học cho rằng có thể là do bụi acrylic đã bay vương vãi trong lúc mài móng tay. Một số bệnh nhân có cảm giác tê, rát ở đầu ngón tay cả tháng sau khi vết lác đã lành. Có phụ nữ đã bị rụng cả móng tay, tê đầu ngón và sưng quanh chỗ móng cũ, kéo dài tới hơn 10 năm sau khi đắp móng tay giả.

Hóa chất làm móng tay giả còn có thể gây ngộ độc. Tập san Y khoa cấp cứu Mỹ đã ghi lại trường hợp một phụ nữ dùng chất DMT (dimethyl toluidine) để làm móng giả. Cháu trai của bà vô tình uống phải đã bị nhiễm độc hồng cầu. Một số trường hợp bị ngộ độc vì thuốc bóc móng giả có chất nitrile; triệu chứng không xuất hiện ngay vì nitrile vào cơ thể rồi mới từ từ biến dưỡng thành cyanide - một chất độc có thể gây chết người.

Cách đây vài năm, một bà mẹ, để dỗ con, thay vì cho con ngậm đầu vú giả thì lại đưa ngón tay ra cho nó. Sau đó, đứa bé cứ quấy khóc không chịu bú, lại còn ho và nôn. Khi đem con đi khám bệnh, bà mẹ mới biết cái móng tay giả của mình bị mắc lại, cắm ngay trên vòm miệng của đứa trẻ.

Móng tay giả có thể giúp bàn tay thêm đẹp nhưng cũng đầy rẫy những nguy cơ, vì thế cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng móng tay giả, và nếu đã sử dụng thì phải thật thận trọng trong các sinh hoạt hàng ngày. Hãy nhớ rằng ngay cả khi các chất làm móng giả không gây hại thì mỗi khi đắp hay gỡ chúng ra, bạn đều phải mài móng cốt bên dưới và gây hại cho móng đó.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống