Dinh dưỡng thai kỳ: Tuần 33 - 36
(Dân trí) - Một chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả sẽ giúp hệ miễn dịch của thai nhi phát triển tốt hơn.
Do nhu cầu năng lượng tăng nên đừng quên ăn nhiều rau quả, thực phẩm rất tốt cho cả mẹ và bé.
Chỉ còn một vài tuần nữa là bé sẽ chào đời, đây là lúc bạn lựa chọn người sẽ "đứng bếp" từ thời điểm tuần thứ 40 đến sau khi sinh bé được vài tháng. Đó có thể là mẹ đẻ, mẹ chồng hay một người giúp việc... Quan trọng nhất là hợp khẩu vị và hiểu về dinh dưỡng.
Nếu chỉ có 2 vợ chồng thì cũng không vấn đề gì lắm. Thực phẩm đông lạnh tuy không được ưa chuộng, đặc biệt là đối với phụ nữ mới sinh con nhưng trong trường hợp bất khả kháng thì một vài bữa cũng không ảnh hưởng gì. Tất nhiên là thức ăn phải được nấu chín và làm nóng trước khi ăn và khi đã giã đông là phải chế biến ngay để tránh bị ôi, hỏng.
Chăm sóc răng miệng
Đây là thời điểm thai phụ thường ít để tâm đến việc chăm sóc răng miệng vì đang có quá nhiều mối bận tâm. Nhiều thai phụ thấy lợi dễ chảy máu, đó là do sự thay đổi của các hormone và sự thay đổi của huyết áp.
Vì vậy, nên lưu ý chăm sóc răng miệng đặc biệt trong giai đoạn này. Nên đến bác sĩ nha khoa ít nhất 1 lần trong suốt giai đoạn mang thai. Nhớ nói rõ với bác sĩ về tình trạng có thai của mình để tránh chụp X-quang không cần thiết.
Những thực phẩm cũng ảnh hưởng đến răng miệng vì thế, nếu chia làm nhiều bữa trong ngày thì cũng cần đánh răng nhiều hơn. Vi khuẩn trong miệng sẽ làm tinh bột và đường trong thức ăn lên men, chuyển hoá thành axit, gây hại cho răng.
Chải răng thường xuyên, đặc biệt sau khi ăn, giúp giảm thiểu sự hoạt động của các vi khuẩn. Nhớ là đánh răng cả ban đêm khi thức dậy ăn nhẹ, vì lượng nước bọt thường giảm vào buổi đêm và các món ăn lúc này nên không có đường và tinh bột.
Thay đổi thói quen ăn uống và cả các hormone cũng đồng nghĩa với việc răng lợi dễ bị tấn công hơn trong thời kỳ mang thai. Hãy chăm sóc răng miệng theo 4 nguyên tắc đơn giản sau:
1. Chải sạch răng thường xuyên sau khi ăn các thực phẩm có đường, nhớ dùng thêm nước xúc miệng sau khi đánh răng.
2. Nhấm nháp một vài miếng phô mai giàu can xi và điều này cũng tốt cho cả hoạt động của tuyến nước bọt.
3. Bữa ăn nhẹ nên chọn các loại thực phẩm ít đường. Nên ăn các loại rau như dưa chuột, cà rốt, củ cải, hạt tiêu xanh....
4. Ăn nhiều các thực phẩm giàu vitamin C. Vitamin C cũng rất tốt cho răng. Các loại dâu và cam, xoài đều rất giàu vi chất này, đáp ứng đủ nhu cầu vitamin C hằng ngày.
Thực phẩm cho bé
Bé đã phát triển đầy đủ và đang "bồi đắp" lớp mỡ dưới da, sẵn sàng cho cuộc sống hoàn toàn khác với môi trường trong bụng mẹ. Vì thế, thai phụ cần tiếp tục chế độ dinh dưỡng đầy đủ, chia nhiều bữa để đảm bảo nhu cầu cơ thể.
Ngoài ra, một chế độ ăn nhiều rau xanh, hoa quả sẽ giúp hệ miễn dịch của trẻ phát triển.
Ăn nhẹ và đồ uống
Nhu cầu năng lượng tăng vì thế thai phụ cần thêm các bữa phụ. Nếu bị ợ nóng hay khó tiêu thì nên ăn ít một, ăn liên tục. Giảm thiểu chứng ợ nóng bằng cách nhai thật kỹ. Ngồi thẳng lưng sau khi ăn cũng sẽ giúp giảm các triệu chứng khó chịu do tiêu hoá gây ra.
Khi bị đầy bụng, nên chia làm nhiều bữa và tránh các loại thực phẩm cay, có vị mạnh và các thực phẩm rán. Một ly sữa lạnh trước khi đi ngủ sẽ giúp giảm chứng ợ nóng.
Nếu đói lúc đi ngủ, hãy uống 1 ly sữa ấm hay ăn một vài lát bánh. Bà bầu cũng có thể nhấm nháp các loại hoa quả khô như nho, mơ; các loại hạt như lạc, hạnh nhân...
Loại bỏ các đồ uống có cafein để dễ ngủ hơn. Nên uống sữa hay trà thảo dược.
Thu Trang
Theo BCI