Gần 1000 ca Covid-19, TPHCM kêu gọi dân thực hiện 7 "đầu việc" để chặn dịch
(Dân trí) - Ngành y tế thành phố kêu gọi người dân chủ động hợp tác chống dịch và thực hiện ngay 7 việc cần làm để chặn đứng dịch Covid-19 trong đợt giãn cách xã hội mới.
Trưa 14/6, kết luận cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống Covid-19, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM quyết định sẽ tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 toàn thành phố trong 14 ngày tới.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh thành phố ghi nhận 819 ca nhiễm, xếp thứ ba cả nước dù đã trải qua 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Theo bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, mầm bệnh Covid-19 đang lây lan trong cộng đồng, nhiều chuỗi lây nhiễm chưa xác định được nguồn lây. Việc tiếp tục giãn cách thêm hai tuần là cần thiết để thành phố khoanh vùng, truy vết và giải quyết một cách căn cơ tại các ổ dịch.
Hai tuần giãn cách vừa qua cho thấy sự tiếp xúc trong cộng đồng vẫn còn rất nhiều. Đây chính là nguy cơ lây nhiễm khi trong cộng đồng có ca bệnh - ông Hưng nhấn mạnh.
Trong hai tuần giãn cách tiếp theo, ngành y tế kêu gọi người dân tự hạn chế các hoạt động sinh hoạt và tiếp xúc với người khác để hạn chế nguy cơ lây nhiễm
Tuân thủ các biện pháp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế), trong đó đặc biệt lưu ý phải mang khẩu trang thường xuyên.
Khi xuất hiện địa điểm bị phong tỏa hoặc có những ca F0, người dân cần tự đánh giá yếu tố nguy cơ của bản thân, như: có đến khu vực phát hiện ca bệnh hay không, có tiếp xúc không, có biểu hiện sức khỏe bất thường không từ đó liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn các biện pháp xử lý phù hợp.
Phó giám đốc Sở Y tế kêu gọi mọi người, mọi gia đình cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, môi trường sống phải đảm bảo thông thoáng, thông khí tốt, hạn chế tối đa sử dụng máy điều hòa nhiệt độ. Trường hợp bất đắc dĩ phải dùng thì duy trì nền nhiệt từ 27 độ C trở lên.
Trong bối cảnh hiện tại, ngành y tế kêu gọi người dân ghi lại lịch trình di chuyển của bản thân, lịch sử tiếp xúc với những người liên quan. Khi xuất hiện ca nghi nhiễm, các thông tin của chính mình được người dân lưu lại đầy đủ là điều rất quan trọng giúp cho ngành y tế truy vết, khoanh vùng nhanh, ngăn chặn kịp thời nguy cơ dịch phát tán trong cộng đồng.
Trong 2 tuần giãn cách này, người sử dụng lao động, người lao động nên hạn chế tối đa làm việc trực tiếp mà cần chuyển sang hình thức làm việc, mua bán trực tuyến để tránh tiếp xúc. Riêng người dân trong khu vực đang tạm thời bị phong tỏa, cần đảm bảo nguyên tắc cách ly người với người, nhà với nhà nhằm góp phần kiểm soát không lây nhiễm chéo ngay trong khu phong tỏa hoặc lây lan ra cộng đồng.
Đối với các cơ quan, đơn vị làm việc trong môi trường văn phòng, Sở Y tế đề nghị phải quản lý chặt danh sách nhân viên của mình. Những cơ sở sản xuất có dây chuyền làm việc trong môi trường kín, ít thông khí, sử dụng máy điều hòa, nguy cơ lây nhiễm rất cao, cần tuân thủ quy định đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch, chuẩn bị các phương án xử lý khi có ca nghi nhiễm hoặc ca nhiễm trong dây chuyền sản xuất.