Đừng để tập thể thao thành... hủy hoại nhan sắc!

Nhiều bạn thắc mắc tại sao tuy vẫn thường xuyên tập thể dục và chăm sóc da mà nhan sắc lại vẫn cứ bị “xuống cấp” trầm trọng? Thể thao và dưỡng da rất có lợi cho sức khỏe và sắc đẹp, điều này chẳng có gì phải bàn cãi.

Nhiều bạn thắc mắc tại sao tuy vẫn thường xuyên tập thể dục và chăm sóc da mà nhan sắc lại vẫn cứ bị “xuống cấp” trầm trọng? Thể thao và dưỡng da rất có lợi cho sức khỏe và sắc đẹp, điều này chẳng có gì phải bàn cãi. Thế nhưng, đôi khi chính việc luyện tập thể thao và dưỡng da lại là nguyên nhân… hủy hoại nhan sắc! Đơn giản chỉ do bạn đã không biết thực hiện đúng cách!

Trước khi tập

Tẩy trang: Là điều vô cùng quan trọng trước khi tập vì mồ hôi sẽ làm cho mỹ phẩm tan chảy và thẩm thấu vào sâu trong da, kết quả là da bị mẩn ngứa, sinh mụn nhọt. Để tránh bị mụn và các bệnh khác liên quan đến da, cần tẩy trang cẩn thận và rửa mặt bằng sữa rửa mặt trước khi tập thể thao.

Không thoa kem dưỡng ẩm: Sau khi tẩy trang, không nên thoa kem dưỡng ẩm lên mặt bởi kem dưỡng ẩm thường chứa thành phần dầu, sẽ bịt kín lỗ chân lông. Đừng sợ da bị khô bởi khi bạn tập thể thao, nhịp tim tăng nhanh sẽ làm cho tuyến thượng thận tiết ra hormon cortisol kích thích tiết dầu, nhờ vậy bạn không cần dưỡng ẩm thêm cho da.

Đừng để tập thể thao thành... hủy hoại nhan sắc! - 1

Buộc tóc đúng cách: Những bờm tóc hay băng đô to tạo dáng cũng có thể gây mụn ở trán và thái dương khi hơi nóng và mồ hôi chảy ra. Bạn nên buộc tóc cao và dùng băng đô cotton để giữ cho tóc không xõa xuống mặt. Đừng buộc tóc quá chặt kẻo hại da đầu và gãy tóc trong khi tập những môn thể thao đòi hỏi nhiều vận động như aerobic hay chạy. Thoa một chút dưỡng tóc vào dây buộc để tránh kéo căng chân tóc.

Tránh trầy xước cho da: Quần áo chật bó hay một số chất liệu quần áo thể thao có thể gây ngứa ngáy hoặc trầy xước cho da, đặc biệt là vùng da ở nách, hông, ngực... Nên mặc quần áo bằng chất liệu vải nhẹ, thoáng mát, thấm mồ hôi và không quá bó. Lưu ý không sử dụng phấn rôm bởi mồ hôi sẽ quện với phấn và càng bịt kín lỗ chân lông.

Trong khi tập

Đừng lo lắng về mồ hôi: Thực chất mồ hôi không gây mụn vì nó không chứa dầu hay vi khuẩn. Mỹ phẩm trên mặt hay các sản phẩm tạo dáng cho tóc khi hòa vào cùng mồ hôi mới thực sự gây hại cho da. Tập thể thao cũng là một cách để sở hữu một làn da đẹp bởi lượng tuần hoàn máu tăng cao sẽ cung cấp ôxy cho làn da nhiều hơn.

Không sờ tay lên mặt: Tay bẩn mà chạm vào mặt sẽ gây mụn và dị ứng cho da. Bạn nên mang một chiếc khăn bông đến phòng tập để có thể thấm khô mồ hôi. Sử dụng giấy lụa hoặc giấy ướt cũng tốt. Tránh dùng khăn bông cứng hoặc khăn chất liệu nilon.

