Đông-Tây y kết hợp trong điều trị ung thư
Ung thư được ví như “án tử”, khiến người bệnh suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần dẫn đến tử vong. Hiện nay, với sự kết hợp liệu pháp Đông - Tây y đã mở ra những cánh cửa mới, trao thêm niềm hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân.
Khỏe hơn nhờ Đông - Tây y kết hợp
Đã 3 tháng nay, bà Trương Thị Minh (75 tuổi, ngụ Quận Phú Nhuận, TP.HCM) được các bác sĩ tại Khoa Nội Ung bướu, Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM cực điều trị nâng cao thể trạng bằng các phương pháp y học cổ truyền. Hỗ trợ bằng các liệu pháp tâm lý giúp người bệnh có tinh thần thoải mái, có niềm tin chiến thắng bệnh tật.
Bà Minh kể, năm 2016, thấy một bên vùng cổ bị sưng to, bà đi khám thì phát hiện ung thư tuyến giáp. Đến bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM, các bác sĩ cho biết khối u đã ở giai đoạn 4, được phẫu thuật cắt bỏ khối u và trải qua 2 đợt xạ trị. Không chỉ phải chịu đựng những cơn đau đớn sau phẫu thuật, xạ trị và tác dụng phụ của thuốc, nghĩ đến “án tử” của mình bà lo sợ, hoảng loạn đến kiệt quệ tinh thần.
Được bệnh nhân cùng phòng giới thiệu đến Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM khám và điều trị, song song với điều trị bằng y học hiện đại tại BV Ung bướu, bà được bác sĩ kê thêm thuốc Nam uống để nâng sức cơ. Sau một thời gian, bà Minh cảm nhận rõ sức khỏe được cải thiện dần lên, suốt 4 năm liền bà là bệnh nhân ngoại trú tại đây.
“Cách đây 3 tháng, khối u bắt đầu di căn vào phổi, di căn xương, tôi bị mệt, mất sức, được người nhà đưa vào đây điều trị nội trú. Bác sĩ đã khám, kê đơn thuốc, mỗi ngày tôi uống 1 chai thuốc Nam. Bác sĩ dành nhiều thời gian để giải thích tình trạng bệnh, chia sẻ, động viên, tôi bớt lo lắng, tinh thần thoải mái vững tâm hơn nhiều. Từ lúc mới vào điều trị tôi không ngồi được, không nói chuyện được, không ăn được, mất ngủ, đến nay tôi đã ăn ngủ tốt, có thể ngồi nói chuyện được và vận động nhẹ, cảm thấy khỏe hẳn ra…”, bà Minh nói.
Cũng giống như bà Minh, bà Trần Thị Nguyệt (59 tuổi, ngụ Quận Gò Vấp, TP.HCM) đã điều trị ngoại trú tại Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM hơn 15 năm. Bà Nguyệt cho hay, phát hiện ung thư vú vào năm 2004 trong một lần khám định kỳ. Dù may mắn phát hiện ở giai đoạn đầu nên được phẫu thuật bảo tồn tại BV Ung Bướu nhưng tinh thần của bà rất sa sút vì lo lắng, sau phẫu thuật bà phải điều trị tiếp bằng 6 toa thuốc và 31 tia xạ trị. Các tác dụng phụ của thuốc khiến bà bị phù người, móng tay móng chân đen, tóc rụng, người nóng nực, bứt rứt, không ăn được, mất ngủ kéo dài.
Năm 2005, bà đến Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM khám, uống thuốc, sau 1 tháng các tác dụng phụ đã cải thiện, tóc dần dần mọc trở lại, quan trọng hơn là bà ăn ngủ tốt, tinh thần trở nên lạc quan hơn. Đến nay không chỉ bệnh ung thư đã ổn định, các tình trạng xương khớp tuổi già cũng cải thiện. Không giữ những kinh nghiệm vượt qua bệnh tật cho riêng mình, bà là một trong những bệnh nhân đầu tiên có ý tưởng thành lập câu lạc bộ sinh hoạt bệnh nhân ung thư tại đây. Cùng các bác sĩ chia sẻ, động viên những bệnh nhân mới chiến thắng bệnh tật.
Liệu pháp toàn diện cho người bệnh
ThS.BS.CKII Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng Khoa Nội Ung bướu, Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM cho biết, hiện nay, tại khoa các bác sĩ đang điều trị kết hợp bằng y học cổ truyền cho 46 bệnh nhân nội trú. Trước đó, thống kê năm 2019, tại khoa có 12.000 lượt điều trị nội trú, hơn 17.000 lượt bệnh nhân khám và điều trị ngoại trú. Đối với các dạng bệnh, tại khoa các bác sĩ đều gặp tất cả các dạng bệnh nhân ung thư, tuy nhiên thường gặp nhất vẫn là ung thư vú, ung thư gan, ung thư đại tràng, ung thư phổi, dạ dày…
Vai trò của Đông-Tây y kết hợp
Y học hiện đại thực hiện các phương pháp (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị), mang lại hiệu quả phá hủy, ngăn chặn được các khối u nhưng đồng thời cũng ảnh hưởng ít nhiều đến các tế bào, mô, bộ phận, cơ quan lành xung quanh, gây giảm sức đề kháng của cơ thể, ói mửa, mấy ngủ, giảm hồng cầu, bạch cầu, người bệnh xanh xao gầy mòn… Song song với y học hiện đại, y học cổ truyền hỗ trợ người bệnh trong quá trình phục hồi một cách tích cực, có hiệu quả và lâu bền. Giúp người bệnh cải thiện được các tác dụng phụ, hồi phục sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong số hàng ngàn bệnh nhân ung thư đã và đang điều trị tại đây, hơn 90% bệnh nhân đều đã được điều điều trị bằng y học hiện đại (phẫu thuật, hóa trị, xạ trị). Những bệnh nhân này sẽ được điều trị hỗ trợ để giảm các tác dụng phụ không mong muốn, hướng tới giúp bệnh nhân đủ sức khỏe để vượt qua hết các liệu pháp y học hiện đại, ngừa tái phát, ngừa di căn.
Khoảng 10% bệnh nhân quá lớn tuổi y học hiện đại đắn đo không sử dụng các phương pháp hiện đại của Tây y, hoặc những bệnh nhân bệnh quá nặng Tây y không xử trí được, bệnh nhân ngay từ đầu không sử dụng y học hiện đại, bệnh nhân không đủ điều kiện kinh tế… Tùy theo tình trạng bệnh, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng liệu pháp chăm sóc giảm nhẹ, giảm các tình trạng đau, nâng cao chất lượng cuộc sống.
BS Tuấn Anh chia sẻ: “Bệnh nhân ung thư được điều trị bằng liệu pháp “4T”, gồm: Tinh thần, Thực phẩm, Tập luyện, Thuốc và các liệu pháp không dùng thuốc. Đây là liệu pháp toàn diện điều trị cho người bệnh. Ghi nhận trên hầu hết bệnh nhân, các tình trạng tác dụng phụ, thể chất và tinh thần đều được cải thiện sau điều trị. Đặc biệt, có những bệnh nhân điều trị ngoại trú đã hơn 13 năm”.
“Trong liệu pháp, yếu tố “tinh thần” được đặc lên hàng đầu. Bệnh nhân được bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ, giải thích tình trạng bệnh và động viên tạo một tâm lý thoải mái, bình an, vui tươi, giúp bệnh nhân ít lo lắng căng thẳng, giảm stress để thêm nghị lực “chiến đấu” với bệnh tật, tinh thần của người bệnh tốt thì quá trình điều trị sẽ cho hiệu quả tốt hơn.
Đối với “thực phẩm”, trên mỗi bệnh nhân được hướng dẫn chế độ ăn hợp lý. Điểm chung ở chế độ ăn của bệnh nhân ung thư là tăng cường đạm thực vật, các thực phẩm bồi dưỡng sức khỏe, hạn chế tối đa đồ hộp có chất bảo quản, đồ nướng…
“Tập luyện”: bệnh nhân được khuyến khích đi bộ, vận động tay chân hoặc hướng dẫn tự xoa bóp, khí huyết lưu thông, tập dưỡng sinh, yoga. Để đạt được hiệu quả toàn diện trong điều trị, tùy vào bệnh trạng của từng bệnh nhân sẽ được chỉ định dùng thuốc theo phác đồ và các liệu pháp không dùng thuốc (xoa bóp, day ấn huyệt)”.
Bên cạnh những bệnh nhân luôn tuân thủ phác đồ điều trị, đạt hiệu quả điều trị tốt, theo BS Tuấn Anh, một trong những khó khăn mà các bác sĩ đang gặp phải là tình trạng nặng bệnh nhân tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, khi đến bệnh viện đã ở tình trạng nặng, quá trình điều trị trở nên gian nan hơn.
Mới đây nhất, các bác sĩ tại đây đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ung thư vú bị di căn phổi, não, xương đang được điều trị y học hiện đại tại BV Ung bướu, nghe lời đồn trên mạng, bệnh nhân tự mua thuốc Đông y không rõ nguồn gốc để uống, sau đó được đưa vào Viện Y dược học dân tộc TP.HCM trong tình trạng vàng da, viêm gan cấp, tắc mạch…
Các bác sĩ ngay lập tức yêu cầu bệnh nhân ngưng uống thuốc không rõ loại và tích cực điều trị cho bệnh nhân trong thời gian khoảng 2 tháng, mới đưa được các chỉ số men gan về mức bình thường. Bệnh nhân có đủ sức khoẻ để tiếp tục điều trị Tây y với các tình trạng di căn khối u. Trước đó, không hiếm trường hợp cơ hội sống còn giảm đi rất nhiều do sử dụng các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Do đó, khuyến cáo người bệnh khi phát hiện ung thư, nếu mong muốn điều trị kết hợp với y học cổ truyền cần đến các cơ sở y tế y học cổ truyền chính quy để được khám và điều trị.