E dè khám sức khoẻ tiền hôn nhân
(Dân trí) - Trước cửa phòng chờ tại Trung tâm chẩn đoán trước sinh (BV Phụ sản TƯ), chị L.N.H (22 tuổi ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) thấp thỏm đứng ngồi không yên. Chị đang đợi đến giờ hội chẩn giữa các bác sĩ, xem chị có nên giữ lại mầm sống đang lớn dần từng ngày.
Sợ mất lòng nhau
Chị H. vừa lấy chồng và mang thai được gần 4 tuần. Trước thời gian cưới, chị có hiện tượng ngây ngấy sốt về chiều và kèm theo hơi đau đầu, khó chịu. Nhưng chủ quan, chị cho rằng do công việc bận rộn chuẩn bị cho ngày cưới nên thể trạng không khoẻ. Khi thai nhi được 3 tuần, chị mới đi kiểm tra sức khoẻ. Kết quả xét nghiệm máu dương tính với lao khiến chị bàng hoàng, lo lắng cho mầm sống đang dần thành hình người trong mình.
Trải qua những giờ phút căng thẳng chờ đợi hội chẩn, chị thở phào nhẹ nhõm khi biết mình có thể giữ lại thai. Nhưng việc điều trị suốt thời kỳ mang thai sau này khiến tâm trạng chị luôn bất ổn. “Nếu trước khi cưới, tôi dành thời gian đi khám, xét nghiệm để chữa trị dứt hẳn trước khi mang thai, hai mẹ con tôi đã không vất vả như thế này. Đến giờ ông xã tôi mới tiết lộ, thời điểm trước cưới thấy tôi mệt mỏi, hay sốt, anh ấy rất muốn đưa tôi đi khám bệnh, nhưng sợ tôi hiểu lầm, cho rằng anh không yêu mình, sợ mình yếu đuối, bệnh tật, đi khám ra bệnh rồi lại không cưới nên không dám đề nghị”, chị nuối tiếc nói.
Dù biết việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân sẽ cho giúp hai người đang có những băn khoăn về sức khoẻ trước khi tiến tới hôn nhân, nhưng không phải ai cũng can đảm làm được việc đó. Một bạn đọc Dân trí dấu tên đã viết thư kể về nỗi băn khoăn của anh với tình yêu đầu rất tuyệt vời mà anh định tiến tới hôn nhân: “Năm nay tôi 27 tuổi, người yêu tôi 25 tuổi. Chúng tôi muốn tiến tới hôn nhân vì đã ổn định công tác. Bố mẹ người yêu tôi đều là những người tốt, sức khỏe bình thường, hình thức ưa nhìn. Anh cả của nàng to cao, đẹp trai, lấy được người vợ xinh đẹp nhưng khi sinh con, con gái anh chị có khuôn mặt ngắn, đầu ngắn, mũi nhỏ, tẹt, mắt bé…giống như những đứa trẻ bị bệnh down thường gặp trên báo chí, tivi. Chị gái nàng cũng có khuôn mặt và ngoại hình không bình thường dù chị ấy vẫn tham gia được các công việc trong gia đình. Tôi và nàng định cưới nhau, nhưng mọi người thân quen đều phản đối, lo lắng không biết nàng có mang gen di truyền căn bệnh quái ác kia không. Sau này nếu sinh con thì con có bị di truyền hay không? Tôi rất yêu cô ấy. Tôi rất sợ sau này khi có con rồi, khi không được chuẩn bị tâm lí hoặc cách phòng tránh... thì cuộc sống gia đình sẽ không được toàn vẹn”…
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, những lời tâm sự này cho thấy chàng trai rất muốn biết tình trạng sức khoẻ của người yêu như thế nào trước khi kết hôn. Nhưng ngay cả trong thư, anh cũng không đặt câu hỏi cho bác sĩ, có nên đi khám sức khoẻ trước khi cưới. Điều này cho thấy chàng trai rất rụt rè không dám đưa ra đề nghị với người yêu. Nhưng trong trường hợp này, đọc thư, qua mô tả của anh, thì cũng không rõ ràng liệu cháu gái, chị gái của nàng bị hội chứng down hay không? Mà hội chứng down thì cũng không mang tính di truyền mà đó chỉ do sự bất thường về nhiễm sắc thể. Vì thế, để trả lời những băn khoăn này, chàng trai nên vượt qua e ngại, cùng nàng đi khám sức khoẻ tiền hôn nhân.
