“Đừng mắng con hư, oan con lắm mẹ ơi!”

(Dân trí) - Khi thấy con trẻ quậy phá, nghịch ngợm, không chịu nghe lời, không ít phụ huynh vội dùng biện pháp răn đe, hù dọa hoặc la mắng, đòn roi... mà bỏ qua nguyên nhân thật sự gây nên những hành vi cư xử không đúng mực ở trẻ - chứng tăng động giảm chú ý (ADHD).

Khi những “thiên thần nhỏ” nổi loạn

Chị Lan (Q.5, TP.HCM) không ít lần buồn lòng khi bị hàng xóm và thầy cô than phiền về những trò nghịch ngợm, ương bướng của bé Ben. Bất chấp những lời la mắng của ba mẹ, cậu bé thường xuyên tỏ ra không vâng lời. Hiếm khi nào Ben chịu ngồi yên một chỗ, lúc nào cũng nghịch phá, thậm chí còn leo trèo khắp nơi và kéo đổ những đồ vật trong phòng. Những lúc người lớn nói chuyện, Ben thường nói leo vào. Ở trường học, bạn bè xem Ben là học sinh cá biệt trong lớp, vì cậu bé thường xuyên không hoàn thành bài tập được giao và còn có biểu hiện chống đối cả cô giáo khi bị nhắc nhở.

Điều bất ngờ là sự ngỗ nghịch của Ben không đơn giản chỉ xuất phát sự bảo bọc và giáo dục của gia đình mà còn có nguyên nhân sâu xa hơn. Giống như hàng ngàn đứa trẻ bị đánh giá là “hư hỏng” khác, bé Ben mắc phải Chứng Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD - Attention Deficit Hyperactivity Disorder).

“Đừng mắng con hư, oan con lắm mẹ ơi!”
Trẻ mắc ADHD không phải là những đứa trẻ hư, các em đã cố gắng “ngoan” nhất trong khả năng của mình

Đây là chứng rối loạn tâm lý cướp đi sự tập trung chú ý khiến trẻ gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi. Những luồng suy nghĩ xung động trong não do trẻ không thể tập trung chú ý vào các sự việc cần thiết khiến trẻ hấp tấp bốc đồng, cảm thấy khó chịu khi phải chờ đợi một việc gì đó. Ngoài ra, trẻ mắc ADHD còn có tính khí thay đổi thất thường, dễ cáu gắt, bực tức, khóc lóc vô lối. Chính điều này khiến các em gặp nhiều cản trở trong các mối quan hệ thường ngày.

Hãy hành động vì những “thiên thần nhỏ”

Thực tế, các em nhỏ mắc ADHD không phải là những đứa trẻ hư hỏng, các em đã cố gắng “ngoan nhất” trong khả năng của mình. Các em cũng không phải là những đứa trẻ thiểu năng, chỉ số IQ và chứng rối loạn ADHD không có sự liên quan. Có rất nhiều trường hợp trẻ mắc ADHD khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời đã có thể phát huy khả năng của mình, giành kết quả cao trong học tập và đạt được những thành tựu trong cuộc sống.

Các em cần nhất sự cảm thông và hỗ trợ từ gia đình và thầy cô để có thể đối mặt và vượt qua chứng ADHD. Vì thế, nếu có bất kỳ nghi vấn nào về việc con mình có mắc ADHD hay không, phụ huynh cần đưa các em đi khám sớm để xác định và có phương pháp điều trị phù hợp, tránh để lại những hệ lụy đáng tiếc cho tương lai sau này. Một số biểu hiện điển hình của trẻ mắc ADHD có thể quan sát được chia làm 2 nhóm Giảm chú ý và Tăng Động như sau:

Giảm chú ý

- Thường không chú ý đên những chi tiết nhỏ hoặc mắc lỗi, lơ đễnh trong học tập, công việc hoặc hoạt động khác

- Thường khó duy trì tự chú ý trong công việc hoặc vui chơi

- Thường không thật sự chú ý lắng nghe người khác nói chuyện trực tiếp

- Thường không làm theo lời chỉ dẫn và không hoàn thành được bài tập của lớp, công việc hoặc nhiệm vụ được giao

