Điều trị đột phá: Tai “mọc” từ cánh tay

(Dân trí) - Các bác sĩ Trung Quốc đã tìm ra một cách độc đáo để phục hồi thính giác cho bệnh nhân: họ “trồng” tai mới trên cánh tay của người bệnh.

Trong một thủ thuật mang tính đột phá, các bác sĩ lấy sụn sườn từ bệnh nhân, được gọi là "anh Ji," và cấy nó vào cánh tay của bệnh nhân sau một tai nạn xe hơi khủng khiếp khiến nạn nhân mất tai phải. Ca phẫu thuật sẽ giúp anh Ji, đang ở cuối độ tuổi 30, "cảm thấy hoàn chỉnh".

Tai nhân tạo “mọc” trên cánh tay củ bệnh nhân để thay thế tai bị mất trong tai nạn giao thông
Tai nhân tạo “mọc” trên cánh tay củ bệnh nhân để thay thế tai bị mất trong tai nạn giao thông

Cấy ghép tai chỉ là một trong số nhiều phẫu thuật lớn mà anh Ji phải làm sau khi toàn bộ mặt bên phải bị dập nát do tai nạn, bao gồm phẫu thuật phục hồi da mặt cho má, nhưng bệnh nhân vẫn cảm thấy không thoải mái vì một bên tai bị mất của mình.

"Tôi đã mất một bên tai. Tôi đã luôn cảm thấy mình không hoàn chỉnh", người đàn ông nói trên trang web Huanqiu.

Số phận của anh Ji nằm trong tay của bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng Trung Quốc Guo Shuzhong, Bệnh viện Nhân dân số Một, người đã thực hiện ca ghép mặt đầu tiên của Trung Quốc năm 2006. Trong phẫu thuật, BS Shuzhong đã cắt sụn sườn của Ji để tạo thành hình vành tai, và vùi nó xuống dưới một vạt da trên cánh tay của bệnh nhân để nó lớn lên. Việc cấy ghép bao gồm 3 giai đoạn như sau:

Giai đoạn 1: Đặt khoang giãn da trên cánh tay của bệnh nhân để tạo không gian cho tai bằng cách tiêm nước vào trong để tăng thể tích.

Giai đoạn 2: Tạo hình tai và vùi nó vào không gian mới tạo.

Giai đoạn 3: Ghép tai vào đầu bệnh nhân trong khoảng ba đến bốn tháng khi bộ phận mới đã phát triển đầy đủ.

Phần khó nhất của qui trình là giai đoạn 2 – đưa tai vào cánh tay của bệnh nhân, BS Shuzhong cho biết.

Anh Ji rất phấn khởi về khả năng nghe tốt hơn, và nhận lại được tai của mình. Anh nhìn vào tai mình, và nói đùa, "Nó trông giống hệt tai cũ của tôi".

Khái niệm về tai “mọc” trên tay không hoàn toàn mới lạ. Năm 2015, Stelarc, một nghệ sĩ trình diễn người Úc từng đoạt giải thưởng, đã “trồng” một tai thứ ba trên cánh tay mình vì nghệ thuật. Tai đầu tiên được tạo hình bằng khung làm từ vật liệu tương thích sinh học, thường được sử dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ. Sau khi được đưa vào cánh tay, mô và máu của Stelarc thâm nhập vào vật liệu, và tai hiện là một phần cơ thể sống, có cảm giác và có chức năng của anh. Nghệ sĩ người Australia muốn tiếp tục theo đuổi ca phẫu thuật của mình để cài đặt microphone kết nối Wi-Fi cho phép mọi người ở bất cứ đâu trên thế giới nghe được những gì mà anh nghe.

Cẩm Tú

Theo Medical Daily