Dược thảo trị táo bón kéo dài

Táo bón là một triệu chứng do nhiều nguyên nhân, có chứng táo bón nhất thời do một số bệnh cấp tính (như các bệnh: nhiễm khuẩn, truyền nhiễm), do thay đổi chế độ sinh hoạt, do ăn uống (như ăn thiếu rau) gây ra.

Táo bón kéo dài thường do cơ địa âm hư, huyết nhiệt, hoặc thiếu máu làm tân dịch giảm, hoặc do ở người cao tuổi và phụ nữ sau khi sinh nhiều lần, trương lực cơ bị giảm, dẫn đến khí trệ làm khó bài tiết phân ra ngoài; Hoặc do người dương hư không vận hành được khí, dẫn đến tân dịch không lưu thông, hoặc do bị bệnh lỵ mạn tính làm tỳ vị kém vận hóa mà gây táo bón.

 

Dược thảo trong thành phần các bài thuốc trị táo bón kéo dài

 

Đại hoàng: Kích thích co bóp ruột, gây ra tác dụng nhuận tràng và tẩy do chứa hoạt chất anthragrinon.

 

Liều vừa phải chữa kém ăn, ăn không tiêu; ngày uống 0,5-1g thuốc bột, thuốc viên hoặc đến 2g thuốc sắc.

 

Liều cao là thuốc tẩy nhẹ dùng cho người đầy bụng, táo bón; ngày dùng 3-10g, sắc uống.

 

Không dùng đại hoàng một cách thường xuyên cho người hay bị táo bón, vì thường sau khi gây tác dụng nhuận tràng, đại tràng hay gây táo bón mạnh hơn trước do trong đại hoàng có chứa tanin gây táo bón.

 

Chỉ thực: Vỏ quả có tác dụng làm tăng độ acid dịch vị. Dùng chữa ăn uống không tiêu, đầy hơi, tích trệ. Ngày dùng 6-12g sắc uống.

 

Chút chít: Có tác dụng làm tăng trương lực và tăng nhu động ruột, được dùng làm thuốc nhuận tràng hoặc thuốc tẩy. Liều dùng để nhuận tràng: 1-3g, để tẩy: 4-6g, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

 

Đương quy: Có tác dụng chống co thắt cơ trơn ruột, giúp điều trị táo bón. Ngày dùng 10-20g, dạng thuốc sắc.

 

Hà thủ ô đỏ: Có tác dụng giúp sinh huyết dịch, cải thiện chuyển hóa chung, kích thích nhu động ruột, kích thích tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng. Dùng chữa táo bón cho phụ nữ sau khi sinh hoặc người cao tuổi. Ngày dùng 10-20g dạng thuốc sắc.

 

Hậu phác: Dùng chữa bụng đau đầy trướng, ăn uống không tiêu, táo bón. Ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc.

 

Cam thảo, sa sâm nam: Cam thảo chích (tẩm mật sao) có tác dụng nhuận tràng nhẹ, ngày dùng 4-10g. Sa sâm nam có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu. Ngày dùng 20-40g rễ tươi, hoặc 15-20g rễ khô sắc uống.

 

Huyền sâm, mạch môn: Là các vị thuốc có tác dụng trị táo bón. Liều dùng mỗi ngày của huyền sâm là 4-12g, của mạch môn là 6-20g, dạng thuốc sắc.

 

Muồng trâu: Chứa các chất anthraquinon có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu. Muồng trâu (lá, cành, rễ) được dùng làm thuốc chữa táo bón. Ngày dùng 4-12g để nhuận tràng, 20-40g để tẩy.

 

Trắc bá (hạt): Có tác dụng nhuận tràng, được dùng trị táo bón, ngày dùng 4-12g hạt trắc bá (bá tử nhân).

 

Vừng: Hạt vừng có tác dụng nhuận tràng, dưỡng huyết, bổ ngũ tạng. Hạt vừng và dầu hạt vừng được dùng chữa táo bón, tăng cường dinh dưỡng. Để nhuận tràng, mỗi sáng uống một thìa cà phê dầu vừng, hoặc ăn một nắm vừng sống, hoặc cháo vừng.

 

Các bài thuốc dân gian

 

Táo bón do cơ địa hoặc sau khi mắc bệnh cấp tính gây giảm tân dịch

 

Triệu chứng: Táo bón lâu ngày, thường xuyên họng khô, miệng khô, thường lở loét miệng, lưỡi đỏ, người háo khát nước.