- Thường né tránh, không thích hoặc do dự khi tham gia những công việc đòi hỏi phải duy trì những nỗi lực về mặt trí tuệ

- Thường đánh mất dụng cụ học tâp hoặc đồ đạc cá nhân

- Thường dễ bị phân tán bởi các kích thích bên ngoài

- Thường hay quên trong sinh hoạt hằng ngày

Tăng động, bốc đồng

- Thường hay cựa quậy bàn tay, bàn chân hoặc xoay qua xoay lại trên chỗ ngồi

- Thường rời khỏi chỗ ngồi trong lớp hoặc trong những tình huống phải ngồi

- Thường gặp khó khăn khi chơi hoặc tham gia các hoạt động giải trí một cách yên tĩnh

- Thường trong tình trạng chạy loanh quanh hoặc leo trèo quá mức, luôn di chuyển hoặc hoạt động như đang bị máy móc điều khiển

- Thường nói quá nhiều

- Thường trả lời vội vã trước khi người khác đưa câu trả lời hoàn chỉnh, khó chờ đợi đến phiên mình.

- Thường cắt ngang lời nói hoặc xen vào trò chơi và công việc của người khác.

Các em rất cần sự
giúp đỡ từ gia đình và thầy cô để có thể đối mặt và vượt qua chứng ADHD.
Các em rất cần sự giúp đỡ từ gia đình và thầy cô để có thể đối mặt và vượt qua chứng ADHD.

Nếu các biểu hiện kéo dài trên 6 tháng, rất có thể trẻ đã mắc ADHD và cần được can thiệp thăm khám sớm. Hiện tại, chưa có xét nghiệm nào chẩn đoán chính xác chứng ADHD. Việc thăm khám thường cần được kết hợp đánh giá biểu hiện của trẻ tại các môi trường khác nhau như tại nhà, trường học, khu vui chơi… Quy trình thăm khám có thể tóm tắt sơ lược như sau:

- Lần 1: Khám thực thể, đánh giá thị lực, thính lực, khai thác bệnh sử và phỏng vấn trẻ.

- Lần 2: Bác sĩ tổng hợp kết quả các phiếu đánh giá, có thể đề nghị thêm một số xét nghiệm hoặc đánh giá khác để xác định chẩn đoán.

- Đưa ra chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị. Việc điều trị cần kết hợp giữa thuốc và tâm lý trị liệu. Một số loại thuốc đã được chứng minh có hiệu quả tốt trong việc điều trị cho trẻ rối loạn tăng động giảm chú ý là methylphenidate, atomoxetine, dexamphetamine.

- Tái khám định kỳ và thường xuyên để đánh giá mức độ tiến bộ.

Việc điều trị cho trẻ mắc ADHD không đơn giản, phụ huynh và thầy cô cần kiên trì, nhẫn nại để quan sát, phối hợp với con trẻ và ghi nhận những cải thiện dù nhỏ nhất của trẻ. Đồng thời, cha mẹ cần hợp tác chặt chẽ và tin tưởng bác sĩ điều trị, không nên tự ý dừng trị liệu hay thay đổi quá trình điều trị cho dù cảm thấy tình trạng bệnh của trẻ có dấu hiệu khả quan để tránh làm gián đoạn quá trình điều trị của trẻ.

Một số địa chỉ thăm khám cho trẻ:

Hà Nội:

1 - Viện nhi trung ương

2 - Viện sức khỏe tâm thần quốc gia

3 - Bệnh viện tâm thần Hà Nội

TP HCM:

1 - Bệnh viện Tâm thần Tp. HCM ( 766 Võ Văn Kiệt Q.5)

2 - Khoa Khám Tâm lý – Tâm thần trẻ em (165B Phan Đăng Lưu – Quận Phú Nhuận)

3 - Bệnh viện Nhi Đồng 1

4 - Bệnh viện Nhi Đồng 2

Miền Trung:

1. - Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng

2. - Bệnh viện tâm thần Khánh Hòa


Minh Anh