Đồng Tháp: Gia tăng bệnh nhân đau mắt đỏ

(Dân trí) - Mùa mưa là thời điểm bệnh đau mắt đỏ (ĐMĐ) hay còn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp dễ bùng phát thành dịch. Người mắc bệnh sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, lao động, có thể gây nên những tổn thương giác mạc, nên việc chủ động phòng ngừa bệnh là rất cần thiết.

Hiện bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ đã xuất hiện tại nhiều nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh như: TP.Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, huyện Hồng Ngự,… Hiện mỗi ngày Khoa Mắt - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp khám và điều trị từ 10 - 20 trường hợp trẻ bị bệnh ĐMĐ gồm cả người lớn và trẻ em. Tuy nhiên, có thể số bệnh nhân thực tế trong cộng đồng còn cao hơn, vì người bệnh có thể đến khám tại các cơ sở y tế tư nhân hoặc mua thuốc tự điều trị.

Vào mùa mưa, bệnh đau mắt đỏ dễ bùng phát thành dịch
Vào mùa mưa, bệnh đau mắt đỏ dễ bùng phát thành dịch

Sau 2 ngày mắt bị đỏ, ngứa, cộm, bác Phan Thị Chính, 66 tuổi, ngụ ấp An Định, xã An Bình, huyện Cao Lãnh đến khám bệnh tại Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp, được bác sĩ chẩn đoán bác bị đau mắt đỏ. Bác Chính cho biết, từ khi đau mắt đến nay, bác cũng nghi ngờ mình bị bệnh đau mắt đỏ nên để tránh lây sang cho những người thân trong nhà, mọi dụng cụ sinh hoạt bác đều sử dụng riêng.

Mặc dù hiện nay dịch đau mắt đỏ chưa xuất hiện tại các trường học nhưng hầu hết các điểm trường đã chủ động phòng ngừa. Cô Phạm Thị Miên- Hiệu trưởng Trường Mầm non Hồng Gấm, TP.Cao Lãnh cho biết, không chỉ mùa mưa mà vào các thời điểm khác trong năm, trường luôn chủ động phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ bằng cách giữ vệ sinh cá nhân riêng cho từng bé. Cũng giống như những năm trước đây, năm nay nếu giáo viên nhận bé phát hiện bé có triệu chứng bệnh đau mắt đỏ thì sẽ nhờ phụ huynh đưa bé về điều trị, sau 2 tuần thấy bé hết bệnh mới đưa trở lại lớp, việc làm này nhằm tránh lây lang bệnh sang các bé khác và đề phòng tình trạng bệnh đau mắt đỏ lây lang thành dịch trong nhà trường.

Bác sĩ Trần Thành Long - Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cho biết, bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ thường có triệu chứng ngứa, cộm, đau nhức mắt và đỏ mắt, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, khi ngủ dậy 2 mi dính chặt lại khiến bệnh nhân khó mở mắt. Khi khởi bệnh thường một mắt bị viêm trước, vài ngày sau mới đến mắt kia, một số trường hợp có xuất huyết kết mạc, gây đỏ mắt kéo dài, nếu nặng có thể mờ mắt, chảy nước mắt, bệnh khó nhìn nhưng không giảm thị lực. Bệnh có thể gây cho người bị bệnh sưng hạch và viêm họng. Bệnh thường khỏe lại sau 1 đến 2 tuần. Bệnh rất dễ lây truyền và chưa có thuốc dự phòng.

Vào mùa mưa, bệnh đau mắt đỏ dễ bùng phát thành dịch
Khi mắc bệnh, người bệnh nên đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh không nên đắp thuốc nam vì mắt có thể bị nhiễm độc

Để ngừa bệnh, bác sĩ Trần Thành Long cho rằng việc cách ly người bệnh là hết sức cần thiết. Ngoài ra, bác sĩ Long khuyến cáo, để có chẩn đoán và phương pháp điều trị hợp lý, khi nghi ngờ bị bệnh đau mắt đỏ, bệnh nhân nên đến khám tại các cơ sở khám chữa mắt, tránh tự mua thuốc về nhỏ gây ra biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân tuyệt đối không dùng thuốc nam đắp mắt tránh gây nhiễm độc hư mắt.

Nguyễn Hành – H. N