 

Bài 1: Sa sâm, mạch môn, mỗi vị 200g; lá dâu, vừng đen, mỗi vị 100g, mật ong vừa đủ. Tán bột làm viên, uống mỗi ngày 10-20g.

 

Bài 2: Vừng đen 20g, sinh địa, huyền sâm, mạch môn, sa sâm, mỗi vị 16g, thạch hộc 12g, mật ong vừa đủ. Tán bột làm viên, ngày uống 10-20g. Có thể dùng thuốc sắc liều thích hợp.

 

Bài 3: Ba tử nhân (hạt trắc bá) 100g, bạch thược 50g; đại hoàng, hậu phác, chỉ thực, mỗi vị 40g, tán bột, mỗi ngày uống 10-15g.

 

Bài 4: Sinh địa, sa sâm, mạch môn, ngọc trúc, mỗi vị 12g, đường phèn 20g, sắc uống.

 

Bài 5: Hạt vừng đen, lá cối xay, mỗi vị 300g. Vừng đen rang chín, giã nhỏ rây bột. Lá cối xay nấu nước rồi cô thành cao đặc. Trộn hai thứ làm thành bánh 10g, ngày uống 2 bánh hãm với nước sôi sau mỗi bữa ăn.

 

Táo bón do thiếu máu

 

Gặp ở người thiếu máu, phụ nữ sau khi sinh mất máu.

 

Triệu chứng: Gồm triệu chứng của hội chứng thiếu máu kèm thêm chứng táo bón kéo dài.

 

Bài 1: Vừng đen 200g, hà thủ ô đỏ, kỷ tử, long nhãn, tang thầm (quả dâu), bá tử nhân (hạt trắc bá) mỗi vị 100g, mật ong vừa đủ. Tán bột làm viên. Mỗi ngày uống 10-20g, có thể dùng dạng thuốc sắc liều thích hợp.

 

Bài 2 (tử vật thang gia vị): Thục địa, bạch thược, mỗi vị 12g; xuyên khung, đương quy, bá tử nhân, vừng đen, đại táo, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.

 

Táo bón do khí hư

 

Thường gặp ở người già, phụ nữ sau khi sinh nhiều lần trương lực cơ giảm.

 

Triệu chứng: Cơ nhão, táo bón, hay đầy bụng, chậm tiêu, ăn kém, ợ hơi.

 

Bài 1: Đảng sâm 16g, bạch truật, hoài sơn, sài hồ, kỷ tử, vừng đen lượng vừa đủ. Sắc uống ngày một thang.

 

Bài 2 (bổ trung ích khí thang gia vị): Hoàng kỳ, bạch truật, đảng sâm, sài hồ, thăng ma, mỗi vị 12g; đương quy, nhục thung dung, bá tử nhân, vừng đen, mỗivị 8g; trần bì, cam thảo, mỗi vị 6g. Sắc uống ngày một thang.

 

Bài 3 (dùng cho người cao tuổi, dương khí kém, có các triệu chứng táo bón, sợ lạnh, tay chân lạnh, ăn kém, lưng gối mỏi đau): Chút chít, ý dĩ, mỗi vị 12g; bố chính sâm, kỷ tử, hoài sơn, hoàng tinh, mỗi vị 10g, nhục quế 2g. Sắc uống ngày một thang hoặc tán bột làm viên, mỗi ngày uống 10g

 

Táo bón do bệnh nghề nghiệp (khí trệ)

 

Đối với những người bị táo bón do làm các công việc mà phần lớn thời gian ngồi lâu không thay đổi tư thế, hoặc do viêm đại tràng mạn tính thì thường dùng các thuốc kiện tỳ (đảng sâm, bạch truật, ý dĩ) các thuốc hành khí (chỉ xác, chỉ thực, hậu phác), phối hợp với các thuốc nhuận tràng (vừng đen, chút chít, lá muồng trâu).

 

Bài 1: Muồng trâu, chút chít, mỗi vị 20g; đại hoàng 4-6g. Sắc uống trong ngày.

 

Bài 2: Rễ tươi chút chít 8-12g, nhai sống, hay sắc nước uống.

 

Bài 3: Chút chít 10g; chỉ xác, mộc thông, mỗi vị 8g. Sắc nước uống, nếu sau một giờ chưa đi tiêu được thì sắc nước thứ hai uống tiếp.  

Theo Sức khỏe & Đời sống