Đưa chất độc vào thực phẩm, cần xử lý hình sự
(Dân trí) - Sáng 8/4, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Tiên Hồng, phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng, Đà Nẵng với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại du lịch và dịch vụ. Vì vậy, hàng hóa nói chung, sản phẩm thực phẩm nói riêng được nhập khẩu trực tiếp bằng đường biển và lưu thông hàng hóa thông qua thành phố ngày càng tăng. Dẫn đến tình trạng mua bán, sử dụng các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Hằng năm, thành phố tiêu thụ khoảng 60.000 tấn thịt, sản phẩm chăn nuôi tại chỗ chỉ chiếm 10 - 15%; tiêu thụ khoảng 70.000 - 80.000 tấn rau quả, trong đó sản xuất khoảng 16.000 tấn.
Theo số liệu thống kê từ năm 2011 - 2015, đã có 13 vụ ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ được ghi nhận với 163 người mắc, không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm. Các năm qua, không có các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trên 30 người mắc xảy ra trên địa bàn.
Trong 5 năm, đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 36.304 lượt các cơ sở, có 2.038 cơ sở vi phạm. Tổng phạt tiền là hơn 4,4 tỷ động.
Cũng theo ông Hồng, vấn đề tồn tại hiện nay đó là việc kiểm soát hàng hóa thực phẩm nhập khẩu rất khó khăn, đặc biệt là kiểm soát thực phẩm nhập khẩu qua đường tiểu ngạch trên đất liền. Việc quy hoạch vùng rau sản xuất thực phẩm an toàn chưa gắn với tiêu thụ, xây dựng thương hiệu. Thương mại hàng hóa, việc buôn bán hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại và ngày càng tinh vi.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, đầu tháng 3, đã lấy mẫu măng tươi và dưa cải muối thì phát hiện có chứa chất cấm vàng ô. Tuy nhiên, chưa đủ cơ sở để xử phạt những trường hợp này.
Đại diện phòng Cảnh sát môi trường (Công an Đà Nẵng) cho biết, chất vàng ô là loại chất độc hại, nghiêm cấm trong chăn nuôi. Đưa vào chăn nuôi đã nghiêm chấm mà bây giờ họ đưa để nhuộm vàng măng tươi, dưa muối thì rất nguy hiểm.
“Mặc dù chưa có giám định nhưng bây giờ phải cấm, đình chỉ những cơ sở này. Và sau đó là tuyên truyền cho mọi người dân được biết và mình phải tìm cách để mình xử lý”, vị này nói.
Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho rằng, trong tình hình hiện này, thành phố phải có những chỉ đạo hết sức mạnh mẽ và không cần phải chờ đợi một căn cứ mà rất lâu mới có.
“Tôi đồng ý với ý kiến của đồng chí công an, phát hiện ra là đóng cửa, còn anh thiệt hại bao nhiêu kệ anh. Sau này, chúng ta mà chứng minh được cố ý đưa chất độc vào là không phải xử lý hành chính là phải xử lý hình sự. Anh biết chất độc mà anh vẫn đưa vào”, ông Chương nói.
Ông Chương cũng đề nghị thành phố nên lập ra những điểm bán thực phẩm sạch để người dân biết đâu là thực phẩm sạch. Mỗi quận có 1 điểm hoặc trong thành phố có vài nơi như thế.
Kết luận buổi họp, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho rằng, văn bản quy phạm pháp luật nhiều, nhưng việc thực hiện còn lúng túng; hệ thống quản lý chia cắt, công tác quản lý trên các lĩnh vực chưa đảm bảo từ sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ còn chưa chặt.
Trong dư luận nhân dân còn chưa yên tâm, người dân chưa biết sử dụng sản phẩm nào có chất lượng.
“Trách nhiệm của chúng ta là đã phát hiện ra tồn tại thì phải bắt tay vào làm cho người dân yên tâm”, ông Dũng nói.
Ông Dũng đề nghị các ngành y tế, công thương, nông nghiệp cần rà soát lại văn bản phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Phải xây dựng một cơ chế quản lý tốt, đến bàn ăn của người dân, thực phẩm phải sạch.
Giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xây dựng phương án ưu tiên tự sản xuất rau sạch trên địa bàn, bởi mới sản xuất đáp ứng 10% nhu cầu. Xây dựng đề án kiểm tra đối với thực phẩm ngoài tỉnh khi nhập vào thành phố.
Các cơ quan chức năng phải kiểm tra liên tục, không phải theo từng đợt, đơn vị nào vi phạm thì công bố trên phương tiện truyền thông và đóng cửa nếu tái phạm.
Khánh Hồng