Đừng để chạm mặt tử thần mới yêu bản thân

Đó là lời cảnh báo thấm thía của PGS.TS Nguyễn Hoài Nam và đạo diễn Việt Linh trong buổi tư vấn các bệnh tim mạch.

Đừng để chạm mặt tử thần mới yêu bản thân - 1

Luôn quan tâm tới sức khỏe sẽ giúp tránh được những biến chứng không đáng có
Cần thay đổi thói quen phản khoa học

 

Trả lời về những triệu chứng bất thường của nhịp tim, bác sĩ Hoài Nam cho rằng để phân biệt nhịp tim chậm hay nhanh phải tuỳ từng trường hợp. Khi chẩn đoán cũng cần loại trừ những người nhịp tim chậm bẩm sinh, hay những người tập thiền, yoga vì những người này thường có nhịp tim rất chậm.

 

“Rối loạn tiền đình cũng là một triệu chứng thường gặp của bệnh tim mạch nhưng là hội chứng do nhiều nguyên nhân nên phải khảo sát rất kỹ, nhất là siêu âm động mạch cảnh. Hiện y học có nhiều phương pháp chẩn đoán bệnh tim. Những cảm giác lạ về tim như hồi hộp, đau, sôi sôi thì nên đi kiểm tra ngay. Đừng để bệnh diễn tiến xấu hơn mới đi vì có nhiều yếu tố gây bệnh là những tên sát nhân đáng sợ của tim mạch”, bác sĩ Nam cảnh báo.

 

Việc chẩn đoán bệnh tim cũng phải phân biệt thế nào là quá trình sinh lý, quá trình tích tuổi. Đái tháo đường, cao huyết áp… là “bạn đồng hành” với nhau để đi “gặp” nhồi máu cơ tim. Ngoài ra còn có yếu tố di truyền, gen, chế độ ăn uống của gia đình. Cha hút thuốc, uống rượu thì con cũng dễ uống rượu, hút thuốc…

 

“Có một thói quen không tốt mà lâu nay phần nhiều bệnh nhân Việt Nam mắc phải, là hay đi xét nghiệm trước, sau đó mới mang kết quả đến cho bác sĩ để khám bệnh. Cách làm này vừa lãng phí, vừa không khoa học. Đúng ra bệnh nhân phải đi khám trước ở một thầy thuốc gia đình. Trên cơ sở những yếu tố thu thập được, thầy thuốc gia đình sẽ hướng dẫn bệnh nhân đi khám ở thầy thuốc chuyên khoa nào. Khi đó thầy thuốc mới cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cần thiết để xác định và đánh giá mức độ của bệnh. Từ đó mới có chỉ định điều trị đúng đắn”, bác sĩ Hoài Nam lưu ý.

 

Chế độ ăn hợp lý là “thần dược”

 

Theo bác sĩ Hoài Nam, bệnh tim mạch và các hội chứng kèm theo như huyết áp cao, tiểu đường… là những bệnh gần như suốt đời, nên việc chữa trị đòi hỏi phải rất kiên trì, đều đặn.

 

Ông Tôn Đình Thu, một nhà giáo, bị bệnh tim mạch thổ lộ: “Tôi sống rất lành mạnh, ăn chay, uống thuốc bổ thực vật, không ăn thịt, mỡ, chỉ ăn cá và tập thái cực quyền ba mươi năm nay. Mỗi ngày hút có… năm điếu thuốc lá và uống một ly cà phê, liệu có ảnh hưởng gì không?” Bác sĩ Hoài Nam cười: “Mặc dù bác luyện tập rất tốt nhưng thuốc lá là kẻ thù của tim mạch. Với rượu bia có thể dùng chút ít, nhất là rượu vang vì rất tốt cho tim mạch và tình yêu, còn thuốc lá thì có lời khuyên bác nên bỏ hẳn. Nếu bỏ được sức khoẻ bác sẽ tốt hơn. Chế độ ăn cũng không nên kiêng quá. Lâu lâu cũng nên ăn thịt, ăn mỡ, vì thịt và mỡ cũng rất tốt cho sức khoẻ. Chế độ ăn hợp lý cho mỗi dân tộc là cách tốt nhất để tránh tiểu đường, cao huyết áp, động mạch vành”.

