Điều trị ung thư tuyến tiền liệt bằng phương pháp nào?
(Dân trí) - Điều trị ung thư tuyến tiền liệt là một chiến lược tổng thể phối hợp đa mô thức bao gồm các biện pháp điều trị đặc hiệu tại chỗ hoặc toàn thân và các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ.
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ung thư tuyến tiền liệt là một trong những loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới trên 50 tuổi.
Hiện nay tuy chưa biết rõ nguyên nhân chính xác gây bệnh nhưng với số tử vong lên đến 31.620 ca tại Mỹ ước tính (2021), đã cảnh báo mọi người quan tâm tới căn bệnh này hơn.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Globocan 2020, có 6.248 ca ung thư tuyến tiền liệt mắc mới, xếp thứ 8 trong các loại ung thư tại Việt nam
Ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu thường không biểu hiện rõ ràng. Đa phần người bệnh được phát hiện bệnh tình cờ.
Có 2 lý do làm cho người bệnh phải đi khám bệnh:
- Rối loạn tiểu tiện.
- Các dấu hiệu về u lan tỏa hoặc đã có di căn.
Các triệu chứng tiết niệu thường gặp là:
- Đái khó, tia đái nhỏ.
- Đái nhiều lần mức độ khác nhau, tùy theo sự kích thích, cảm giác đái không hết do có nước tiểu dư trong bàng quang.
- Đái không tự chủ.
- Bí đái cấp.
PGS Phương cho biết, điều trị ung thư tuyến tiền liệt là một chiến lược tổng thể phối hợp đa mô thức bao gồm các biện pháp điều trị đặc hiệu tại chỗ hoặc toàn thân và các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ. Các phương pháp điều trị gồm:
- Phẫu thuật: Có phẫu thuật mở, nội soi, cắt lạnh.
- Nội tiết (cắt bỏ tinh hoàn bằng phẫu thuật hoặc bằng thuốc).
- Hóa chất
- Xạ trị (xạ chiếu ngoài, xạ áp sát).
- Cấy hạt phóng xạ
Tùy theo phân độ nguy cơ và tình trạng bệnh nhân cụ thể, điều kiện cơ sở vật chất của bệnh viện mà áp dụng một hoặc phối hợp các phương pháp trên.
PGS Phương thông tin thêm, ung thư tuyến tiền liệt là loại bệnh ung thư có thể sàng lọc phát hiện sớm. Việc chẩn đoán sớm bệnh ung thư tuyến tiền liệt là phương pháp tốt nhất giúp tăng cơ hội điều trị thành công và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Nên tiến hành khám và xét nghiệm ở nam giới trên 50 tuổi hoặc trên 45 tuổi nếu có tiền sử gia đình ung thư tuyến tiền liệt. Đi sàng lọc, bác sĩ sẽ thăm khám trực tràng, siêu âm tuyến tiền liệt và làm xét nghiệm PSA toàn phần…. Chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt khi cần thiết theo chỉ định bác sĩ chuyên khoa.