Điều trị miễn dịch giúp nâng cao chất lượng sống cho người ung thư phổi

Toàn Thịnh

(Dân trí) - "Điều trị miễn dịch là dùng bạch cầu của cơ thể chống lại tế bào ung thư phổi. Liệu pháp này giúp người bệnh nâng cao chất lượng sống", BS.CKII Nguyễn Tuấn Khôi, Trưởng khoa Nội ung thư phổi - Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết.

Hầu hết ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn muộn

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có gần 20 triệu ca mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong vì căn bệnh này, trong đó 2/3 xảy ra ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, theo Globocan, năm 2020, tỷ suất mắc mới ung thư từ 164.671 ca năm 2018 đã tăng lên 182.563 ca mới vào năm 2020. Cùng với đó, tỷ lệ tử vong do ung thư cũng tăng lên với hơn 122.000 ca trong năm 2020. Trong đó, riêng ung thư phổi có hơn 26.000 ca mắc mới mỗi năm và có đến hơn 23.000 trường hợp tử vong vì bệnh ung thư phổi.

Điều trị miễn dịch giúp nâng cao chất lượng sống cho người ung thư phổi - 1
Tại Việt Nam, theo Globocan, năm 2020, tỷ suất mắc mới ung thư từ 164.671 ca năm 2018 đã tăng lên 182.563 ca mới vào năm 2020 (Ảnh: Globocan).

Theo đó, ung thư phổi là một trong những loại ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai trong các bệnh nhân ung thư ở nam giới. Đồng thời, ung thư phổi cũng là một trong những mối đe dọa hàng đầu, trở thành gánh nặng cho ngành y tế với số ca mắc mới lẫn tỷ lệ tử vong hằng năm ở mức cao. 

Ung thư phổi có liên quan đến tiền sử hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động, nhưng ung thư phổi vẫn có thể xuất hiện ở bệnh nhân không hút thuốc do các nguyên nhân kết hợp như: Yếu tố di truyền, amiăng, không khí ô nhiễm,…

Hầu hết người bệnh khi phát hiện ung thư phổi đã ở giai đoạn muộn - giai đoạn III hoặc IV (di căn) với tiên lượng sống thấp. Việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả là điều cấp thiết để điều trị kịp thời và qua đó nâng cao tiên lượng sống cho người bệnh.

Liệu pháp miễn dịch nâng cao hiệu quả trong điều trị

Liệu pháp miễn dịch đang mở ra một chương mới cho điều trị ung thư. Từ nhiều năm trước đây, các nhà khoa học đã dự đoán rằng miễn dịch có thể sẽ trở thành một trong những phương pháp điều trị quan trọng, góp phần cải thiện tỷ lệ tử vong do ung thư. Do đó, các bác sĩ kỳ vọng liệu pháp miễn dịch ung thư khi được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt có thể thay đổi cục diện điều trị cho nhiều loại ung thư, trong đó có ung thư phổi.

Điều trị miễn dịch giúp nâng cao chất lượng sống cho người ung thư phổi - 2
Liệu pháp miễn dịch đang mở ra một chương mới cho điều trị ung thư (Ảnh: MSD).

Miễn dịch ung thư là phương pháp điều trị khác biệt so với các phương pháp trước đó, sử dụng các khả năng tự nhiên của hệ thống miễn dịch để chống lại tế bào ung thư. Liệu pháp này tác động trên hệ thống miễn dịch chứ không tác động trực tiếp vào khối u.

Bắt đầu ứng dụng phương pháp điều trị tiên tiến này từ năm 2017, MSD là công ty đầu tiên giới thiệu liệu pháp miễn dịch ung thư ở Việt Nam vào thời điểm đó. Phương pháp này bước đầu đem lại những tín hiệu tích cực cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn. Một số cơ sở điều trị chuyên khoa ung bướu cũng đã áp dụng điều trị miễn dịch cho nhiều loại ung thư, như ung thư phổi, u hắc tố da, ung thư đường tiêu hóa, ung thư đầu cổ,… và nhất là ung thư phổi không tế bào nhỏ.

TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM chia sẻ: "Liệu pháp miễn dịch là một đột phá mới hiện nay. Trước khi liệu pháp miễn dịch về Việt Nam, các bác sĩ chuyên khoa ung thư cho rằng, những phương pháp điều trị hiện tại áp dụng với một số loại ung thư, ví dụ như ung thư phổi, kết quả điều trị không như mong muốn. Những dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, ung thư phổi là một trong những loại ung thư mà liệu pháp miễn dịch đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh".

Nói thêm về hiệu quả của liệu pháp miễn dịch trong điều trị bệnh ung thư, BS.CKII Nguyễn Tuấn Khôi - Trưởng khoa Nội ung thư phổi - Phụ khoa, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết, nam bệnh nhân N.V.U (tên nhân vật đã được thay đổi) nhập viện điều trị trong tình trạng ung thư phổi giai đoạn IIIb, khối u ở phổi phải lớn, di căn rất nhiều ở hai phổi, khi nói chuyện với bác sĩ thì giọng đứt quãng vì khó thở.

Theo bác sĩ Khôi, khi áp dụng phác đồ điều trị bằng liệu pháp miễn dịch 3 tuần một lần, trong đợt đầu tiên đã có những dấu hiệu tích cực, các triệu chứng như mệt, khó thở ban đầu của bệnh nhân đã giảm khoảng 50%. Đến đợt điều trị thứ 3, sau khi điều trị khoảng hơn 2 tháng bằng liệu pháp miễn dịch, kết quả chụp CT- Scaner của bệnh nhân cho thấy kích thước của khối u đã giảm đáng kể.

Điều trị miễn dịch giúp nâng cao chất lượng sống cho người ung thư phổi - 3
Bác sĩ đang chẩn đoán tình trạng bệnh qua kết quả chụp CT- Scaner (Ảnh: MSD).

"Điểm nổi bật của điều trị miễn dịch là dùng chính bạch cầu của cơ thể để chống lại tế bào ung thư. Khi chuyển sang điều trị bằng liệu pháp miễn dịch, chúng tôi nhìn thấy sức khỏe của người bệnh tiến triển tốt, từ đó chất lượng sống cũng tốt hơn", BS.CKII Nguyễn Tuấn Khôi nói.

Tại hội nghị hằng năm của "Hiệp hội Ung thư châu Âu" (ESMO 2022), BS M.C Garassino, chuyên khoa ung thư lồng ngực, Đại học Chicago đã báo cáo kết quả theo dõi điều trị với liệu pháp miễn dịch cho bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ trong 5 nămKết quả cho thấy, sống còn cải thiện có ý nghĩa ở nhóm bệnh nhân điều trị với liệu pháp miễn dịch phối hợp hóa trị so với hóa trị đơn thuần.

Tại Việt Nam, các bác sĩ cũng đã có một số ca theo dõi điều trị trong một thời gian dài và ghi nhận sự cải thiện thời gian sống so với nếu chỉ điều trị hóa trị. Hơn nữa, liệu pháp miễn dịch còn giúp kéo dài thời gian bệnh ổn định và những bệnh nhân này sau điều trị vẫn có thể sinh hoạt bình thường và hòa nhập cuộc sống.

Trên thế giới, liệu pháp miễn dịch ung thư đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ và Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu phê duyệt để điều trị nhiều loại ung thư trên nhiều loại khối u.

Trong những năm qua, bệnh nhân ung thư theo chỉ định của bác sĩ điều trị có thể tiếp cận liệu pháp miễn dịch qua chương trình hỗ trợ bệnh nhân đang được quỹ "Ngày mai tươi sáng" và MSD triển khai tại 36 bệnh viện trên toàn quốc. Hoạt động này nhằm giúp bệnh nhân tăng cường tiếp cận và giảm gánh nặng điều trị.

Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch ung thư vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả nên nhiều đối tượng bệnh nhân vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận. Điều này được kỳ vọng trong thời gian tới, bệnh nhân sẽ được tiếp cận liệu pháp tiên tiến này một cách hiệu quả hơn, giúp kéo dài và duy trì chất lượng cuộc sống.