1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dùng bột nêm thay muối có thể gây thiếu iốt

Thói quen dùng bột nêm thay muối để nấu ăn có thể gây thiếu iốt. Đó là vì khi sản xuất hạt nêm, công đoạn sấy khô ở nhiệt độ cao đã làm iốt bốc hơi hết.

Bà Hồng Mai, 54 tuổi, quận 3, TPHCM cho biết, gia đình bà dùng bột nêm từ mấy năm nay. Bà thường mua 2-3 kg một lúc vì như vậy sẽ được khuyến mãi nhiều. Chị Lê Thị Ngọc Hiền, 27 tuổi, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, mỗi lần đến TP HCM đều ghé siêu thị mua khoảng 6-7 kg bột nêm dùng trong 2-3 tháng. Cũng như bà Mai, gia đình chị Hiền chủ yếu dùng bột nêm trong nấu nướng, rất ít khi dùng muối, nhất là với món xào và canh. Khi chế biến đồ ăn cho em bé 15 tháng tuổi, chị Hiền cũng chỉ dùng duy nhất hạt nêm.

 

Khảo sát của Trung tâm dinh dưỡng TPHCM tại 96 phường, xã của 24 quận huyện của thành phố năm 2006 cho thấy, tỷ lệ dân dùng bột nêm nấu ăn chiếm gần 60%.

 

Chỉ dùng hạt nêm sẽ thiếu iốt

 

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Oanh, Trung tâm dinh dưỡng TPHCM, thói quen dùng bột nêm thay thế muối ăn hằng ngày có thể gây thiếu iốt.

 

Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ người bị thiếu iốt ở nước ta rất cao, năm 1994 lên tới 94%. Thiếu iốt sẽ gây những tác động khác nhau đối với mỗi độ tuổi. Theo tổ chức Y tế Thế giới, thiếu iốt cho dù là thể nhẹ cũng lấy mất của mỗi trẻ 13,5 điểm IQ, làm giảm năng lực học tập và trí tuệ của các em. Tình trạng thiểu năng tuyến giáp với các triệu chứng: phù niêm, giọng khàn, kém hoạt động, ngủ nhiều, da tóc khô, lưỡi dày, táo bón, lùn... nếu không được phát hiện sớm sẽ dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn.

 

Thai phụ thiếu iốt dễ bị sảy thai, thai lưu, trẻ sinh ra đần độn, câm điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Người lớn thiếu iốt thì bị bướu cổ, tinh thần giảm sút, kém hoạt động làm giảm tư duy sáng tạo và năng suất lao động thấp.

 

Bác sĩ Ngọc Oanh cho biết, nước ta chưa có chế tài với các đơn vị, cơ sở kinh doanh thực phẩm về việc sử dụng muối iốt. Vì vậy đoàn kiểm tra chỉ biết nhắc nhở, còn các cơ sở có tiếp thu hay không cũng chịu. Trong khi đó, từ năm 1995, Trung Quốc đã có luật bắt buộc dùng muối iốt và sản xuất muối iốt trên toàn quốc.

 

Bên cạnh đó, hiện nay, hiếm có bệnh viện nào thực hiện xét nghiệm xem người dân có thiếu iốt hay không. Ở phía Nam chỉ có Trung tâm Dinh Dưỡng TPHCM nhưng lại không xét nghiệm cho cá nhân mà chỉ dùng để phục vụ công tác quản lý, thống kê.

 

Bác sĩ Ngọc Oanh khuyên các gia đình có thói quen sử dụng bột nêm nên dùng thêm muối iốt. Riêng với trẻ em, nhất là lứa tuổi ăn dặm, khi chế biến thức ăn, các bậc phụ huynh không nên dùng bột ngọt, bột nêm mà chỉ cần thêm chút muối iốt. Việc sử dụng thức ăn có nguồn gốc từ biển cũng giúp bổ sung iốt nhưng chỉ được một lượng nhỏ.

 

Theo Khoa học & Đời sống