“Độc chiêu” chữa cận thị
(Dân trí) - Thời buổi bệnh cận thị học đường tăng nhanh, phẫu thuật bằng tia laser còn khá tốn kém và yêu cầu người bệnh phải đủ 18 tuổi trở lên, thì việc một bà lang 90 tuổi ở Phú Thọ tuyên bố có thể chữa khỏi bệnh bằng xoa bóp, bấm huyệt và đắp thuốc nam đã khiến nhiều bậc phụ huynh không quản xa xôi đưa con em đến tận nơi chữa trị.
7 - 8 đi ốp còn khỏi…
Không khó khăn lắm để tìm được nhà bà Loan. Đến đầu xã Hoàng Xá hỏi bà lang Loan chữa cận thị rất nhiều người biết và sẵn sàng dẫn đến tận nơi. Gần 1 năm nay ngôi nhà của bà Đặng Thị Loan (Đội 17, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) luôn tấp nập người ra vào chữa bệnh.
Ngôi nhà hai tầng khang trang, sơn màu vàng nổi bật nằm ngay con đường chạy qua xã. Đã 90 tuổi nhưng trông bà Loan vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Sau khi biết tôi cận 3 điốp, bà Loan kết luận “Bệnh của anh đắp thuốc và xoa bóp trong 1 tháng rưỡi thì khỏi, nhưng phải điều trị liên tục. Chi phí cho mỗi ngày điều trị là 15 nghìn đồng”.
Thấy tôi còn nghi ngại bà động viên: “Tôi đã chữa cho hàng trăm người và đều khỏi hoàn toàn, nhiều người cận 7-8 điốp, chứ 2-3 điốp như anh có là gì. Trước vợ chồng tôi mở hiệu thuốc dưới Hà Nội, trên phố Trương Định ấy, người chữa phải xếp hàng chờ đến lượt. Năm 2000 ông nhà tôi mất, không có con cái, tôi chuyển về quê sống, nhưng 1 năm trước mới mở cửa chữa bệnh vì có nhiều người biết tiếng tìm đến tận nơi nhờ giúp quá”.
Sau khi đồng ý chữa thử bà bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế đặt sẵn ngoài hiên nhà. Bà vén áo tôi lên và bắt đầu thực hiện xoa bóp dọc sống lưng, hai vai, vùng cổ và hai thái dương. Bà bảo đó là phương pháp tác động cột sống làm lưu thông động mạch.
“Anh ở Hà Nội xa xôi, nếu muốn khỏi bệnh thì ở lại đây, tôi điều trị và theo dõi bệnh sẽ nhanh khỏi hơn. Hè rồi người người bệnh từ Bình Phước, Sài Gòn cũng ra đây điều trị cả vài tháng trời, đến lúc khỏi bệnh mới về. Tôi không lấy tiền nhà, chỉ lấy tiền ăn uống do con cháu nó phục vụ”-Vừa nhoay huyệt cho tôi bà vừa nói.
Bà cứ nhay hết chỗ này đến chỗ khác dọc sống lưng khoảng 15 phút rồi bắt đầu đắp thuốc. Cái lọ thuốc bà cất kín trong nhà, có màu đen kịt. Bà bảo thuốc này được cô đặc từ những loại thảo dược trồng trong vườn nhà hoặc do cháu bà hái trên rừng. Nhưng khi tôi hỏi gồm những lá gì thì bà bảo đó là bí kíp gia truyền không thể tiết lộ. Bà múc những thìa đặc thuốc từ cái lọ thủy tinh ra rồi đắp lên những chỗ “huyệt” vừa xoa bóp. Xong, bà lấy một mẩu băng dính trắng đính nó lại trên lưng tôi. Khắp lưng bà đắp 5-6 miếng cao dán và bảo phải giữ nó khoảng 5-6 tiếng đồng hồ mới hết công dụng.
“Đây là phương pháp ông nhà tôi nghiên cứu thành công những năm cuối đời nhưng chưa kịp truyền dạy cho ai ngoài tôi cả và chưa được công nhận rộng rãi nên người này chữa khỏi thì mách người kia biết thôi”, bà Loan giải thích thắc mắc của tôi.
