Em bé “ba bố mẹ” đầu tiên trên thế giới

(Dân trí) - Em bé có “ba bố mẹ” đầu tiên của thế giới, một bé trai tên là Abrahim, đã chào đời năm tháng trước từ một cặp vợ chồng người Jordan. Việc điều trị, nhằm tránh cho người mẹ truyền ADN ti thể bị khiếm khuyến sang con cái, được thực hiện ở Mexico.

BS John Zhang với em bé đầu tiên trên thế giới ra đời nhờ sử dụng ADN từ ba người
BS John Zhang với em bé đầu tiên trên thế giới ra đời nhờ sử dụng ADN từ ba người

Thông tin đăng tải trên tờ New Scientist, được xem là bước tiến cách mạng trong lĩnh vực y học sinh sản. Quy trình - dựa trên kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm mới kết hợp AND từ ba bố mẹ - là cần thiết vì mẹ của Abrahim, cô Shaban Hassan, mang đột biến ADN ti thể gây hội chứng Leigh, một rối loạn thần kinh chết người.

Vì đột biến này, cô và chồng, anh Mahmoud Hassan, đã bị mất hai đứa con, vì vậy họ yêu cầu sự trợ giúp của nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm sinh sản New Hope, thành phố New York. Nhóm do bác sĩ John Zhang đứng đầu đã thiết kế một kỹ thuật “ba bố mẹ” mới.

Cách truyền thống để làm điều này là sử dụng phương pháp pronuclear transfer, trong đó cả trứng của người mẹ và trứng của người cho được thụ tinh với tinh trùng của người cha. Khi cả hai trứng bắt đầu phân chia thành phôi giai đoạn đầu, các nhà khoa học sẽ lấy nhân ra. Nhân từ trứng của người cho sẽ bị loại bỏ, và nhân từ trứng của người mẹ được thế vào vị trí đó. Đây là kỹ thuật đã được pháp luật công nhận ở Anh vào năm 2015.

Tuy nhiên, cặp vợ chồng đã từ chối kỹ thuật này vì lý do tôn giáo - họ không muốn bỏ đi một phôi thai. Vì thế, một kỹ thuật "ba bố mẹ" khác, được gọi là spindle nuclear transfer, đã được sử dụng: đầu tiên nhân được lấy ra từ trứng của người mẹ và đưa vào trứng của người cho đã loại bỏ nhân. Chỉ sau đó trứng mới được thụ tinh với tinh trùng của người cha.

Mexico được chọn làm điểm đến để thực hiện kỹ thuật này vì quy định ở đây tương đối lỏng lẻo. Kết quả sẽ được trình bày tại Hội nghị Khoa học của Hội Y học Sinh sản Mỹ ở Salt Lake City trong tháng Mười, nhưng nó tiêu biểu cho một bước tiến lớn của một kỹ thuật mà thường thu hút nhiều sự tranh cãi.

Tại sao sự ra đời của Abrahim lại gây tranh cãi?

Ý tưởng về những em bé “ba bố mẹ” đã từng làm dấy lên sự chỉ trích từ một số nhóm cho rằng nó có thể mở đường cho những “đứa trẻ theo đơn đặt hàng”. Tại thời điểm được phê chuẩn tại Anh, Bộ trưởng Y tế Dame Sally Davies đã nhận xét: "Mục đích của việc đưa ra những quy định này là để đảm bảo rằng các bà mẹ mang ti thể bị lỗi có thể sinh con khỏe mạnh, không bị những căn bệnh tàn phá và thường gây tử vong do bệnh nghiêm trọng ở ti thể.

"Điều quan trọng cần nhớ là ADN ti thể đại diện cho chưa đến 0,054% tổng số ADN, và không phải là một phần của ADN nhân, là thứ quyết định các đặc điểm cá nhân như tính cách, màu tóc và màu mắt của chúng ta".

Tuy kĩ thuật chuyển ti thể đã được hợp pháp hóa ở Anh từ năm 2015, song chưa có quốc gia nào khác chính thức hợp pháp hóa điều này. Các bác sĩ đã thực hiện qui trình tại Mexico, cách xa các cơ quan quản lý y tế nghiêm ngặt.

BS John Zhang cho biết họ chọn Mexico vì "không có các quy định" và "cứu sống sinh mạng là việc làm hợp đạo đức", ông nói.

Còn Dusko Ilic, một chuyên gia về tế bào gốc tại trường King’s College London thì cho rằng tuy kĩ thuật đã cho ra đời một em bé khỏe mạnh, ông đặt câu hỏi về lý do tại sao các bác sĩ lại không muốn kỹ thuật này chịu "những quy định nghiêm ngặt giống như một số khác nước sẽ áp dụng".

Các chuyên gia gọi việc chọn địa điểm ở Mexico của các bác sĩ là "rủi ro" và đặt câu hỏi về những gì đã diễn ra trong quá trình cho ra đời một em bé khỏe mạnh từ trường hợp chuyển ti thể này.

“Đây có phải là lần đầu tiên họ thực hiện kỹ thuật này hay đã có những nỗ lực khác, và họ báo cáo trường hợp này bởi vì nó thành công?” Dusko Ilic đặt câu hỏi.

"Câu hỏi này và nhiều câu hỏi quan trọng khác vẫn chưa được trả lời vì công trình chưa được công bố và cộng đồng khoa học chưa thể xem xét chi tiết. Công việc này rất cần được thực hiện sớm".

ADN ti thể là gì?

Ti thể là bào quan chịu trách nhiệm tạo ra năng lượng cần thiết cho tế bào hoạt động. Chúng được tìm thấy trong cơ thể của mọi tế bào sống, riêng biệt với nhân là nơi giữ ADN nhân - những đặc điểm di truyền được thừa hưởng từ cả bố và mẹ.

Nhưng ti thể cũng có một lượng nhỏ ADNA của chính mình. ADN ti thể chứa 37 gen truyền từ mẹ sang con. Đột biến gen ở gen ti thể có thể dẫn đến những căn bệnh chết người ở đứa con. Các đột biến ở một trong số nhiều gen khác nhau của ti thể có thể gây ra hội chứng Leigh, một rối loạn tiến triển của hệ thần kinh thường biểu hiện ngay từ khi còn nhỏ.

Cẩm Tú

(Tổng hợp)