Dinh dưỡng độc hại dẫn đến bệnh ung thư như thế nào?
(Dân trí) - Phần lớn các bệnh ung thư phát sinh do các thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không an toàn…
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, bệnh ung thư có thể phát sinh từ các rối loạn bên trong cơ thể gồm rối loạn nội tiết và yếu tố di truyền (dưới 10%). Còn lại phần lớn ung thư phát sinh do các thói quen không có lợi cho sức khỏe như hút thuốc, lạm dụng rượu bia, chế độ dinh dưỡng không an toàn, không hợp lý, ít vận động thể chất, quan hệ tình dục không an toàn, ô nhiễm môi trường. Thật may mắn là các yếu tố này có thể thay đổi và phòng tránh được.
Dinh dưỡng độc hại dẫn đến bệnh ung thư
Chế độ ăn nhiều dầu mỡ động vật, ít chất xơ làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng và ung thư vú.
Các chất bảo quản, chất nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học, các chất trung gian chuyển hóa và sinh ra từ thực phẩm bị nấm mốc lên men là nguyên nhân gây ra nhiều loại ung thư đường tiêu hóa như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng…
Thịt hun khói, cá muối, các loại mắm và dưa muối, cà muối nhất là dưa khú có nhiều muối nitrat, nitrit là các chất gây ung thư thực quản và dạ dày.
Gạo và lạc là hai loại thực phẩm dễ bị nấm mốc Aspergillus flavus xâm nhiễm và tiết ra một loại chất độc là aflatoxin gây ung thư gan nguyên phát.
Theo Viện Dinh dưỡng, ung thư vú còn liên quan tới một chế độ ăn nhiều chất béo, nhất là ở phụ nữ tuổi mãn kinh. Do ăn nhiều chất béo dẫn tới béo phì, lượng estrogen trong cơ thể tăng lên làm cho nguy cơ bị ung thư vú ở những phụ nữ này tăng lên.
Nhiều công trình nghiên cứu cũng cho thấy người có tuổi càng lớn thì nguy cơ bị ung thư càng cao. Người ta thấy rằng từ 20 đến 60 tuổi, cứ mỗi 10 tuổi tăng lên thì tỷ lệ ung thư tăng lên 2,7 lần và cứ 2 người mắc bệnh ung thư có một người ở tuổi 65 trở lên.
Tiểu ban nghiên cứu về ung thư của Tổ chức Y tế thế giới đã chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân của bệnh ung thư là do lối sống của chính chúng ta gây ra. Những thói quen như hút thuốc lá, uống nhiều rượu, ăn nhiều thịt, ăn ít rau, ăn nhiều mỡ và thích ăn các món thịt nướng, thịt hun khói, thường xuyên ăn các món xào, rán và nhất là dầu, mỡ dùng rán đi rán lại nhiều lần là những nguy cơ cao đối với các loại bệnh ung thư đường tiêu hóa. Các thực phẩm được chế biến công nghiệp, đóng gói sẵn, các loại thức ăn chứa nhiều chất béo, nhất là các loại bánh như bánh chả, bánh quy... nếu để lâu ngày chất béo bị oxi hóa rất dễ gây ngộ độc bởi chất peroxit.
Theo GS Đức, những yếu tố nguy cơ không nói lên tất cả. Có một hay nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa rằng bạn chắc chắn sẽ mắc bệnh nhưng có nhiều yếu tố tác động thường xuyên, nguy cơ mắc bệnh sẽ nhiều hơn. Cũng có những người mắc bệnh ung thư có thể không thấy yếu tố nguy cơ nào được biết được. Ngay cả khi một người mắc bệnh ung thư có nhiều yếu tố, thông thường cũng rất khó biết yếu tố nguy cơ nào là chủ yếu gây ra bệnh ung thư.
Ung thư là bệnh nguy hiểm nhưng với khoa học ngày nay, 1/3 có thể phòng được, 1/3 có thể chữa khỏi (ở giai đoạn sớm), 1/3 có thể kéo dài cuộc sống (giai đoạn muộn). Cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng phương pháp để dự phòng và điều trị bệnh hiệu quả.