Điều trị ung thư phổi bằng phương pháp ghép phân tử hóa trị
Ghép các phân tử hóa trị liệu với các kháng thể đặc biệt có khả năng nhắm trúng đích các tế bào khối u phổi là một cách mới của các nhà khoa học Pháp.
Tại Hội nghị Ung thư toàn cầu thường niên của Mỹ diễn ra dưới hình thức trực tuyến, một nhóm bác sỹ tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Gustave Roussy, ngoại ô Paris, đã giới thiệu một phương pháp điều trị mới có hiệu quả tích cực đối với các bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển.
Phương pháp điều trị mới này có khả năng nhắm trúng các tế bào ác tính trong phổi của các bệnh nhân hoặc các khối u phát triển cục bộ - tức là vẫn còn trong lồng ngực nhưng không thể tách mổ được, hoặc đã di căn ra ngoài lồng ngực, cũng như những khối u lớn khó xử lý.
Các nhà khoa học Pháp cho biết, những người được hưởng lợi từ phương pháp điều trị mới này là những bệnh nhân mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ, vốn chiếm 85-90% trường hợp mắc căn bệnh chết người này, đang ở giai đoạn bệnh phát triển cục bộ hoặc di căn và tại bề mặt các khối u phải thể hiện rõ ràng sự tồn tại của phân tử kháng nguyên có tên gọi là CEACAM5.
Do bản chất phương pháp điều trị mới này là sự kết hợp các phân tử hóa trị liệu với các kháng thể đặc biệt nên các bệnh nhân được điều trị bằng phương pháp này sẽ ít phải chịu các tác dụng phụ của việc hóa trị như không bị rụng tóc, rất ít buồn nôn và ói mửa.
Theo Giáo sư Arnaud Scherpereel, Trưởng khoa Khoa Phổi và ung thư lồng ngực tại Bệnh viện Đại học Lille, mặc dù kết quả của các thử nghiệm của phương pháp của Trung tâm Nghiên cứu ung thư Gustave Roussy ở giai đoạn ban đầu cho hiệu quả tích cực, nhưng vẫn cần phải được đánh giá một cách thận trọng và chờ đợi kết quả xác nhận trong các thử nghiệm ngẫu nhiên ở giai đoạn 3, nghĩa là sau khi việc kết hợp hóa trị và liệu pháp miễn dịch cho các bệnh nhân bị thất bại.
Theo vtv.vn