Dự thảo Hà Nội "quản" bệnh viện trung ương: Vượt quá năng lực quản lý

Hồng Hải

(Dân trí) - Lãnh đạo nhiều bệnh viện cho rằng, nếu theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), bệnh viện trung ương chuyển về Hà Nội quản lý sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

Không phù hợp

Ngày 3/8, chia sẻ với báo chí, PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương cho biết, liên quan đến Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập việc chuyển các bệnh viện Bộ Y tế quản lý về Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức lấy ý kiến của các bệnh viện.

Dự thảo Hà Nội quản bệnh viện trung ương: Vượt quá năng lực quản lý - 1

Nhiều bệnh viện trung ương đặt tại Hà Nội (ảnh minh họa: Nguyễn Dương).

Theo PGS Phú, hiện nay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập đến việc chuyển các bệnh viện trung ương do Bộ Y tế quản lý về Hà Nội mới chỉ đơn thuần tính đến việc tiếp cận dịch vụ, về vị trí địa lý chứ chưa tính đến khía cạnh khác.

"Hiểu nôm na là bệnh viện trung ương nào nằm trên địa bàn Hà Nội phải do ngành y tế Hà Nội quản lý", PGS Phú nói.

Theo chuyên gia này, điều này không phù hợp. Cần xem xét về cơ cấu dân số, mô hình bệnh tật của Việt Nam cũng như hệ thống y tế của Việt Nam từ cơ sở đến trung ương, cách tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ra sao để có những phân tích thấu đáo và vận dụng cho phù hợp với hệ thống y tế của chúng ta.

"Bệnh viện trung ương nằm nhiều nhất ở là Hà Nội và TPHCM, rồi đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Thái Nguyên... Dù bệnh viện trung ương nằm ở tỉnh nào vẫn đón bệnh nhân ở cả 64 tỉnh thành đến khám chữa bệnh. 

Đặc biệt là các trường hợp cấp cứu thì bất kể cơ sở y tế nào đều phải tiếp nhận, điều trị, không phân biệt vùng miền, không phân biệt có BHYT hay không, thậm chí không cần biết có tiền hay không...", PGS Phú phân tích.

Chuyên gia này nhấn mạnh: "Tôi đồng ý với chủ trương chuyển các bệnh viện ra vùng ven đô để bớt chật chội, ô nhiễm nhưng việc chuyển các bệnh viện trung ương về UBND TP Hà Nội quản lý theo địa bàn cần phải xem xét lại. Nếu đưa bệnh viện trung ương về Hà Nội quản lý là rất mâu thuẫn với Luật Khám chữa bệnh". 

Chuyên gia này phân tích thêm, trong quy chế tổ chức và điều hành bệnh viện thì bệnh viện trung ương do Bộ Y tế phê duyệt, bệnh viện tuyến tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt. Vai trò của tuyến và hạng bệnh viện được quy định trong Luật Khám chữa bệnh rất quan trọng trong việc phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Hơn nữa, xét về năng lực quản lý, hiện nay Sở Y tế Hà Nội chỉ có số cán bộ tương đương với một Vụ, Cục của Bộ Y tế, đang quản lý 42 bệnh viện tuyến thành phố và hàng trăm các trung tâm, phòng khám tư nhân khác.

"Riêng quản lý 42 bệnh viện và quản lý hành nghề tư nhân Hà Nội cũng đã quá tải. Nếu thêm 40 bệnh viện trung ương nằm trên địa bàn nữa thì thực sự quá khả năng quản lý nhà nước của Hà Nội", PGS Phú thẳng thắn bày tỏ.

Ông Phú lấy dẫn chứng về hệ thống bệnh viện chuyên khoa lao phổi, thì có hệ thống 3 bệnh viện trung ương và 49 bệnh viện tuyến tỉnh, bao gồm cả Hà Nội. Các bệnh viện tuyến trung ương đang làm rất tốt vai trò chỉ đạo tuyến, thể hiện chuyên khoa mũi nhọn, đầu ngành...

Theo ông Phú, vai trò của bệnh viện đầu ngành có nhiều điểm khác so với các bệnh viện tỉnh, thành phố. Bệnh viện trung ương còn thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, chỉ đạo tuyến và đào tạo, chuyển giao công nghệ xuống tuyến dưới.

Ngoài ra, Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương còn có khả năng huy động và hỗ trợ, tổng hợp các nguồn lực để ứng phó với các tình huống khẩn cấp như dịch Covid-19 vừa qua. 

"Trong đợt dịch vừa qua, vai trò của Bộ Y tế và các bệnh viện tuyến trung ương trong việc phòng chống dịch là rất quan trọng. Nếu là Sở Y tế tỉnh, thành phố thì không thể huy động, điều hành để khống chế đợt dịch bùng phát dữ dội như vừa rồi", PGS Phú nói.

Cần bệnh viện chuyên khoa để thực hiện công tác chỉ đạo tuyến

Về vấn đề này, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, với vai trò là giám đốc Câu lạc bộ các bệnh viện phía Bắc, khi nắm được thông tin về Luật Thủ đô (sửa đổi) có đề xuất giao bệnh viện tuyến trung ương về cho Hà Nội quản lý, ông cũng đã trao đổi với nhiều lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh.

