Gặp họa với thuốc tưởng ... lành" nhất!
Những viên thuốc tưởng chừng "lành" nhất, thậm chí có thể mua ở nhà thuốc mà không cần toa bác sĩ, vẫn có thể gây họa
Ngồi chờ ở khu khám bệnh của Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh, anh N.B.T (29 tuổi; ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) cho biết 2 tuần trước, mình bị ngã xe dẫn đến chấn thương dây chằng, hôm nay đi tái khám.
Thuốc "lành", uống sai vẫn có thể mất mạng
"Hôm đó tôi bị cảm nhẹ, uống thuốc xong thấy đỡ nên buổi trưa tranh thủ đi công chuyện. Ai ngờ chạy xe được một lúc thì buồn ngủ đến lạc tay lái, ngã xe. Vô bệnh viện, bác sĩ (BS) "truy" thì mới lòi ra nguyên nhân buồn ngủ là do viên thuốc sổ mũi chlopheniramine mà tôi đã uống" - anh T. than thở.
Cách đây không lâu, một em bé mới 27 tháng tuổi ở Phú Thọ nguy kịch vì ngộ độc paracetamol - loại thuốc giảm đau, hạ sốt cực kỳ phổ biến với rất nhiều tên thương hiệu - đã khiến nhiều người xôn xao. Sau 4 ngày được mẹ cho uống 4 viên paracetamol 500 mg/ngày, bé đã phải nhập viện trong tình trạng lơ mơ, khó thở rồi rơi vào hôn mê.
Khi xem thông tin này trên mạng xã hội, chị Trần Diệu T. (35 tuổi; ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) đã tiếp tục chia sẻ ngay câu chuyện này với bạn bè. Chị T. cho biết đọc xong thông tin này mà "điếng hồn" vì mới tháng trước, con của chị T. đã 12 tuổi, bị sốt xuất huyết. Để hạ sốt cho bé, chị đã cho bé uống 3 giờ/viên trong 2 ngày đầu, trong khi bác sĩ dặn 4-6 giờ mới được uống 1 viên. May là con chị T. chỉ bị mệt rồi qua khỏi, chứ không phải nhập viện như bé ở Phú Thọ.
Nói về các loại thuốc mà người dân thường nghĩ là "lành" vì được mua mà không cần có toa, BS Nguyễn Ðức Vũ, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Sài Gòn, cảnh báo: "Một số người chủ quan cho rằng thuốc không kê đơn, nhất là nhóm thuốc trị nhức đầu, ho, sổ mũi - dùng sao cũng được, lỡ uống sai một chút cũng không sao - là không đúng và có thể nguy hiểm cho người bệnh".
BS Nguyễn Ðức Vũ dẫn chứng trường hợp điển hình vào năm 2017, một thanh niên ở Sơn La, 22 tuổi, được chuyển cấp cứu tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai vì ngộ độc, hôn mê, suy gan nặng do dùng tới 19 viên paracetamol 500 mg chỉ trong vòng 2 ngày. Còn có một loại thuốc tưởng đơn giản nhưng từng khiến dư luận hoảng hồn là thuốc ho Recotus, vì đã có trường hợp bị "ngáo"… thuốc ho mà gây án.
Theo BS Vũ, Recotus có thành phần là dextromethorphan HBr 30 mg, diprophyllin HCl 100 mg và lysozym 20 mg. Trong đó, dextromethorphan là một chất có cấu trúc hóa học liên quan đến morphin giúp tác động lên trung tâm ho ở hành não để giảm ho. Tuy liều thấp và ít có khả năng gây nghiện nhưng nếu dùng liên tục hoặc một lần uống cả vỉ thì hiệu quả khó lường.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc ho này là mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, buồn nôn, đỏ bừng…; với liều cao, người dùng có thể bị ức chế hệ thần kinh trung ương dẫn đến ảo giác, hành vi kỳ quặc, suy hô hấp… Sau này, dextromethorphan và diprophyllin đã bị hạn chế sử dụng.
Nhóm thuốc trị ho, sổ mũi cũng được BS chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Ðồng Thành phố, lưu tâm. Ông cho biết ở trẻ em, tác dụng phụ của các thuốc này càng dễ xảy ra và xảy ra nặng hơn nếu bị lạm dụng, cho dù chỉ dùng "lố" một ít. Rất nhiều thuốc trị ho, sổ mũi chống chỉ định hoặc hạn chế chỉ định ở trẻ nhỏ. BS Nguyễn Minh Tiến cho hay không ít trẻ phải đi gặp BS vì bị té ngã sau khi uống thuốc trị dị ứng, sổ mũi (vì bị buồn ngủ quá độ), hay bị khó thở, suy hô hấp sau khi uống thuốc ho.
Không cần toa cũng không được uống đại
BS Nguyễn Ðức Vũ phân tích: Khác với thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn là những loại thuốc mà người dân bình thường có thể tiếp cận, tự điều trị đối với các loại bệnh thông thường. Chẳng hạn như thuốc uống trị giun albendazol, berberin điều trị tiêu chảy, xanh methylen dùng ngoài.
Thuốc không kê đơn có độc tính thấp, phạm vi liều dùng rộng, an toàn cho các nhóm tuổi. Chủ yếu sử dụng qua đường uống, dùng ngoài da với hàm lượng, nồng độ thích hợp cho việc tự điều trị mà không nhất thiết cần sự theo dõi của người hành nghề khám chữa bệnh; ít có nguy cơ bị lạm dụng, lệ thuộc, ít tương tác với các thuốc khác và thức ăn, đồ uống thông dụng.
Ngược lại, thuốc kê đơn là nhóm thuốc phải có sự thăm khám của bác sĩ trước đó và được bán theo đơn thuốc. Tuy nhiên, không có nghĩa là thuốc thuộc nhóm không cần kê đơn sẽ không có tác dụng phụ. Mối họa lớn nhất nằm ở việc uống thuốc mà… quên xem hướng dẫn sử dụng.
Theo BS Nguyễn Minh Tiến, tốt nhất khi mua các thuốc hạ sốt, ho, sổ mũi thông thường, bạn nên hỏi qua dược sĩ bán thuốc về liều dùng, thời gian dùng phù hợp và các tác dụng phụ có thể xảy đến.
Riêng với những trường hợp người cần uống thuốc đang có một bệnh lý khác phải chữa trị thì nhất thiết phải trao đổi với bác sĩ điều trị cho dù là uống thuốc thuộc nhóm không cần kê toa.
Trẻ em phải có thuốc riêng
BS Nguyễn Minh Tiến đặc biệt lưu ý nếu người có nhu cầu dùng thuốc không cần kê đơn là trẻ em thì cha mẹ nhất thiết phải thông báo với dược sĩ bán thuốc về tuổi, cân nặng của bé để được bán loại thuốc phù hợp. Nhiều loại thuốc cho trẻ không chỉ khác ở chỗ viên nhỏ hơn thuốc tương đương ở người lớn mà còn có một số thành phần khác với thuốc người lớn. Việc cho trẻ em uống thuốc bằng cách bẻ làm đôi, làm ba, nghiền viên thuốc, mở viên nhộng lấy bột thuốc... cũng có thể ảnh hưởng đến tác dụng thuốc, làm tăng tác dụng phụ vì khiến thuốc hấp thu quá nhanh so với ý đồ của nhà sản xuất khi chế tạo viên nén hay viên nhộng.