1. Dòng sự kiện:
  2. Công nhân Vĩnh Phúc ngộ độc tập thể

Đồng Tháp: Xe chở gia cầm không rõ nguồn gốc “vô tư ra” vào thành phố

(Dân trí) - Thời gian qua đã xuất hiện tình trạng xe chở gia cầm, sản phẩm gia cầm vượt trạm. Cũng có tình trạng nhân viên kiểm dịch không làm đúng quy trình kiểm dịch. Mặt khác tại các tuyến đường mới chưa có nhân kiểm dịch bọn chở gia cầm lậu “vô tư” ra vào tỉnh.

Cần xiết lại quy trình kiểm dịch

14h ngày 13/3/2014, tại khu vực Trạm Kiểm dịch động vật Cao Lãnh (rạm liên tỉnh thuộc Chi cục Thú y Đồng Tháp,  nằm trên tuyến quốc lộ 30, đoạn qua địa bàn xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh), nhiều xe gắn máy chở đầy gà, trứng gia cầm từ hướng Tiền Giang về huyện Cao Lãnh vẫn vô tư chạy qua Trạm.

Lúc 14h50, chúng tôi chứng kiến có 2 xe tải chở trứng gia cầm dừng tại Trạm để làm chứng nhận kiểm dịch, sau khi làm xong thủ tục hành chính (chứng nhận giấy tờ liên quan, đóng phí) tại Trạm, 2 xe đi tiếp mà không thấy sự xuất hiện của cán bộ Trạm ra kiểm tra xe theo đúng quy trình.

Nói về công tác kiểm tra cũng như quy trình kiểm tra vận chuyển gia cầm đi qua Trạm, ông Lương Văn Trịnh, Trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Cao Lãnh cho biết: “Nếu có nghi ngờ thì ra xe kiểm, nếu có bận việc thì 1, 2 trường hợp không ra kiểm, nhưng thường thì ra xe kiểm cho đúng quy trình”.

Đồng Tháp: Xe chở gia cầm không rõ nguồn gốc “vô tư ra” vào thành phố

Thời gian qua nhiều người sử dụng xe mô tô thế này để chở gia cầm, sản phẩm gia cầm,...để qua mặt các trạm kiểm dịch

Trong khi đó, ông Lê Đình Tuấn, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật, Chi cục Thú y Đồng Tháp cho rằng, việc nhân viên không ra kiểm tra xe là sai quy trình, dù bận hay trời nắng nóng cũng phải ra kiểm. Theo ông Tuấn, cán bộ phải có nhiệm vụ khi kiểm tra thủ tục hành chính xong, sau đó phải ra kiểm tra tình trạng niêm phong của phương tiện vận chuyển gia cầm xem còn nguyên vẹn hay đã bị tháo gỡ, đồng thời nhìn vào bên trong xe kiểm tra xem động vật có chết, có yếu hay không để kịp thời xử lý.

Hiện nay nhiều tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã có ổ dịch gia cầm, riêng Đồng Tháp thì chưa phát hiện. Do đó, để tránh tình trạng gia cầm nhiễm bệnh được đưa vào Đồng Tháp thì việc kiểm tra các xe chở gia cầm đúng theo quy trình là vô cùng quan trọng.

Ông Bật Tuấn Kiệt, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y Đồng Tháp cho biết, nếu không kiểm dịch đúng quy trình thì nguy cơ dịch bệnh rất cao, nhất là con giống, vì hiện nay ngoài các cơ sở sản xuất vịt giống tại tỉnh tương đối tốt, nhưng đối với gà thì đa số người chăn nuôi trong tỉnh phải mua từ những tỉnh khác: Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang,… nếu gia cầm không kiểm dịch thì nguy cơ cúm từ tỉnh bạn lây bệnh là rất lớn.

Canh đường mới mà đi!
 
Đồng Tháp hiện có 10 trạm kiểm dịch động vật, trong đó có 6 trạm nội địa và 4 trạm khu vực biên giới với tổng cộng 21 cán bộ. Các trạm đều phân công người trực 24/24. Tuy nhiên, do hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều tuyến đường mới được đưa vào sử dụng như tuyến N2 đi qua địa phận huyện Tháp Mười, đường Nguyễn Văn Doi (huyện Châu Thành), tuyến đường đan phía sau Trạm kiểm dịch động vật Cao Lãnh,… không có chốt kiểm dịch nên đã có tình trạng xe chở gia cầm vào tỉnh chưa qua kiểm dịch đi qua các tuyến đường này. 
 
Ông Trương Tuấn Anh, cán bộ Phòng Thanh tra, Chi cục Thú y Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm 2014 đến ngày 18/3, các trạm kiểm dịch động vật trong tỉnh đã phát hiện và xử lý 7 vụ liên quan đến những hành vi như: các xe chở gia cầm trốn tránh kiểm dịch tại các trạm, tự ý tháo mở niêm phong, không có giấy chứng nhận kiểm dịch ngoài tỉnh vào.

Đồng Tháp: Xe chở gia cầm không rõ nguồn gốc “vô tư ra” vào thành phố

Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp cũng đang tích cực quản lí vịt chạy đồng vì đây là "đầu mối" mang dịch từ nơi khác đến rất cao

Theo Phòng Kiểm dịch động vật - Chi cục Thú y Đồng Tháp, nhằm trốn trạm, qua mắt ngành chức năng, thời gian qua cũng có tình trạng những xe không chuyên dùng để chở gia cầm cũng được các đối tượng sử dụng cho việc vận chuyển gia cầm chưa qua kiểm dịch.

Để ngăn chặn tình trạng những xe chở gia cầm, sản phẩm gia cầm trốn trạm kiểm dịch, ông Lê Đình Tuấn, Trưởng phòng Kiểm dịch động vật cho biết, đối với những tuyến đường mới, sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra của Đội kiểm tra liên ngành tỉnh, Đội kiểm dịch lưu động của Chi cục Thú y tỉnh bằng cách phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra việc vận chuyển động vật trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, các trạm thú y huyện, thị, thành phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra tình hình giết mổ, vận chuyển mua bán động vật, sản phẩm động vật. Chi cục sẽ đề nghị xin thêm nhân sự tăng cường tại các chốt, trạm kiểm dịch.

H.N - Nguyễn Hành