"Khi trao đổi về vấn đề này, tôi đều nhận được thông tin đề nghị các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành vẫn tiếp tục do Bộ Y tế quản lý để đảm bảo sự chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương", PGS Đào Xuân Cơ nói.

Dự thảo Hà Nội quản bệnh viện trung ương: Vượt quá năng lực quản lý - 2

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, ngoài thực hiện khám chữa bệnh, bệnh viện trung ương còn thực hiện công tác chỉ đạo tuyến, hợp tác quốc tế. Trong ảnh, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: H.Hải).

Theo ông Cơ, điều này hoàn toàn phù hợp. Cần có các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt để thực hiện công tác chỉ đạo tuyến.

PGS Cơ dẫn chứng đợt Covid-19 ở phía Nam và Tây Nguyên, khi dịch xảy ra, ông trực tiếp đi khảo sát công tác điều trị, thì với chuyên ngành hồi sức tích cực cả vùng Tây Nam Bộ, Tây Nguyên gần như "trắng".

"Nếu không có các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt, đầu ngành của Bộ Y tế chỉ đạo tuyến, sẽ khó cho công tác chỉ đạo tuyến cũng như công tác bảo vệ, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân", ông Cơ nói.

Ngay tại Bệnh viện Bạch Mai, hiện xây dựng đến hơn 5.000 danh mục khám chữa bệnh. Vừa tham gia chữa bệnh, chỉ đạo tuyến, vừa tăng cường hợp tác quốc tế, ứng dụng nhiều kỹ thuật cao.

Dự thảo Hà Nội quản bệnh viện trung ương: Vượt quá năng lực quản lý - 3

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Ảnh: H.Hải).

"Nếu bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuyển về Hà Nội quản lý, lúc đó công tác chỉ đạo tuyến sẽ thế nào?", PGS cơ bày tỏ.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng thông tin thêm, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới về việc "Thí điểm hình thành chuỗi các bệnh viện", Bệnh viện Bạch Mai đang hướng tới thí điểm mô hình này.

"Nếu chuyển bệnh viện trung ương về Hà Nội quản lý thì sẽ thực hiện mô hình này thế nào?"- ông Cơ đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm này, TS.BS Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E cho rằng, các bệnh viện tuyến trung ương đang thực hiện công tác chỉ đạo tuyến cho vài chục bệnh viện tuyến huyện và tỉnh. Do đó nếu thuộc Hà Nội quản lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công tác này.

Dự thảo Hà Nội quản bệnh viện trung ương: Vượt quá năng lực quản lý - 4

Một ca mổ nội soi toàn bộ với hệ thống 3D lấy bỏ dây điện cực cấy trong buồng tim hàng chục năm, bị nhiễm trùng nặng tại Bệnh viện E (Ảnh: H.C).

Ông cũng thông tin thêm, hơn 1.300 cán bộ y bác sĩ của Bệnh viện E khi được hỏi về tâm tư, nguyện vọng đã thống nhất đề nghị Bệnh viện E tiếp tục do Bộ Y tế quản lý.

Ông Trần Cao Bính, Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương cũng chia sẻ, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội đều là các bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành, có cả hạng đặc biệt, là bệnh viện tuyến cuối, có tầm ảnh hưởng quốc tế và quan hệ quốc tế, phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, tương đương với các nước trong khu vực và thế giới.

Theo đó, các bệnh viện tuyến cuối không chỉ thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, mà còn thực hiện công tác chỉ đạo tuyến; cập nhật các kỹ thuật tiên tiến của thế giới về thực hiện nhuần nhuyễn trước khi chuyển giao cho tuyến dưới…

Đề nghị đưa ra khỏi dự thảo

Liên quan đến dự thảo với nội dung chuyển các bệnh viện tuyến trung ương về cho Hà Nội quản lý, PGS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị đưa nội dung này ra khỏi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Theo ông, việc chuyển các bệnh viện của Trung ương trên địa bàn về Hà Nội quản lý là công việc hệ trọng, liên quan đường lối chính sách và hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân nên cần được cân nhắc kỹ lưỡng. 

Ông Thuấn dẫn Nghị quyết 19 của Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII năm 2017, cho biết quy định chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ ngành cơ quan nhà nước Trung ương về địa bàn quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện thuộc các trường đại học.

"Như vậy, các bệnh viện Trung ương trên địa bàn Hà Nội đều là các cơ sở chuyên khoa, đầu ngành, đương nhiên thuộc diện phải giữ lại theo Nghị quyết 19", ông Thuấn nói. 

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đánh giá, các bệnh viện khi thuộc Bộ Y tế sẽ mang thương hiệu quốc gia, thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, đặc biệt là công tác chuyển giao công nghệ từ các tổ chức, các nước phát triển cho Việt Nam. Sau khi tiếp nhận thành công, các bệnh viện Trung ương sẽ chuyển giao cho các bệnh viện tuyến dưới cấp tỉnh, huyện, xã.