… nhưng chỉ là truyền miệng?
Cách nhà bà Loan khoảng 200m là gia đình anh Nguyễn Văn L. Vừa biết tôi có ý định đến nhà bà Loan chữa cận thị, anh L. xua tay cho biết con gái anh sau hơn 2 tháng điều trị mất hơn 1,5 triệu, cháu nó bảo đỡ nhưng vừa rồi đi khám thấy bệnh vẫn y như cũ.
Chúng tôi đến Khu 5 xã La Phù huyện Thanh Thủy gặp em Đỗ Thị Nga, một bệnh nhân của bà Loan. Em Nga cận hơn 2 điốp và bà Loan bảo chữa trong hơn 1 tháng thì khỏi. Ngày nào gia đình cũng đưa em lên nhà bà chữa bệnh, nhưng hơn 1 tháng thấy bệnh tình không giảm như bà nói em đã bảo gia đình thôi chữa trị. “Mỗi ngày 15.000đ, gần 1 tháng cũng mất toi 400.000đ rồi chứ ít à. Thế mà ngày nào cũng có hàng chục người ở Phú Thọ và Hà Tây, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… đến chữa”, mẹ em Loan nói.
Chẳng biết có khỏi thật không nhưng người ta khen bà ấy ghê lắm, nên tôi mới tin đưa cháu nó đi chữa, rồi còn rủ cả gia đình hàng xóm nữa nhưng có khỏi đâu”, chị Bông, mẹ của Nga bức xúc. Hàng xóm mà chị Bông nói đến là gia đình anh Đăng, có cháu Giang sinh ra mắt đã kém, nhìn xa không rõ. “Tôi cũng chữa chỗ bà Loan hơn 1 tháng, mất toi nửa triệu bạc nhưng cháu không đỡ chút nào, hôm rồi tự dưng mắt còn xưng húp lên, tôi đưa cháu đi viện và nghe lời khuyên của bác sĩ không bao giờ đi chữa linh tinh nữa”.
Vậy còn những bệnh nhân đã được bà Loan chữa khỏi, ghi chi chít trong cuốn sổ được giới thiệu là ghi chép từ năm 1987? Trong số hàng loạt những dòng bút tích của các bệnh nhân khắp 3 miền với lời cảm tạ đã chữa khỏi bệnh cho con em họ, tôi nhanh tay lưu lại số điện thoại của bệnh nhân mới nhất ở tận Bình Phước và gọi thử thì đầu dây bên kia báo không liên lạc được.
Tôi đem thắc mắc đến UBND xã Hoàng Xá, họ đùn đẩy trách nhiệm sang Trạm Y tế xã. Bác sĩ Nguyễn Đức Huy, Trạm trưởng trạm Y tế xã Hoàng Xá cho biết: “Việc bà Đặng Thị Loan mở phòng khám chữa bệnh cận thị chúng tôi không hề biết. Theo chuyên môn của tôi thì hiện mới chỉ có phẫu thuật bằng tia laser mới khỏi hoàn toàn chứ chưa bao giờ nghe xoa bóp, tác động cột sống mà khỏi được bệnh cận thị cả”. Bác sĩ Huy cũng nói thêm “Chúng tôi sẽ phối hợp với bên công an xã xem xét lại vụ việc này, nếu có vi phạm chúng tôi sẽ xử lý”.
Điều đáng nói là Trụ sở UBND, Trạm Y tế xã Hoàng Xá nằm cách nhà bà Loan chỉ vài trăm mét vậy mà lại không hề hay biết việc bà Loan khám chữa bệnh cả năm nay.
Thiết nghĩ, nếu có một phương pháp chữa khỏi bệnh cận thị với chi phi rẻ thì thật đáng quý. Việc bà Loan có chữa khỏi bệnh cận thị thật hay không rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra làm rõ để người bệnh khắp nơi không “tiền mất tật mang”
Thế Kha