Doanh nhân trẻ đột quỵ vì hút 2 bao thuốc lá mỗi ngày
(Dân trí) - Công việc căng thẳng, nhiều áp lực nên vị doanh nhân mới 42 tuổi liên tục hút thuốc lá. Hậu quả do khói thuốc gây ra khiến nạn nhân phải nhập viện trong tình trạng đột quỵ cấp với khối máu đông ở vùng thân não, tắc động mạch đốt sống thân nền.
Ngày 22/9, TS.BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng đơn vị Đột quỵ, Bệnh viện Đại học Y Dược cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và can thiệp cho một ca bệnh bị đột quỵ.
Bệnh nhân là Đỗ Văn H. (42 tuổi) một doanh nhân trẻ khá thành đạt tại Sài Gòn. Tuy nhiên, do công việc căng thẳng nên anh có thói quen hút thuốc lá đã 10 năm qua. Theo thời gian, anh rơi vào tình trạng nghiện thuốc lá nặng, mỗi ngày anh hút khoảng 2 bao.
Gần 1 tuần trước, vào lúc 2h sáng người nhà phát hiện Văn H. đột ngột khó nói, méo mặt, xoay mắt và đầu sang một bên, liệt nửa người trái, gọi hỏi không có phản ứng... nên tức tốc chuyển đến bệnh viện. Kết quả chụp CT-Scan cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu vùng thân não, tắc động mạch đốt sống thân nền.
Sau khi chích thuốc tiêu sợi huyết tĩnh mạch, bệnh nhân nhanh chóng được chuyển đến phòng can thiệp. Qua hình chụp DSA bác sĩ xác định người bệnh bị tắc động mạch thân nền. Sau 30 phút can thiệp, bệnh nhân được tái thông động mạch tắc bằng kỹ thuật kết hợp hút huyết khối bằng ống thông lớn và kéo huyết khối bằng stent.
Nhờ nhập viện sớm và can thiệp kịp thời, 3 ngày sau can thiệp, người bệnh hồi phục gần như hoàn toàn, nói chuyện rõ, không yếu liệt chi, tỉnh táo hoàn toàn. Đây là một trong những trường hợp may mắn được cứu sống và không để lại những di chứng sau đột quỵ.
Phân tích chuyên môn của TS.BS Nguyễn Bá Thắng chỉ ra: hút thuốc lá, tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, đái tháo đường… là các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, trong đó, thuốc lá là nguy cơ gây bệnh rất cao.
Ước tính, người hút thuốc lá nhiều hơn 1 gói mỗi ngày nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 4 lần, còn hút thuốc ít hơn thì có nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với bình thường. Nếu ngưng hút thuốc từ 2 năm trở lên, nguy cơ đột quỵ bắt đầu giảm xuống, và ngưng được 5 năm thì nguy cơ đột quỵ trở về bằng với người không hút thuốc.
Bệnh đột quỵ khiến khoảng 10 đến 20% nạn nhân tử vong và hơn 80% bị di chứng nặng nề nếu không điều trị kịp để tận dụng thời gian vàng từ 3 đến 6 giờ. Bác sĩ khuyến cáo việc phòng bệnh luôn hơn chữa bệnh vì thế người dân cần chủ động kiểm soát các yếu tố nguy cơ như không hút thuốc, hạn chế bia rượu, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng, huyết áp ổn định. Người dân cần khám sức khỏe định kỳ mỗi năm để bác sĩ phát hiện bệnh sớm, có giải pháp hỗ trợ can thiệp kịp thời những nguy cơ bệnh lý đột quỵ nói riêng và các bệnh khác nói chung.
Vân Sơn