Độc hại từ vật dụng bằng nhôm, nhựa, sứ rẻ tiền
Những đồ dùng gia đình bằng nhựa, inox, nhôm, sành sứ được sản xuất từ nguyên liệu kém chất lượng thường bán khá chạy do lợi thế giá rẻ, mẫu mã phong phú. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cảnh báo việc sử dụng những sản phẩm này để chứa, nấu thức ăn sẽ rất độc.
Vì muốn có lợi nhuận cao, một số cơ sở sản xuất đồ nhựa đựng thức ăn đã sử dụng nguyên liệu nhựa độc hại với giá rẻ hơn. Điều này rất nguy hiểm, bởi các kim loại nặng cũng như chất phụ gia sẽ thôi nhiễm sang thức ăn gây hại đến sức khỏe người sử dụng.
Đồ chơi trẻ em: Màu càng sặc sỡ càng độc
Trong nhựa PVC mà một số cơ sở sản xuất thường dùng để sản xuất đồ chơi trẻ em có chứa chất độc DOB. Khi trẻ đùa nghịch cho đồ chơi vào miệng, chất độc này sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể.
Để sản phẩm đồ chơi có màu sắc sặc sỡ, các nhà sản xuất còn sử dụng cả màu công nghiệp vốn có thành phầm kim loại nặng rất cao. Khi bị thôi nhiễm các chất sẽ xâm nhập vào cơ thể gây ung thư.
Không nên sử dụng nồi nhôm để nấu mặn
Sản phẩm inox có cả trăm loại, nhưng tập trung thành 2 nhóm là inox hít nam châm và inox không hít nam châm. Inox nguyên chất ít bị độc hại hơn inox "giả" được tái chế từ phế liệu do khâu sản xuất chưa xử lý triệt để các chất độc hại.
Đối với sản phẩm bằng nhôm không nên dùng chứa thực phẩm như muối, nước mắm, giấm... Hạn chế dùng nồi nhôm để nấu thức ăn mặn vì khi nấu sẽ sinh ra muối nhôm gây độc cho cơ thể người, nhất là loại nồi nhôm sản xuất từ nguồn nhôm phế liệu, xử lý không hết tạp chất, khâu thụ động hóa bề mặt "trơ" với môi trường không bảo đảm.
Các nhà chuyên môn còn cho biết, bản thân nhôm dễ bị tác động của môi trường từ các chất ăn mòn. Trong môi trường axít, muối, chua... bề mặt sản phẩm nhôm sẽ bị rỗ, phóng thích ion nhôm vào cơ thể làm cho người sử dụng bị giảm trí nhớ.
Xoong, chảo chống dính cũng có thể gây độc
Trong chảo chống dính có lớp teflon, đây là chất chống dính tương đối trơ. Nhưng nếu chất chống dính có chứa các phụ gia không được phép sử dụng sẽ làm thôi nhiễm sang thực phẩm gây hại cho người sử dụng.
Đặc biệt còn có cả chất "nhái" chất chống dính (chỉ là loại sơn chịu nhiệt). Những sản phẩm có lớp chống dính kém chất lượng có khả năng gây độc rất cao. Do được làm từ các loại sơn nên khi nấu nướng sẽ tạo ra lớp khói có chứa các phức chất gây hại sức khỏe cho người sử dụng với các triệu chứng tức ngực, khó thở...
Đồ sứ cũng độc hại
Sản phẩm sứ kém chất lượng cũng có nhiều độc tố do khâu nung không đạt nhiệt độ chuẩn, từ 1.0000C- 1.2000C. Để giảm giá thành, một số nhà sản xuất sử dụng cả chì với nồng độ cao nhằm làm cho phụ gia nhanh chảy ở nhiệt độ thấp...
Màu vẽ trên sản phẩm càng sặc sỡ thì hàm lượng chì càng lớn. Các hoa văn này phần lớn đều được dán đề can hoặc vẽ trên men và được nung ở nhiệt độ thấp để giữ được màu sắc đẹp cho nên không thể nào loại trừ hết độc tố chì.
Ngoài ra, các nhà chuyên môn cũng cho biết thảm mới, da ghế nệm... có chứa chất gây nhức đầu, kích thích da, gây choáng, suyễn. Ván ép, giấy dán tường... chứa các chất ô nhiễm gây nhức đầu, mệt mỏi, buồn nôn, choáng, khó thở, giảm trí nhớ...
Theo Người Lao Động