Gần tết, càng lo ngộ độc thực phẩm

Từ ngày 10/12 đến nay, tại Long An và Tiền Giang liên tiếp xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tại 3 Cty và một trường học khiến hơn 250 công nhân (CN) và học sinh phải nhập viện.

Một vụ công nhân ngộ độc thực phẩm

Một vụ công nhân ngộ độc thực phẩm

 

Vụ mới nhất xảy ra ngày 21/12 tại Cty TNHH Simone (KCN Tân Hương, huyện Châu Thành, Tiền Giang). Sau buổi ăn tất niên chiều 21.12, khoảng 60 CN Cty này có triệu chứng đau bụng, nôn, tiêu chảy. 

 

Còn tại Long An, trưa ngày 12/12, cũng với triệu chứng như vậy, 73 học sinh 2 khối lớp 4 - 5 (Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, TP.Tân An) được chuyển đến Khoa cấp cứu (BVĐK Long An).

 

Trước đó (ngày 10/12), sau buổi ăn trưa, 65 CN 2 Cty TNHH Great Profit VN và TNHH Build Yet Shoes (KCN Long Hậu, huyện Cần Giuộc, Long An) được chuyển đến Phòng khám đa khoa Long Hậu cấp cứu do các triệu chứng ói, tiêu chảy.

 

Tại 3 Cty, suất ăn của CN do các cơ sở nấu ăn cung cấp. Như vậy là, hơn 3 tháng sau khi Sở Y tế Tiền Giang có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), chống ngộ độc thực phẩm - đồng thời đề nghị Ban Quản lý các KCN Tiền Giang phối hợp triển khai trong lĩnh vực này - ngộ độc thực phẩm lại xảy ra.

 

Có thể thấy, ATTP là nỗi lo… thường trực của người tiêu dùng. Thời điểm cận Tết Nguyên đán vấn đề này lại càng “nóng” hơn khi nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng đối với mỗi hộ gia đình; rồi tiệc tất niên của cơ quan, doanh nghiệp (tổ chức tại chỗ hoặc ở nhà hàng…).

 

Trong khi đó, việc quản lý ATTP tại các địa phương vùng ĐBSCL còn bộc lộ nhiều bất cập. Hoạt động thanh - kiểm tra thường chỉ diễn ra theo đợt hoặc khi có sự cố xảy ra. Chẳng hạn như, sau khi có thông tin bún ở TPHCM nhiễm chất tinopal, nhiều địa phương vùng ĐBSCL mới tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng loạt mẫu bún, bánh phở, bánh ướt… nhiễm chất này (tại Cà Mau có đến 14/16 mẫu cho kết quả dương tính với chất tinopal).

 

Nếu như không có thông tin về bún nhiễm chất tinopal ở TPHCM, ở thời điểm sau đó, việc kiểm tra các mặt hàng này chưa chắc đã được triển khai tại các địa phương vùng ĐBSCL.

 

Mới đây, UBND tỉnh Long An cũng đã ban hành công văn chỉ đạo việc tăng cường đảm bảo ATTP trong những tháng cuối năm 2013; nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng thực phẩm của người tiêu dùng tăng cao, trong khi việc quản lý ATTP thường chạy “theo đuôi” (khi có sự cố xảy ra). Không lo sao được!

 

Theo Tâm Phúc

Lao động