Dinh dưỡng tốt nhất cho người bệnh ung thư

Tú Anh

(Dân trí) - Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong chăm sóc người bệnh ung thư kể từ khi người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh.

Ung thư vú là một bệnh mạn tính, trực tiếp ảnh hưởng đến cơ quan khởi phát bệnh và có thể di căn đến các vị trí khác, gây ra một loạt các biến chứng, trong đó có tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng gặp ở người bệnh có thể là triệu chứng đầu tiên cho thấy sự hiện diện của bệnh lý ung thư. Đồng thời tình trạng dinh dưỡng kém cũng ảnh hưởng ngược lại đến đáp ứng điều trị, cách thức điều trị và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Dinh dưỡng tốt nhất cho người bệnh ung thư - 1

Do vậy hỗ trợ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư với ý nghĩa hồi phục tình trạng suy mòn/suy dinh dưỡng, giúp ngăn ngừa các biến chứng và nguy cơ tử vong liên quan đến ung thư. Trong khi đó các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,… có thể khiến người bệnh ăn ít hơn và giảm cân. Mục tiêu dinh dưỡng trong thời gian này là duy trì cân nặng lý tưởng và áp dụng một chế độ ăn cân đối, lành mạnh để cung cấp năng lượng, sửa chữa, phục hồi và điều trị bệnh.

Dưới đây là một số khuyến nghị dinh dưỡng chung cho người bệnh điều trị ung thư:

- Duy trì cân nặng lý tưởng: Đối với nhiều người bệnh, nên tránh giảm cân bằng cách dung nạp đủ lượng calo mỗi ngày. Đối với những người bệnh thừa cân - béo phì, cần giảm cân.

- Tập luyện thể dục thường xuyên 5 lần/ tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút: như đi bộ bởi vì hạn chế vận động (ngồi hoặc ngủ quá nhiều) có thể gây giảm khối lượng cơ và tăng lượng mỡ cơ thể, ngay cả khi không có ý định giảm cân.

- Ăn đủ chất dinh dưỡng thiết yếu: gồm protein, carbohydrate, lipid, vitamin, khoáng chất và nước

- Sử dụng một lượng vừa phải ngũ cốc và các nguồn protein thực vật như các loại hạt, đậu nành, cùng các loại thịt như cá, thịt gia cầm, thịt nạc hoặc sản phẩm từ sữa ít béo.

Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư cần tuân theo các nguyên tắc, tuy nhiên để thay đổi khẩu vị, giúp người bệnh cảm thấy ngon miệng hơn mà không ảnh hưởng đến khả năng phục hồi sức khỏe, các chuyên gia dinh dưỡng đã đưa ra một số lời khuyên về lựa chọn thực phẩm. Cụ thể:

Thực phẩm nên dùng

Dinh dưỡng tốt nhất cho người bệnh ung thư - 2

Cá là món ăn được khuyên dùng cho bệnh nhân ung thư.

Người bệnh hóa xạ trị liệu điều trị ung thư vú nên dùng các thực phẩm sau:

  • Protein: Các loại thịt nạc, cá, trứng, sữa, tôm...
  • Glucid: Gạo, miến, bún, bánh phở, các loại khoai củ...
  • Lipid: Các loại dầu thực vật (Dầu đậu nành, dầu lạc, dầu vừng...)
  • Người bệnh nên nhiều rau xanh, quả chín, rau quả nhiều chất xơ. Mỗi ngày nên ăn 400-500g rau; 200-400g quả chín. Nên lựa chọn nhiều rau họ cải: bông cải xanh, cải bắp, súp lơ...
  • Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa nhiều omega-3 như cá hồi, dầu Oliu...
  • Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin E, C, A, Selen có khả năng chống oxy hóa như: cà rốt, cà chua, rau ngót, rau muống...

Các loại cá đem lại những nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho người bệnh

Thực phẩm hạn chế dùng

Người bệnh hóa xạ trị liệu điều trị ung thư vú nên hạn chế dùng:

  • Các thực phẩm chứa nhiều acid béo no như: các món thịt nướng, thịt hun khói, các món xào, rán, quay...
  • Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên hạn chế dùng các thực phẩm chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn như đồ hộp, thịt nguội...

Thực phẩm không nên dùng

Những thực phẩm người bệnh ung thư vú không nên dùng là các loại dầu mỡ rán đi rán lại nhiều lần, các loại thức ăn bị nấm mốc như: lạc mốc, hạt bí, hạt dưa rang sẵn bị mốc... Ngoài ra, người bệnh cần kiêng tuyệt đối các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá,...

Người bệnh điều trị ung thư cần tránh xa các chất kích thích

Một số thực đơn dinh dưỡng hỗ trợ bệnh nhân điều trị ung thư vú

Ví dụ, một bệnh nhân nữ 50 tuổi, cân nặng 55kg được chẩn đoán ung thư vú sẽ cần 1650 Kcal năng lượng.

Thực phẩm cho 1 ngày

  • Gạo tẻ: 200 gam (4 lưng bát con cơm)
  • Bún: 150 gam
  • Thịt nạc + cá + tôm: 200 gam
  • Rau xanh: 400 gam (2 lưng bát con rau)
  • Quả chín: 300 gam
  • Dầu ăn: 10ml ( 2 thìa 5ml)
  • Sữa công thức: 200ml

Thực phẩm thay thế tương đương

Người bệnh có thể thay đổi khẩu vị, thực đơn dinh dưỡng với các nhóm thực phẩm sau:

  • Nhóm đạm: 100g thịt lợn nạc tương đương với: 100g thịt bò/thịt gà; 120g tôm/cá nạc; 2 quả trứng vịt; 3 quả trứng gà; 200g đậu phụ
  • Nhóm chất bột đường: 100g gạo tương đương với: 100g miến; 100g bột mì; 100g bánh quy; 100g phở khô; 100g bún khô; 170g bánh mì; 250g phở tươi; 300g bún tươi; 400g khoai củ các loại
  • Nhóm chất béo: 1 thìa dầu ăn 5ml tương đương với: 8g lạc hạt; 8g vừng

Dựa vào các thực đơn dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vú kể trên, người bệnh cũng như người nhà chăm sóc có thể thay đổi các loại thực phẩm cũng như cách chế biến để đảm bảo người bệnh cảm thấy ngon miệng hơn.

Điều trị bệnh ung thư là một quá trình lâu dài đòi hỏi người bệnh có một sức khỏe tốt, do đó một chế độ ăn uống phù hợp, đầy đủ dinh dưỡng và năng lượng là rất quan trọng giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho cũng như tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân ung thư vú. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư cần được khám và tư vấn bởi các bác sĩ và các chuyên gia dinh dưỡng.

Trong điều trị ung thư vú, việc ăn uống khoa học rất quan trọng

Nếu còn băn khoăn về việc chăm sóc cũng như xây dựng chế độ dinh dưỡng hỗ trợ điều trị ung thư vú, bệnh nhân thể liên hệ bác sĩ điều trị để thăm khám và nhận được sự hỗ trợ, tư vấn chuyên sâu từ các chuyên gia dinh dưỡng.