Đừng tự làm thầy thuốc cho con

Tự ý dùng thuốc chữa bệnh cho trẻ em là việc làm nhiều rủi ro và trong thực tế đã gây ra những tác hại khó lường

Khi cho con dùng thuốc, các bậc cha mẹ thường có tâm lý làm mọi cách để trẻ mau khỏi bệnh. Thế nhưng, đôi lúc cha mẹ vẫn mắc phải một số sai lầm khiến trẻ chẳng những không khỏi bệnh mà thậm chí còn nặng hơn, có khi gây nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt, nhiều sai lầm là do các bậc cha mẹ tự ý làm “thầy thuốc” chữa bệnh cho con. Dưới đây là những sai lầm phổ biến:

Tự chẩn đoán bệnh

Khi con bị bệnh, thay vì đưa đến bác sĩ để được chẩn đoán và chỉ định thuốc, một số người đã tự ý chẩn đoán bệnh và mua thuốc cho trẻ dùng. Trong vài trường hợp, việc tự ý dùng thuốc cho trẻ không dẫn đến sự nguy hại nào hoặc có khi trẻ chỉ bị rối loạn nhẹ, không có những tổn thương thực thể đáng kể.

Tuy nhiên, việc tự ý dùng thuốc cho trẻ có thể dẫn đến tác hại không thể lường hết. Đã có trường hợp trẻ bị cảm sốt nhẹ nhưng cha mẹ lại cho dùng kháng sinh chloramphenicol (biệt dược nổi tiếng trước đây là Tifomycine) thường xuyên. Sau một thời gian, trẻ bị “thiếu máu bất sản” dẫn đến tử vong.

Sử dụng toa thuốc cũ

Một số bà mẹ đã tự ý sử dụng đơn của bác sĩ đã kê cho con trong lần khám bệnh trước để mua thuốc dùng cho trẻ trong lần bệnh sau (khi trẻ có những triệu chứng giống hoặc na ná).

Cần lưu ý, một đơn thuốc bác sĩ kê sau khi khám chẩn đoán bệnh chỉ dành riêng cho một cá nhân vào một thời điểm và trong điều kiện nhất định nào đó. Bệnh cũ có thể tái phát nhưng lần này tiến triển ở mức nặng hơn hoặc triệu chứng có vẻ giống bệnh cũ nhưng lần này lại là bệnh khác. Vì vậy, dùng toa thuốc cũ là không đúng, thậm chí còn nguy hiểm...


Thuốc cần được cất giữ cẩn thận ở những nơi trẻ không thể với tới (Ảnh: Hoàng Triều)

Thuốc cần được cất giữ cẩn thận ở những nơi trẻ không thể với tới (Ảnh: Hoàng Triều)

Dùng không đúng cách, không đủ liều

Nhiều bậc cha mẹ có tâm lý sợ thuốc gây hại cho con nên đã tự ý điều chỉnh liều của bác sĩ (chỉ cho trẻ dùng 1-2 lần/ngày thay vì 3-4 lần); cho uống thuốc không đúng cách (như pha thuốc vào bình sữa cho trẻ bú và trẻ không bú hết); cho trẻ dùng thuốc quá liều do tâm lý nôn nóng, muốn mau hết bệnh bằng cách dồn liều thuốc uống trong ngày để uống một lần mà không biết cách làm này sẽ gây hại; dùng dụng cụ đo lường thuốc không chính xác (như dùng muỗng ăn ở nhà đong đo thể tích thuốc xirô cho trẻ thay vì dùng dụng cụ được cung cấp).

Dùng dạng thuốc không thích hợp

Dạng thuốc thích hợp cho trẻ là dạng thuốc lỏng (xirô, thuốc uống giọt, hỗn dịch, nhũ dịch). Tuy nhiên, có trường hợp cha mẹ dùng thuốc dành cho người lớn là thuốc viên nén, nghiền viên thuốc ra thành bột mịn và phân liều cho trẻ uống (như nghiền viên paracetamol 500 mg và lấy 1/4 hay 1/5 lượng viên này hòa với nước cho trẻ uống). Làm như thế có thể lấy liều không đúng hoặc phá hỏng dạng thuốc gây hại cho trẻ (như phá hỏng dạng thuốc bao tan ở ruột gây hại dạ dày của trẻ).

Một số thuốc viên được thông báo “chống chỉ định đối với trẻ dưới 12 tuổi” (tức không được dùng cho trẻ dưới 12 tuổi). Thế nhưng, cha mẹ thấy con mình phát triển tốt, hình thể cao to như người lớn bèn cho trẻ dùng thuốc đó mà không nghĩ đã có lý do xác đáng nên nhà sản xuất phải hạn chế đối tượng sử dụng như thế.

Để thuốc trong tầm với của trẻ

Cha mẹ cất giữ thuốc không tốt, để trẻ có thể tự tiện dùng. Trong thực tế, nhiều trẻ phải đi cấp cứu do ngộ độc thuốc vì sự bất cẩn này.

Ngoài các sai lầm kể trên, các bậc cha mẹ còn mắc phải một số sai lầm với mức độ không nghiêm trọng lắm, như: hù dọa, tạo không khí căng thẳng thay vì mềm mỏng, kiên trì thuyết phục trẻ uống thuốc. Có khi bố mẹ trộn thuốc vào bột, sữa hay thức ăn, thức uống. Trẻ kén ăn hay nhạy cảm mùi vị sẽ phản ứng, từ chối thức ăn mà trước đây chúng ưa thích. Đối với trẻ lớn hơn, trộn thức ăn như thế sẽ cho là mình bị đánh lừa và mất lòng tin ở cha mẹ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức

Người lao động