1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Điều trị F0 tại trạm y tế lưu động: 2 vấn đề Hà Nội cần đặc biệt lưu ý

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo chuyên gia, khi F0 tăng mạnh, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế thì Hà Nội cũng cần có phương án điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà.

Theo Công điện số 23/CĐ-UBND, Hà Nội sẽ thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ trên địa bàn xã phường, thị trấn với phương châm "4 tại chỗ" do các quận, huyện, thị xã thành lập và điều hành theo hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế.

Nhận định về việc Hà Nội lựa chọn phương án điều trị F0 không triệu chứng, F0 nhẹ tại trạm y tế lưu động, thay vì điều trị tại nhà như ở nhiều địa phương, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay: "Phương án này trước đây đã được áp dụng tại nhiều tỉnh thành phía Nam khi dịch bùng phát, điển hình là Bình Dương. Việc Hà Nội cho F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ điều trị tại các trạm y tế lưu động có thể một phần vì lo ngại khi F0 điều trị ở nhà sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người thân".

Điều trị F0 tại trạm y tế lưu động: 2 vấn đề Hà Nội cần đặc biệt lưu ý - 1

Hà Nội diễn tập điều trị F0 tại trạm y tế lưu động (Ảnh: Sở Y tế Hà Nội).

PGS Phu cũng nhấn mạnh rằng, với chiến lược điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại trạm y tế lưu động, có 2 vấn đề mà Hà Nội cần đặc biệt lưu ý:

Thứ nhất là Hà Nội phải đảm bảo được năng lực về nhân lực và vật lực của các trạm y tế lưu động. Theo đó, thành phố cần có biện pháp đào tạo đội ngũ cán bộ y tế ở các trạm y tế lưu động, để đáp ứng được nhiệm vụ theo dõi sức khỏe, chăm sóc, quản lý F0 cũng như nhận diện để xử lý kịp thời khi các tình huống xảy ra.

"Bệnh nhân Covid-19 có thể diễn biến nặng rất nhanh. Do đó, việc cán bộ y tế địa phương có đủ năng lực để kịp thời nhận diện được dấu hiệu chuyển biến nặng của bệnh nhân, để chuyển lên bệnh viện là điều rất quan trọng", PGS Phu phân tích.

Cùng với đó, các trạm y tế lưu động cũng cần đảm bảo được các yếu tố về cơ sở vật chất, đặc biệt là đủ oxy, bên cạnh đó là điều kiện điều trị và sinh hoạt của bệnh nhân, chứ không đơn thuần chỉ là gom các F0 vào một chỗ.

Vấn đề thứ hai, theo PGS Phu, cần đảm bảo các trạm y tế lưu động không được quá tải. "Trong bối cảnh F0 chưa quá nhiều như hiện nay, Hà Nội có thể sử dụng phương án này. Tuy nhiên khi F0 tăng mạnh, vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế thì cần có phương án điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà như hướng dẫn của Bộ Y tế", PGS Phu nói.

Theo Công điện số 23/CĐ-UBND, Hà Nội sẽ thí điểm thu dung điều trị bệnh nhân không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại 5 cơ sở:

- Trung tâm Văn hóa, thể thao phường Thạch Bàn, quận Long Biên với quy mô 150 giường.

- Trường THCS Tiền Yên, huyện Hoài Đức với quy mô 300 giường (trường mới xây dựng, chưa bàn giao đón học sinh).

- Phòng khám đa khoa Minh Phú, huyện Sóc Sơn với quy mô 200 giường.

- Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Thanh Trì - quy mô 300 giường.

- Trường Mầm non Lê Thanh A, xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức với quy mô 200 giường.

Thành phố mở rộng cơ sở thu dung, điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ tại cấp quận, huyện, thị xã sau thời gian thí điểm.

Việc điều trị người bệnh nhiễm SARS-CoV-2 tại tuyến y tế cơ sở theo phương châm "4 tại chỗ" theo kế hoạch sẽ có khả năng đáp ứng với tình huống có 100.000 người bệnh.

Các trạm y tế lưu động sẽ được trang bị đầy đủ các trang bị y tế, thuốc, vật tư phòng dịch, trang thiết bị văn phòng phục vụ, đáp ứng công tác phòng chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Ngay sau khi Covid-19 có dấu hiệu diễn biến phức tạp trên toàn quốc, bên cạnh đó, trên địa bàn cũng ghi nhận các ca bệnh, nhiều tỉnh thành miền Bắc, đã áp dụng biện pháp cách ly, điều trị F0 không triệu chứng/triệu chứng nhẹ tại nhà.

Tại Phú Thọ, sau khi dịch bùng phát (ngày 14/10), UBND tỉnh Phú Thọ đã sớm triển khai phương án điều trị các F0 không có triệu chứng và đáp ứng đủ các điều kiện được điều trị tại nhà.

Các F0 điều trị tại nhà được tiếp cận với các "Túi thuốc an sinh điều trị F0 tại nhà" và được hỗ trợ y tế kịp thời khi có yêu cầu. F0 và người chăm sóc được cung cấp số điện thoại thường trực 24/24 giờ để tư vấn hoặc nhận yêu cầu hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp.

Hà Giang cũng là một trong các địa phương áp dụng điều trị F0 tại nhà sớm nhất ở khu vực phía Bắc.

Tại địa phương này, mỗi Tổ Covid-19 cộng đồng chăm sóc tại nhà cho khoảng 10 - 20 người mắc Covid-19 được cách ly tại nhà. Nếu trên địa bàn tổ dân phố có trên 20 người mắc Covid-19 được cách ly tại nhà thì phải thành lập thêm tổ Covid-19 cộng đồng để đảm bảo quản lý và chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho bệnh nhân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm