Đồng bằng sông Cửu Long: Nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết mùa mưa
(Dân trí) - Mấy tháng gần đây tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) ở đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca bệnh tăng đột biến, bệnh độ nặng tăng và biến chứng nguy hiểm.
Theo báo cáo của ngành Y tế Cần Thơ, 4 tháng đầu năm 2016 Cần Thơ có 302 ca bị sốt xuất huyết (2015 là 168 ca), tăng 1,8 lần so với cùng kỳ, trong đó độ C có 46 ca (năm 2015 là 22 ca), chưa có trường hợp tử vong. Cần Thơ có ca SXH đứng thứ 15/20 tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Tại An Giang (1 trong 5 tỉnh, thành có dịch SXH tăng đột biến), tính từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 1.290 ca mắc SXH, tăng 160% so với cùng kỳ”.
Tại Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay có khoảng 500 người bị SXH, tăng gần 70% so cùng kỳ năm ngoái.
Ở Hậu Giang, đến hết tháng 4/2016, trên địa bàn tỉnh này có 79 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 44 trường hợp so với cùng kỳ 2015. Bệnh xảy ra và tăng ở tất cả các huyện, thị, thành, nhưng tập trung nhiều nhất ở huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành và thành phố Vị Thanh. Tuy chưa có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết nhưng theo nhận định của ngành y tế tỉnh này, sốt xuất huyết tăng trong mùa khô là khá bất thường.
Phó Giám đốc sở Y tế Hậu Giang, bác sĩ Phan Thanh Tùng cho biết ngành y tế tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị, thành đồng loạt ra quân thực hiện chiến dịch phòng chống dịch sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika. Trước tình hình sốt xuất huyết tăng cao so cùng kỳ, cùng với sự chủ động của ngành y tế, tỉnh cũng đang nỗ lực phát huy vai trò tự giác của người dân tham gia khai thông cống rãnh, vệ sinh môi trường để diệt muỗi, lăng quăng.
Bác sĩ Trần Văn Dễ - Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ, thông tin thêm: Từ đầu năm đến nay, số bệnh nhi bị SXH đến điều trị ở bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ tăng cao, có nhiều ca sốc nặng, biến chứng tăng đáng kể; một số tỉnh lân cận thường xuyên chuyển nhiều ca nặng đến. Tuy nhiên được điều trị kịp thời nên không có ca nào tử vong.
Phân tích nguyên nhân bệnh SXH tăng cao vào mùa khô và diễn biến phức tạp, bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Cần Thơ, cho biết, do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng dẫn đến chu kỳ sinh sản của muỗi ngắn lại. Bên cạnh đó, ý thức tự giác của người dân về diệt muỗi, loăng quăng chưa thường xuyên; sự chuyển tiếp của virus từ týp này sang týp khác.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: "ĐBSCL đang là mùa nắng nhưng SXH đã diễn biến bất thường, mùa mưa đồng nghĩa với SXH tăng. Nếu chúng ta không quyết liệt, dịch SXH sẽ bùng phát trong mùa mưa.Thời gian tới, các địa phương tiếp tục tổ chức chiến dịch phát động người dân diệt muỗi và lăng quăng. Trung tâm Y tế dự phòng, trạm y tế tham mưu cho UBND cùng cấp chủ động thực hiện chiến dịch tại các nơi có nguy cơ bùng phát. Địa phương nào để dịch bệnh bùng phát thì Trưởng ban chăm sóc sức khỏe nhân dân quận, huyện nơi đó chịu trách nhiệm với Trưởng ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân thành phố”.
Phạm Tâm