1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Gần 2 triệu người mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán, điều trị

Phạm Tâm

(Dân trí) - Việt Nam có gần 2 triệu người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán, điều trị, đồng nghĩa các biến chứng đái tháo đường đang lặng lẽ hủy hoại.

Trong 2 ngày 30 và 31/10 tại Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị Khoa học về bệnh nội tiết, đái tháo đường và rối loạn chuyển hóa Việt Nam lần thứ X. Hội nghị có hơn 1.300 đại biểu trong cả nước đến tham dự, ngoài ra, còn có sự góp mặt với vai trò diễn giả của nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực.

Gần 2 triệu người mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán, điều trị - 1
Các đại biểu tham dự hội nghị muốn truyền đi thông điệp đến cộng đồng: HbA1C ≤ 7% với bệnh nhân đái tháo đường; vòng bụng đạt chuẩn với mọi người (< 80cm/nữ; < 90cm/nam)

Hội nghị lần này mong muốn truyền đi thông điệp đến cộng đồng: HbA1C ≤ 7% với bệnh nhân đái tháo đường; vòng bụng đạt chuẩn với mọi người (< 80cm/nữ; < 90cm/nam); phòng chống bệnh nội tiết - chuyển hóa trong bối cảnh đại dịch covid-19.

GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - đái tháo đường Việt Nam cho biết trên thế giới, riêng về bệnh đái tháo đường đã có hơn 463 triệu người mắc, trong đó hơn 50% chưa hề biết mình đang mang bệnh.

 “Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh khoảng 6%, nhưng điều đáng nói gần 2 triệu người mắc đái tháo đường chưa được chẩn đoán, điều trị, đồng nghĩa các biến chứng đái tháo đường đang lặng lẽ hủy hoại thân thể đồng bào của chúng ta”, giáo sư Dàng cho biết.

Ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết thêm bệnh đái tháo đường đã và đang gia tăng nhanh chóng ở mọi quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực.

Gần 2 triệu người mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán, điều trị - 2

Một bệnh nhân bị đái tháo đường biến chứng đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ

Năm 2019, toàn thế giới có khoảng 463 triệu người trưởng thành (từ 20-79 tuổi) đang sống với bệnh đái tháo đường. Con số này được dự báo sẽ tăng lên 700 triệu người vào năm 2045. Một trong 5 người trên 65 tuổi có bệnh đái tháo đường, trên 1,1 triệu trẻ em và vị thành viên đang sống với đái tháo đường tuýp 1. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo, đái tháo đường sẽ trở thành nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ bảy trên thế giới vào năm 2030.

Ông Khoa cũng cho biết: “Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây bệnh tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia, chủ yếu qua việc làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Đái tháo đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa, cắt cụt chi và tổn thương thận. Thiếu kiến thức về bệnh đái tháo đường, cùng với việc tiếp cận không đầy đủ các dịch vụ y tế và các thuốc thiết yếu có thể dẫn đến các biến chứng trên”.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường thế giới IDF, năm 2019 tỷ lệ đái tháo đường ở Việt Nam (nhóm tuổi từ 20-79) là 5,7%. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người bị tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh đái tháo đường được quản lý tại các cơ sở y tế. Theo số liệu thống kê khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế, năm 2019, có hơn 3 triệu người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với chẩn đoán đái tháo đường, trong đó, mỗi năm số lượt khám chữa bệnh đái tháo đường tăng 3,4 triệu lượt.

Việc quản lý điều trị bệnh đái tháo đường còn nhiều bất cập, đa số được khám, quản lý điều trị từ tuyến huyện trở lên. Tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám, quản lý điều trị ở tuyến xã còn rất hạn chế.

Ông Khoa cho biết thêm bệnh đái tháo đường tuýp 2 có thể được ngăn ngừa bằng cách giải quyết các yếu tố nguy cơ về hành vi lối sống như sử dụng thuốc lá, chế độ ăn uống không lành mạnh và béo phì, lười vận động và sử dụng rượu có hại thông qua chiến lược truyền thông thay đổi hành vi toàn dân. Phát hiện sớm người có nguy cơ đái tháo đường, người tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường và xử trí sớm sẽ giúp ngăn chặn quá trình phát triển bệnh và biến chứng.