Gà đẻ hết trứng nuôi công nghiệp - Vừa nghèo dinh dưỡng, lại hại sức khỏe
(Dân trí) - “Gà đẻ hết trứng nuôi công nghiệp (gà thải) có hàm lượng mỡ trong thịt cao, ăn nhiều dẫn tới xơ vữa động mạch, các chất lắng đọng trong thịt cũng có ảnh hưởng phần nào”, TS. Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc trung tâm thực nghiệm và bảo trợ vật nuôi, cho biết.
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội như Mỹ Đình, Đồng Xa, Thành Công, có rất nhiều loại gà như Lương Phượng, Tam Hoàng, gà chọi, gà ta thả vườn, gà mía. Tuy nhiên, rất khó có thể phân biệt giữa các loại gà này, nhiều người bán hàng vì lợi nhuận kinh doanh, họ trộn lẫn các loại gà với nhau để đánh lừa những khách hàng không có kinh nghiệm chọn gà.
Thịt gà thải giá thành rẻ hơn so với các loại gà khác rất nhiều, dao động từ 40.000 - 50.000đ/kg, nếu mổ sẵn là 70.000 - 80.000/1kg. So với thịt lợn, thịt bò thì giá của thịt gà rẻ hơn rất nhiều.
Cô Dậu (Mai Dịch, Cầu Giấy) cho biết: “Tôi luôn cảnh giác với gà siêu rẻ, đặc biệt là gà thịt sẵn. Nhà có con nhỏ nên biện pháp duy nhất là thường mua gà của người quen nên cũng an tâm được phần nào”.
Chị Hoa (Hoàng Hoa Thám) chia sẻ: “Đi ra chợ hỏi mua thịt gà ta, nhìn miếng thịt ngon, mình cũng chưa có nhiều kinh nghiệm, mua về nấu lên nhiều mỡ, ăn thấy nhạt nhẽo. Lúc này mới biết mình mua phải thịt gà thải”.
Có hại nhưng tuỳ vào mức độ
TS. Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc trung tâm thực nghiệm và bảo trợ vật nuôi
“Quy trình sinh trưởng của gà đẻ trứng công nghiệp kéo dài 18 tháng, trong đó giai đoạn nuôi hậu bị từ 5 - 6 tháng, còn 12 tháng là khai thác trứng. Sau một thời gian khai thác trứng, khả năng đẻ trứng thấp xuống, chủ chăn nuôi cân đối không còn lãi sẽ bán”, TS. Ngọc Sơn cho biết và nhấn mạnh: “Vì thời gian nuôi kéo dài nên việc tiêm vacxin và chất kháng sinh như Ampixilin, Doci… là cần thiết để đảm bảo cho việc phòng tránh các bệnh như E.coli, bại liệt cho gà”.
Theo đúng như quy trình, gà đẻ sẽ được tiêm 9 loại vắc-xin nhưng bắt đầu khi gà đẻ trứng thì phải ngừng tiêm các loại vắc-xin trừ hai loại vắc-xin cúm và vắc-xin Newcastle. Thời gian nuôi gà đẻ dài, nên các chất kháng sinh tiêm vào trong cơ thể gà sẽ lắng đọng lại trong thịt. Tất cả các vắc-xin tiêm cho gà đều dưới dạng nhũ dầu (chậm tan) để kéo dài miễn dịch, tan dần thì lượng thuốc đọng lại trong thịt ít hơn. Nếu sử dụng vắc-xin lỏng tiêm trực tiếp thì các chất sẽ ngấm trực tiếp vào thịt gà, nếu người tiêu dùng ăn phải thì cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định.
“Những chất kháng sinh này khi vào cơ thể gà, một phần sẽ đọng lại và một phần tự đào thải ra ngoài, nên lượng chất có trong gà cũng không quá lớn nếu cơ sở chăn nuôi tiêm chủng đúng quy trình và liều lượng”, TS. Sơn giải thích.
Hầu hết các hộ chăn nuôi gà hiện nay, kiến thức về quy trình tiêm vắc-xin và kháng sinh sao cho đúng liều, đủ lượng còn hạn chế. Nên việc gà thải hiện nay có nhiều nguồn tràn lan trên thị trường, không kiểm soát hết được trong thịt gà đó có nhiều chất kháng sinh hay không, đó cũng là vấn đề cần có sự can thiệp của các cơ quan kiểm định vật nuôi, thực phẩm.
Về giá trị dinh dưỡng, gà thải loại chỉ ngon ở da, còn xương và thịt đã xơ hết. Về thành phần dinh dưỡng thì cũng giống như các loại gà khác, nhưng nói chung nó có hàm lượng thấp hơn. Ăn loại gà này có nguy cơ lớn nhất là tồn dư kháng sinh. ““Gà thải có hàm lượng mỡ trong thịt cao, ăn nhiều dẫn tới xơ vữa động mạch. Còn về các chất lắng đọng trong thịt, nếu ăn ít thì không có sự ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ, nhưng nếu ăn nhiều, sẽ có những nguy hiểm nhất định”, TS. Ngọc Sơn khẳng định.
Thanh Huyền