Đỡ cháu ngoại bị té, người đàn ông suýt chết khi đang ăn cá điêu hồng
(Dân trí) - Thấy cháu ngoại bị té, người đàn ông vội tìm cách đỡ và vô tình nuốt luôn mảnh xương trong tô canh cá điêu hồng đang ăn. Sau đó, nạn nhân phải phẫu thuật cấp cứu.
Mới đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM đã tiếp nhận mổ cấp cứu một trường hợp hóc dị vật đường thở rất nguy hiểm.
Bệnh nhân là một người đàn ông 54 tuổi, vào viện trong tình trạng nuốt đau, khàn tiếng. Theo lời kể của bệnh nhân, cách đây 2 ngày khi ông đang ăn canh cá điêu hồng thì cháu ngoại 3 tuổi đang chơi ngay bên cạnh bất ngờ bị té. Vội vàng đỡ đứa cháu theo phản xạ, ông vô tình sặc và nuốt luôn mảnh xương cá vào miệng.
Sau đó, bệnh nhân thấy nuốt đau vướng, khàn tiếng, khạc nhổ nhiều, ho và không dám ăn uống. Tại bệnh viện tuyến tỉnh, qua khai thác bệnh sử và tiến hành nội soi, các bác sĩ phát hiện có xương ở vị trí khó. Vì không đủ điều kiện để can thiệp, các bác sĩ đã giải thích và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị.
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM sau khi lắng nghe bệnh sử, ekip điều trị đã thăm khám, nội soi hạ họng thanh quản và phát hiện ra dị vật là xương cá ở thanh môn bệnh nhân. Tiếp tục cho bệnh nhân chụp CT-scan cổ, ngực để đánh giá tổng quát mức độ ảnh hưởng, kết quả cho thấy dị vật đã ghim vào dây thanh phải và sụn phễu, làm tràn khí vùng kế cận và rách niêm mạc thực quản. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị rối loạn dung nạp đường huyết.
Sau khi đề nghị nhập viện, các bác sĩ đã giải thích tình trạng bệnh nhân mang tính cấp cứu, cần thực hiện phẫu thuật nội soi ống cứng lấy dị vật đường thở ngay trong đêm mà không chờ đợi kết quả xét nghiệm xác định Covid-19.
Quá trình phẫu thuật soi hạ họng thanh quản, ekip điều trị ghi nhận một đầu xương cá kích thước 35mm cắm ở thanh môn. Ngay sau phẫu thuật bệnh nhân giảm triệu chứng nuốt đau, khàn tiếng rõ rệt, sức khỏe người bệnh nhanh chóng bình phục.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, đây là một trường hợp dị vật đường thở vì bệnh nhân có hội chứng xâm nhập, đang ăn tự nhiên ho sặc sụa, là dấu hiệu quan trọng của hóc dị vật.
Dị vật nằm ngay cửa đường thở của bệnh nhân, gây triệu chứng khó chịu rõ và khó lấy với các dụng cụ nội soi gắp xương thường quy, vì dễ gây phản xạ ngạt thở nguy hiểm.
Bác sĩ Lê Huy Hoàng, Phó khoa Khám bệnh phân tích thêm, dù dị vật đã cắm chặt tại vùng hạ thanh môn nhưng không thể loại trừ phản xạ của bệnh nhân có thể làm dị vật rơi ra và đi xuống sâu dưới thành khí phế quản, tạo ra phản ứng viêm khi nằm lâu, bít tắc khí phế quản và áp xe phổi sau này. Nguy hiểm hơn, dị vật có thể gây bít tắc hoàn toàn đường hô hấp, khiến bệnh nhân thiếu oxy và nặng nhất là tử vong.
"May mắn là bệnh nhân đến kịp thời, dị vật là xương mảnh nên chưa gây phù nề nhiễm trùng nặng ra xung quanh làm ảnh hưởng đến tính mạng" - thành viên trong ekip điều trị chia sẻ.
Các bác sĩ khuyến cáo, dị vật đường thở có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và có thể gây tử vong. Nguy cơ xảy ra biến chứng sẽ tăng lên với thời gian dị vật đường thở còn trong cơ thể. Đặc biệt khi rơi xuống phổi, có thể gây chèn ép, tràn khí màng phổi, ho ra máu kéo dài... Do đó, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán càng sớm càng tốt.