 

Về các loại thuốc bổ nên dùng cho bệnh tim và sâm Hàn Quốc, bác sĩ Hoài Nam khuyên: “Chuyện sâm Hàn Quốc, theo quan điểm của tôi, yếu tố vi lượng quyết định tính chất của sâm hơn là thành phần gì trong đó. Theo công nghệ mới ngày nay, củ sâm được trồng đại trà, nên chất lượng không cao, nên gọi là… cải sâm thì đúng hơn. Sâm tốt cho toàn cơ thể, chứ không riêng bộ phận nào nhưng nên chọn lựa kỹ. Nên nhớ đã mắc bệnh tim mạch hay cao huyết áp phải uống thuốc liên tục. Uống nước mắm, huyết áp không tăng lên ngay được...”, bác sĩ Hoài Nam nói.

 

Hãy yêu bản thân mình hơn nữa

 

Đạo diễn Việt Linh, tác giả của nhiều bộ phim nổi tiếng như Dấu ấn của quỷ, Mê Thảo, Thời vang bóng…đã rất hào hứng khi chia sẻ những “kinh nghiệm đau thương” của mình: “Khi được bác sĩ bên Pháp khuyến cáo tôi bị cao huyết áp tôi đã ỷ y mình rất mạnh mẽ nên không điều trị sớm. Tối 27 tết năm 2005, tôi về Việt Nam, mê mẩn coi báo xuân nên thức suốt đêm. Đến khi đưa tay trái cầm ly, chợt thấy tay mình không điều khiển được, rồi bị tê tê trên má, hơi chao đảo. Nằm lơ mơ một lúc, tôi biết mình đã bị đột quỵ. Sáng 28 tết, tôi được đưa vào bệnh viện 115 và may mắn đã được cứu chữa kịp thời. Ngoài yếu tố sinh hoạt vô độ, vô ý thức về tim mạch, không chịu đọc thông tin sức khoẻ, tôi còn rất tệ hại với bản thân mình nên phải chịu nhiều di chứng đến ngày hôm nay. Với kinh nghiệm của một người trong cuộc, tôi chân thành khuyên mọi người đừng để chạm mặt tử thần rồi mới biết yêu bản thân”.

 

Để vượt qua những di chứng do đột quỵ, theo Việt Linh, thuốc men chỉ chiếm 40%, còn 60% là sự giúp đỡ của gia đình, bè bạn. Có vui sống, mới có thể nâng ý chí lên, còn chán đời thì đâu còn thiết sống nữa: “Lúc mới tỉnh lại tôi đã nghĩ nếu mình nằm liệt thế này thì chết cho rồi. Vì còn “mê” sống nên tôi quyết tâm tập đi trở lại. Rất may có bè bạn, gia đình quây quần, chính họ đã kéo tôi ra khỏi sự bi quan. Bây giờ thì tôi yêu bác sĩ lắm, bác sĩ dặn gì là nghe đó, và giữ liên lạc thường xuyên với bác sĩ. Tôi rất ghiền thuốc lá, nhưng khi “thấy” quan tài rồi thì bỏ liền. Đến giờ tôi vẫn giữ bức ảnh chụp máu loang ra trong não, để nhớ mình đã có tội như thế nào đối với bản thân, cũng là để răn mình sống điều độ, lành mạnh hơn. Sau buổi tư vấn này, tôi mong mọi người biết yêu bản thân, yêu cuộc sống nhiều hơn nữa”, đạo diễn Việt Linh nhắn nhủ.

 

Theo Kim Yến

SGTT