Đoàn kiểm tra Bộ Y tế: Sân bay Tân Sơn Nhất rất thiếu dung dịch khử khuẩn

Hoàng Lê

(Dân trí) - Qua thực tế kiểm tra, đoàn công tác của Bộ Y tế ghi nhận hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM) chủ yếu phòng bệnh bằng việc đeo khẩu trang, trong khi dung dịch khử khuẩn ở nhiều vị trí còn rất thiếu.

Ngày 31/1, Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Viện Pasteur TPHCM chủ trì đã tiến hành giám sát công tác phòng chống dịch bệnh dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023 tại các địa điểm ở TPHCM như sân bay Tân Sơn Nhất, Trung tâm Y tế quận 3 và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM .

Báo cáo với Đoàn, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, trong các ngày nghỉ Tết, TPHCM ghi nhận 12 ca mắc Covid-19, trong đó có 9 ca nhập viện. Tính đến ngày 26/1, TPHCM có 7 ca đang cách ly tại nhà, 20 ca Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện. Trong đó, có 7 ca nặng cần hỗ trợ hô hấp, giảm 13 trường hợp so với tuần trước đó.

Đoàn kiểm tra Bộ Y tế: Sân bay Tân Sơn Nhất rất thiếu dung dịch khử khuẩn - 1

Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế giám sát công tác phòng chống dịch dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội 2023 tại TPHCM sáng 31/1 (Ảnh: VE).

Về tình hình dịch sốt xuất huyết, số ca nhập viện trong dịp Tết là 271 ca, giảm 395 ca so với tuần trước nghỉ lễ. Trong đó, có 82 ca lưu trú tại tỉnh khác (chiếm tỷ lệ 30,26%). Tính đến hết ngày 26/1, TPHCM còn 148 ca sốt xuất huyết Dengue đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 15 ca nặng, 4 ca phải thở máy và 1 ca lọc máu.

Về giám sát nhập cảnh, trong dịp Tết Nguyên đán TPHCM có tổng cộng 722 chuyến bay với 125.000 khách nhập cảnh, trong đó đến từ Trung Quốc là 25 chuyến và hơn 4.100 khách.

Về tiêm vaccine Covid-19, HCDC cho biết toàn TPHCM đã tiêm xuyên Tết hơn 300 mũi, bao gồm 22 mũi 1, 7 mũi 2, 65 mũi nhắc lần 1 và hơn 200 mũi nhắc lần 2. Không có trường hợp nào gặp biến chứng bất lợi nặng sau tiêm.

Đoàn kiểm tra Bộ Y tế: Sân bay Tân Sơn Nhất rất thiếu dung dịch khử khuẩn - 2

Khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được đo thân nhiệt kỹ (Ảnh: VE).

Sau khi nghe báo cáo, ThS.BS Lương Chấn Quang, phụ trách khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TPHCM nhận định, Sở Y tế TPHCM đã ra kế hoạch phòng chống dịch bệnh mùa Tết rất sớm, rất chi tiết và cụ thể. Tại các điểm kiểm tra trong sáng 31/1, việc phòng dịch rất đúng với tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế.

Ông Quang góp ý, đến nay Việt Nam vẫn duy trì phòng dịch theo nguyên tắc 2K+ (khẩu trang và khử khuẩn). Tuy nhiên qua thực tế kiểm tra tại sân bay Tân Sơn Nhất, hiện chủ yếu chỉ phòng bệnh bằng việc đeo khẩu trang, trong khi dung dịch khử khuẩn còn rất thiếu.

Do đó, Đoàn kiểm tra đề nghị Sở Y tế và HCDC có thể làm việc, đảm bảo dung dịch khử khuẩn được trang bị đầy đủ ở quầy nối chuyến, quầy bán sim, cấp thị thực tại chỗ...

Đoàn kiểm tra Bộ Y tế: Sân bay Tân Sơn Nhất rất thiếu dung dịch khử khuẩn - 3

Thành viên đoàn kiểm tra Bộ Y tế cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất còn thiếu dung dịch khử khuẩn (Ảnh: VE).

Về tiêm chủng, ông Quang cho rằng cần làm sao để 100% hành khách phải tiêm đầy đủ mũi nhắc 2, bởi qua buổi kiểm tra sơ bộ vẫn còn người chưa tiêm đủ. Ngoài ra, ông Quang cũng nói về một thực tế khi có trung tâm y tế thú thật việc không biết chính xác đến nay còn ai chưa tiêm vaccine. Điều này đòi hỏi công tác quản lý, giám sát tiêm chủng cần tập trung, đẩy mạnh hơn.

Về nguy cơ dịch bệnh, thành viên đoàn kiểm tra nhận định, thời điểm Tết hầu như số ca mắc bệnh đều giảm, vì người dân không đến với cơ sở y tế để kiểm tra. Tuy trên chiều hướng giảm nhưng nếu so với năm ngoái, số ca sốt xuất huyết năm nay tại TPHCM và cả phía Nam vẫn còn rất cao, với chủng DEN-1 và DEN-2. Do đó, cần bắt tay vào phòng chống dịch bệnh này ngay sau Tết.

Ngoài ra sau dịp Tết khi học sinh đi học, dịch tay chân miệng tiềm ẩn nguy cơ sẽ gia tăng trở lại.

Đoàn kiểm tra Bộ Y tế: Sân bay Tân Sơn Nhất rất thiếu dung dịch khử khuẩn - 4

TPHCM đã tiêm xuyên Tết hơn 300 mũi vaccine Covid-19 cho người dân (Ảnh: CTV).

Về Covid-19, ông Quang nói lo ngại nhất là việc xâm nhập các biến thể mới. Rất mừng là suốt dịp Tết, TPHCM đã không ghi nhận ca nghi ngờ nào ở cửa khẩu. Dù vậy, Covid-19 có triệu chứng dễ nhầm lẫn, nguy cơ xâm nhập vẫn rất cao, đòi hỏi phải giám sát lâm sàng chặt chẽ và giám sát giải trình tự gen.

"Ngày 27/1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã họp và vẫn chưa rút Covid-19 khỏi vấn đề dịch bệnh, y tế đáng quan ngại toàn cầu...

Do đó, nếu không giám sát, không đánh giá được nguy cơ, không tìm ra được ca bệnh thì sẽ không điều chỉnh được việc chống dịch cho phù hợp" - ông Quang nói.