Sau khi tập

Đây là thời điểm tốt nhất để thanh tẩy tế bào da chết, đắp mặt nạ. Lúc này, luợng tuần hoàn máu tăng, kích thích tuyến dầu hoạt động mạnh. Nhờ đó mà làn da của bạn trở nên mềm mại hơn và dễ dàng thẩm thấu hơn, các sản phẩm dưỡng da sẽ được hấp thu tốt hơn lúc bình thường. Nếu bạn bị mụn, hãy lau vùng da đó bằng sản phẩm trị mụn chứa salicylic acid, thanh tẩy da nhẹ nhàng rồi thoa kem dưỡng ẩm. Đặc biệt lưu ý là một số mỹ phẩm có thể gây kích ứng cho da bởi làn da lúc này nhạy cảm hơn. Do vậy, bạn đừng bỏ qua công đoạn thử trước khi sử dụng một loại mỹ phẩm mới.

 

Đừng để tập thể thao thành... hủy hoại nhan sắc! - 2

Và những điều cần hạn chế

Lướt web: Thường xuyên ngồi nhiều giờ trước máy vi tính để làm việc, đọc báo, vào facebook hay nghe nhạc… và kết quả là bạn sẽ sở hữu một hệ xương, cơ bắp và nhịp tim không khác gì các cụ già!

Thức ăn nhanh: Sandwich, khoai tây chiên, pasta, pizza… là lựa chọn của bạn cho bữa trưa vì nó giúp bạn tiết kiệm thời gian và bạn nghĩ rằng một bữa thôi thì “chẳng chết ai” nhưng thực tế là các chất béo có trong fast-food có ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sắc đẹp của bạn. Tóc nhờn và da nhờn thường bắt nguồn từ một chế độ ăn nhiều chất béo.

Quên tẩy trang: Không làm sạch da trước khi ngủ cũng giống như việc bạn bọc một lớp màng nhựa trước mũi và miệng, da mặt bạn sẽ không thể “hít thở” được. Ngoài ra, không khí ô nhiễm (khói xe, hóa chất, bụi bẩn, khí thải…) cũng khiến cho lớp biểu bì bị “tấn công” suốt cả ngày. Vì vậy, ngay cả khi không trang điểm, bạn cũng nhớ phải làm sạch da mỗi tối.

Bỏ qua việc “bảo trì” mái tóc: Stress, môi trường ô nhiễm, các hóa chất làm tóc (nhuộm, duỗi tóc, uốn, sấy…) đều tác động lên tóc và làm cho tóc yếu dần đi, xơ và dễ rụng. Cũng giống như làn da, mái tóc cần phải được chăm sóc thường xuyên thì mới khỏe và bóng mượt. Cần lựa chọn dầu gội đầu phù hợp với từng loại tóc và hằng tháng nên dưỡng tóc bằng dầu hấp tóc.

Dùng tay nặn mụn: Dùng tay để nặn mụn là hoàn toàn không nên vì vi trùng ở tay sẽ làm cho tình trạng mụn thêm tồi tệ và khó chữa hơn, thậm chí nhiễm trùng. Cách tốt nhất là sử dụng những sản phẩm làm se lỗ chân lông, khô đầu mụn và… chờ đợi.

Thường xuyên thiếu ngủ: Ban đầu có thể bạn vẫn cảm giác là mình khỏe mạnh nhưng việc thiếu ngủ tích lũy dần dần sẽ “tàn phá” làn da và sức khoẻ tổng thể của bạn. Thiếu ngủ sẽ làm cho da bạn nhợt nhạt, lão hoá nhanh hơn vì quá trình tái tạo tế bào bị xáo trộn. Vì vậy, bạn hãy ngủ đủ giấc để làm chậm quá trình lão hoá da.

Theo An Ngọc Hoa

Sức khoẻ & Đời sống