"Du xuân" trở về, nhiều người Hà Nội bất ngờ trở thành F0
(Dân trí) - Dù hạn chế những cuộc gặp đầu xuân so với mọi năm nhưng nhiều người vẫn không tránh khỏi việc trở thành F0 sau dịp nghỉ Tết.
Trở thành F0 sau những cuộc gặp đầu xuân
Sau dịp nghỉ Tết, H.N.T.T. (nam, 23 tuổi, sống tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện đang là sinh viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân bất ngờ phát hiện dương tính SARS-CoV-2, sau khi tự test nhanh vì xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.
Trao đổi với Dân trí, T. cho biết, trong dịp Tết, ngoài gia đình, cậu chủ yếu chỉ tiếp xúc với các bạn học cấp 3 và đây cũng có thể là nguồn lây nhiễm.
"Tôi có vài cuộc gặp gỡ với bạn bè ở nhà và cả ngoài hàng quán. Trong số 10 người bạn tôi từng tiếp xúc thì nay đã có 8 người là F0. Tôi bắt đầu có triệu chứng từ ngày mồng 6 Tết, đến hôm sau làm test nhanh cho kết quả dương tính SARS-CoV-2. Một số bạn bè tôi đã xuất hiện triệu chứng từ trước đó vài ngày nên tôi nghĩ có thể đã lây từ họ", T. chia sẻ.
Sau khi phát hiện là F0, T. tự cách ly trong phòng riêng và điều trị tại nhà. Trong 2 ngày đầu tiên, cậu xuất hiện triệu chứng mỏi người và đau đầu nặng nên khá lo lắng. Tuy nhiên, sau khi uống thuốc cảm và toát bớt mồ hôi, T. đỡ mệt hơn hẳn. Đêm hôm sau, T. lại xuất hiện triệu chứng đau họng ngạt mũi nhưng không quá nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, T. chỉ còn triệu chứng có đờm. Kết quả test nhanh ngày 14/2 vẫn "2 vạch" nhưng đã mờ.
"Ngày đầu tiên sức khỏe tệ đi rõ rệt nên tôi cũng rất lo vì nghĩ phải trải qua nhiều ngày như vậy. May là chỉ sau 2 ngày đã hết triệu chứng nặng. Tuy nhiên, mắc Covid-19 phải cách ly trong phòng trong khi mọi người đã bắt đầu cuộc sống bình thường mới khiến tôi cảm thấy khá tù túng", T. chia sẻ.
Tương tự, anh L.T., 31 tuổi, sống tại Hà Nội cũng đã bất ngờ phát hiện mắc Covid-19 sau kì nghỉ Tết. Theo lời kể của anh T., năm nay dịch bệnh hoành hành, gia đình anh đã hạn chế đi chơi Tết đáng kể so với mọi năm.
Tuy nhiên, những ngày nghỉ cuối cùng, anh T. có tranh thủ đi chúc Tết, gặp gỡ bạn bè. Người đàn ông này cũng cho rằng, đây chính là nguyên nhân mình bị mắc bệnh.
Sau khi khai báo với trạm y tế phường, anh T. được hướng dẫn cách ly, điều trị tại nhà. Ngày thứ hai bị nhiễm bệnh, anh T. mệt mỏi, ngủ li bì cả ngày.
Ngày đầu tiên đi làm trở lại sau kỳ nghỉ Tết, anh P.V.Đ. (29 tuổi, hiện trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) được test nhanh tại cơ quan và nhận được kết quả "2 vạch". Kết quả xét nghiệm PCR sau đó cũng đã khẳng định anh Đ. mắc Covid-19.
Trước đó, anh Đ. có dấu hiệu mệt mỏi nhưng chỉ nghĩ rằng, nguyên nhân là do thời tiết mưa lạnh của Hà Nội.
Anh Đ. cũng chia sẻ rằng, trong những ngày nghỉ Tết, anh có đi chúc Tết bà con họ hàng, cùng bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Ngoài ra, anh Đ. cũng gặp mặt 5 người bạn học.
"Toàn bộ người thân và bạn bè đã tiếp xúc với tôi đều đã âm tính SARS-CoV-2. Việc này giúp tôi bớt đi đáng kể sự lo lắng", anh Đ. nói.
Trong quá trình điều trị Covid-19 tại nhà, anh Đ. chỉ gặp triệu chứng rất nhẹ như ho theo cơn, mệt mỏi và không mất vị giác. Anh Đ. cho rằng, điều này là do bản thân còn trẻ và đã tiêm 3 mũi vaccine Covid-19.
Đến ngày 12/2, anh Đ. đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần một với SARS-CoV-2.
F0 tại Hà Nội tăng vọt sau nhiều ngày đi ngang
Sau nhiều ngày đi ngang ở mức 2.800 - 2.900 F0, ngày 14/2, số ca Covid-19 phát hiện trong 24 giờ của Hà Nội tăng vọt lên mức 3.507 ca, trong đó có 557 ca cộng đồng. Nhiều quận nội thành như Hoàng Mai, Đống Đa, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đều phát hiện hơn 100 F0.
Tối 15/2, Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện thêm 3.972 ca, lập đỉnh mới, trong đó 798 ca cộng đồng; 3.174 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bố tại 487 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Việc số ca Covid-19 tại Hà Nội tăng cao sau kì nghỉ lễ cũng đã được cơ quan chức năng và các chuyên gia dự đoán từ trước, do đây là dịp nhu cầu đi lại và gặp gỡ của người dân tăng đột biến.
Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 11/2, đại diện Sở Y tế cho biết, mở cửa trở lại một số dịch vụ, ngành nghề như: vận tải, du lịch, giao thương quốc tế… dẫn đến nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập. Do đó, cần phải theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để đảm bảo việc phục hồi, phát triển kinh tế nhưng vẫn đảm bảo an ninh y tế.
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà đề nghị các địa phương tiếp tục tuyên truyền người dân hạn chế tập trung đông người, nhất là thời gian sau Tết. Đối với các địa phương có các sự kiện được phép mở cửa trở lại như Chùa Hương (huyện Mỹ Đức) cần tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm 5K. Các quận, huyện, thị xã có tỷ lệ F0 cao, cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị; tăng cường giám sát, mở rộng xét nghiệm tầm soát đối với các đối tượng nguy cơ cao… Ngoài ra, đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai hiệu quả chăm sóc F0 tại nhà, các túi thuốc điều trị F0…
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cũng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh khi thành phố dần mở cửa trở lại các hoạt động thiết yếu sau Tết. Ông yêu cầu các địa phương, đơn vị phải rà soát kỹ nguyên nhân dịch bệnh gia tăng, đề xuất giải pháp cụ thể để kiềm chế giảm dần số ca từng ngày.