Là cách sống văn minh
Ông bà ta có câu, lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống, điều này cho thấy họ rất có ý thức lựa chọn những người có sức khoẻ, gia giáo làm bạn đời của mình. Nhưng theo các bác sĩ, chỉ nhìn bề ngoài không thể đánh giá được tình trạng sức khoẻ mỗi người. Rất nhiều bệnh như bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh viêm gan B, bệnh ở cơ quan sinh sản... đều không biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài.
Cặp đôi Nguyễn Long - Anh Thư yêu nhau và cùng làm ở một cơ quan đã 3 năm. Chuẩn bị tiến tới hôn nhân, Long rất e dè, thăm dò nàng mãi mới dám mở miệng “rủ” nàng đi khám sức khoẻ tiền hôn nhân. “Mình là con trai, mà lại đề cập vấn đề này trước, chỉ sợ nàng hiểu lầm, cho rằng mình nghĩ nàng có vấn đề gì”, Long phân trần. Còn Thư cũng nhiều lần định đề nghị người yêu nhưng sau cũng không vượt qua được vì sợ người yêu cho rằng mình sợ... bệnh gì đó ở chàng. Khi được lời chàng, nàng như mở tấm lòng, lúc này mới bày tỏ: “Chúng em cũng khám sức khỏe định kỳ ở công ty, nhưng thường khám tổng quát chứ không xét nghiệm gì kỹ. Nên trước khi cưới, cũng muốn đi khám. Đi khám bệnh kể cũng run, ngộ nhỡ có gì thì không biết làm sao. Nhưng chúng em vẫn quyết đi vì lo cho tương lai”, Thư tâm sự.
Nhận kết quả xét nghiệm, đôi bạn mừng rú lên vì sức khoẻ họ hoàn toàn bình thường. Đám cưới diễn ra vui hơn Tết vì mỗi người đều đã hiểu rõ, không còn những băn khoăn, lo lắng về sức khoẻ của nhau.
Về khám sức khoẻ tiền hôn nhân, theo TS. Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TƯ, người Việt Nam vẫn chưa hình thành thói quen này. Những người quan tâm nghiêm túc, muốn cùng người bạn đời tương lai đi khám nhưng lại rất e dè sợ bị hiểu lầm. Ở các nước tiên tiến, khám sức khoẻ là điều bắt buộc trước khi tiến tới hôn nhân. Vì thế, các bạn trẻ nên cởi mở hơn về vấn đề này, coi khám sức khoẻ tiền hôn nhân là điều bình thường, để biết rõ về tình trạng sức khoẻ của nhau trước kết hôn. Tránh tình trạng, nhiều người lấy nhau mà không biết mình bệnh đã vô tình lây bệnh cho nhau hoặc truyền bệnh cho con, cũng như nhiều phiền toái khác trong cuộc sống.
Các chuyên gia tâm lý cũng cho rằng, nên biết rõ về tình trạng sức khoẻ của nhau trước khi kết hôn. Dù sức khoẻ có “vấn đề” nhưng vẫn quyết định đến với nhau thì tâm trạng cũng thoải mái hơn nhiều so với việc sau cưới mới khám phá ra vấn đề đó. Khi đó, người ta sẽ rất dằn vặt, đớn đau vì trót làm khổ nhau, hay lại sinh tâm lý thù hằn vì cho rằng đối phương cố dấu bệnh để tiến tới đám cưới. Việc khám sức khoẻ tiền hôn nhân, được tư vấn cụ thể, biết rõ tình trạng sức khoẻ của mình sẽ giúp bạn có sự thoải mái, sẵn sàng nhất khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Ngọc Linh