1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đường lây, cách điều trị và dự phòng bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV)

(Dân trí) - Bệnh viêm phổi cấp do một chủng virus corona mới, ký hiệu là 2019-nCoV, đã được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) cuối tháng 12.2019 và đang lây lan nhanh sang các nước chung quanh và các châu lục khác.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến nay tổng số trường hợp mắc virus corona mới là: 20.628, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 20.438

- Tổng số trường hợp tử vong: 427, trong đó: Lục địa Trung Quốc: 425; Philippine: 01; Hồng Kông (Trung Quốc): 01

- Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc: 190.

- 26 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc.

Đường lây:

Các Coronavirus lây nhiễm qua các đường sau:

- Lây nhiễm qua đường không khí thông qua việc người mắc bệnh hắt hơi và ho tạo giọt bắn.

- Tiếp xúc với người đang mang bệnh thông qua các cử chỉ thân mật như bắt tay, ôm hôn.

- Vô tình chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt mà không rửa tay sạch sẽ trước đó.

- Lây nhiễm qua đường phân, ô nhiễm phân, con đường này khá hiếm xảy ra.

- Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Đường lây, cách điều trị và dự phòng bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) - 1

Máy đo thân nhiệt du khách tại sân bay quốc tế Phú Bài, Thừa Thiên Huế

Dấu hiệu nhiễm nCoV ở người:

- Thời gian ủ bệnh 2 – 14 ngày, trung bình khoảng 5 ngày.

- Triệu chứng lâm sàng điển hình bao gồm:

- Sốt cao 39, 40 độ kéo dài liên tục 1 - 2 ngày

- Ho liên tục, ho khan

- Khó thở

- Cơ thể ớn lạnh

- Đau nhức toàn thân

- Mệt mỏi

- Suy hô hấp dẫn đến tử vong

Những triệu chứng này phát triển nhanh thành viêm phổi cấp và có khả năng gây tử vong nếu không có can thiệp điều trị kịp thời.

Điều trị:

Hiện nay chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu cho coronavirus. Hầu hết những người mắc bệnh coronavirus thông thường sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, có thể làm một số điều để làm giảm các triệu chứng nếu có:

- Uống thuốc giảm đau và hạ sốt (Chú ý: không cho trẻ em uống Aspirin)

- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong phòng hoặc tắm nước nóng để giúp giảm đau họng và ho

- Nếu bị bệnh nhẹ nên uống nhiều nước, ở nhà và nghỉ ngơi.

- Nếu các triệu chứng không giảm, nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, cách ly kịp thời.

- Những trường hợp nặng cần được chăm sóc đặc biệt tại khu vực cách ly sử dụng thông khí nhân tạo và oxy hóa màng ngoài cơ thể (ECMO).

Đường lây, cách điều trị và dự phòng bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) - 2

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm virus corona tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc ngày 30/1/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Dự phòng:

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa coronavirus. Dưới đây là khuyến cáo chung với người dân, khuyến cáo với những người đến Trung Quốc và khuyến cáo với những người từ Trung Quốc trở về của Bộ Y tế để phòng chống dịch:

Khuyến cáo chung với người dân:

  1. Tránh đi lại, du lịch nếu đang có sốt, ho hoặc khó thở. Đến ngay cơ sở y tế khi có triệu chứng nghi ngờ. Đồng thời, chia sẻ lịch trình di chuyển của bạn với nhân viên y tế.
  2. Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, tránh chạm vào mắt, mũi miệng.
  3. Khi ho, hắt hơi, hãy che kín miệng và mũi bằng khăn giấy hoặc tay áo. Sau sử dụng khăn giấy, hãy bỏ vào thùng rác rồi rửa tay.
  4. Nếu thấy có dấu hiệu ốm khi đi lại, du lịch, thông báo ngay cho nhân viên hàng không, đường sắt, ô tô và tìm đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
  5. Chỉ sử dụng các loại thực phẩm chín.
  6. Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng. Tránh tiếp xúc gần với các loại động vật nuôi hoặc hoang dã.
  7. Đeo khẩu trang khi đi tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh.
Đường lây, cách điều trị và dự phòng bệnh viêm phổi cấp do virus corona mới (nCoV) - 3

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã đến Bệnh viện bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa kiểm tra công tác cách ly, phòng chống virus Corona mới

Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh tại địa phương, tuân theo các khuyến cáo dự phòng bệnh, không đến những nơi đông người nếu không thật sự cần thiết và nhất là không hoang mang lo lắng quá mức cũng như cần cảnh giác trước những thông tin sai sự thật lan truyền trên mạng xã hội nếu có.

PGS.TS. Trần Xuân Chương,

Trường ĐH Y Dược, ĐH Huế