1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gần 50% người trưởng thành bị tăng huyết áp

(Dân trí) - Thống kê mới nhất trong năm 2016 của Hội tim mạch Việt Nam cho thấy có đến 48% người lớn trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp. Đây là con số báo động đỏ, bởi số người trưởng thành tăng huyết áp tăng gần gấp đôi so với năm 2009.

Tăng huyết áp không có dấu hiệu điển hình nhưng lại dễ dàng phát hiện bằng thao tác đo huyết áp đơn giản tại cơ sở y tế.
Tăng huyết áp không có dấu hiệu điển hình nhưng lại dễ dàng phát hiện bằng thao tác đo huyết áp đơn giản tại cơ sở y tế.

Tại hội nghị tăng huyết áp Việt Nam lần thứ hai diễn ra ngày 14/5, GS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội tim mạch Việt Nam, Nguyên Viện trưởng Viện tim mạch Việt Nam cho biết, năm 2.000 Việt Nam có khoảng 16% người lớn bị tăng huyết áp thì năm 2009 tỷ lệ này đã tăng lên 25% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp đang ở mức báo động là 48%.

Trong đó, nam giới chiếm 47%, nữ giới ở mức 42%. Đặc biệt, ở những người tuổi càng cao thì tỷ lệ tăng huyết áp càng cao.

Theo GS Lân Việt, hiện tăng huyết áp là bệnh tim mạch phổ biến nhất với rất nhiều biến chứng có thể xảy ra, trong khi tỷ lệ người kiểm soát tốt bệnh này này ít. Tăng huyết áp là một vấn đề thường gặp trong cộng đồng và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Tăng huyết áp đồng thời cũng là nguyên nhân gây suy tim và đột quỵ não do việc kiểm soát huyết áp của người bệnh còn chưa tốt.

Trên thế giới, số người mắc bệnh tăng huyết áp cũng tăng lên. Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, năm 2.000 trên toàn thế giới có tới 972 triệu người bị tăng huyết áp và con số này được ước tính vào khoảng 1,5 tỷ người vào năm 2025. Hiện nay, trung bình cứ 10 người lớn có 4 người bị tăng huyết áp. Một vấn đề nguy hiểm là tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp tăng nhanh ở các nước đang phát triển, như châu Á, châu Phi.

GS Lân Việt khuyến cáo, để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp hiệu quả, người dân phải có chế độ ăn hợp lý như giảm ăn mặn (dưới 5g muối/ngày); tăng cường ăn rau xanh, hoa quả tươi; hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và axít béo no; đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. Đồng thời, mọi người cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ; giảm cân (nếu quá cân); hạn chế uống rượu, bia; ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.

Bên cạnh đó, mỗi người cần tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp (tập thể dục, đi bộ, đi xe đạp hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30-60 phút mỗi ngày); tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; chú ý đến việc thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý; tránh bị lạnh đột ngột.

Với người bệnh bị tăng huyết áp phải tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, đo huyết áp và uống thuốc hàng ngày, tái khám định kỳ. Tuyệt đối không bỏ thuốc như nhiều người bệnh vẫn đang mắc phải, thấy uống thuốc, huyết áp ổn định một thời gian lại bỏ thuốc vì nghĩ mình khỏi bệnh. Trong khi đó, tăng huyết áp là căn bệnh phải điều trị suốt đời, không được bỏ thuốc để kiểm soát huyết áp hiệu quả.

Huyết áp tăng đột ngột là nguyên nhân của một loạt căn bệnh đột quỵ não, suy tim nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Trong nhiều trường hợp đột quỵ não dù cứu được nhưng vẫn để lại di chứng nặng nề, gây liệt, tai biến khiến người bệnh tàn tật suốt đời.

Tăng huyết áp không có dấu hiệu đặc trưng, vì thế nhiều ca bệnh tăng huyết áp, gây suy thận, ảnh hưởng sức khỏe chỉ tình cờ được phát hiện khi người bệnh đến viện khám vì một bệnh lý khác. Vì thế căn bệnh này còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Tăng huyết áp có biểu hiện khác nhau, tùy thuộc theo thể trạng của từng người.

Những dấu hiệu hay gặp của tăng huyết áp là: Choáng váng, nhức đầu; Mất ngủ, chóng mặt, ù tai, hoa mắt; Khó thở, đau tức ngực, hồi hộp; Đỏ mặt, buồn nôn. Khi có một trong các dấu hiệu này cần đến cơ sở y tế để kiểm tra tình trạng huyết áp.

Một người khi có các dấu hiệu kể trên cần nhanh chóng kiểm tra huyết áp tại nhà và đến các cơ sở y tế gần nhất để khám, xác định bệnh và điều trị kịp thời.

Hồng Hải