1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Điều tra bệnh sử 4 người cùng công ty bị sốt khi từ Dubai về

(Dân trí) - Sau khi tham dự một sự kiện triển lãm các sản phẩm làm nail tại Dubai, cả 4 nhân viên của một công ty đóng trên địa bàn quận Bình Tân cùng có triệu chứng mắc bệnh hô hấp. Sở Y tế TPHCM đã khẩn trương tiến hành điều tra bệnh sử của 4 bệnh nhân.

Cộng đồng thiếu thông tin về dịch MERS

Ngày 9/6, tại cuộc họp khẩn được Sở Y tế TPHCM tổ chức về vấn đề phòng chống dịch MERS, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, cho hay: “Qua thông tin phản ánh đến trung tâm, trên địa bàn thành phố có 4 trường hợp cùng mắc các triệu chứng sốt, mệt, có biểu hiện của bệnh hô hấp. Cả 4 người này là nhân viên trong cùng một công ty vừa đi dự triển lãm từ Dubai về nước”.

Ngay sau khi nhận được thông tin trên, trong 2 ngày 6 và 7/6, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan tại quận huyện gấp rút điều tra, tiếp cận với bệnh nhân. 4 người nghi nhiễm sinh sống tại 4 quận huyện khác nhau, tại thời điểm tiếp xúc với họ, tất cả bệnh nhân đã hết sốt, qua kiểm tra y tế, bước đầu loại trừ nguy cơ nhiễm MERS.

Điều tra bệnh sử 4 người cùng công ty bị sốt khi từ Dubai về
Ca nghi nhiễm MERS tại Bình Dương nhập bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới xét nghiệm cho kết quả âm tính bệnh nhân đã xuất viện

Cũng theo BS Trí Dũng, Trung tâm Y tế Dự phòng đã trực tiếp làm việc với công ty có người nghi nhiễm MERS, thực tế nghi nhận tại đây từ ban lãnh đạo công ty đến đội ngũ nhân viên đều hoang mang. Ban giám đốc công ty cho hay, sau khi xảy ra tình trạng trên, công ty đã chủ động tiến hành vệ sinh khử khuẩn nơi làm việc của 4 nhân viên có cùng biểu hiện bệnh sau khi về nước. Đại diện ngành y tế thành phố đã tư vấn, giải thích về tình hình dịch, nguy cơ lây nhiễm và tư vấn những biện pháp cần thực hiện để ổn định hoạt động kinh doanh của công ty.

Theo nhận định của BS Trí Dũng, dịch MERS đang nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Tuy nhiên, việc nắm bắt thông tin về mức độ nguy hiểm, tình hình lây lan của dịch chưa chính xác. Đến ngày 9/6, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh MERS nào, nhưng nhiều thông tin đồn thổi đã có ca nhiễm bệnh đang gây tâm lý hoang mang lo sợ trong cộng đồng.

Ngoài công tác phòng chống dịch MERS, các loại bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não mô cầu… trên địa bàn thành phố cũng đang tồn tại nhiều nguy cơ khi mùa mưa đến. Đây là thực tế đang gây ra áp lực rất lớn trong công tác của ngành y tế. BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế nhận định, nếu công tác tuyên truyền về dịch MERS không đúng và trúng sẽ rất dễ gây hoang mang cho cộng đồng. Khi đó, TPHCM sẽ phải đối mặt với làn sóng chuyển bệnh từ các tỉnh tràn tới, khiến tình trạng quá tải vốn diễn ra lâu nay trở nên trầm trọng hơn.

Người dân nên chủ động phòng tránh

Cũng trong sáng 9/6, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã tiến hành tập huấn công tác thu dung điều trị cho nhân viên y tế, bác sĩ thuộc lĩnh vực điều trị. Dự kiến, ngày 10/6, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố sẽ tiếp tục tập huấn cho hệ thống y tế dự phòng.

Cùng với việc chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc chuẩn bị mọi điều kiện về nhân vật lực sẵn sàng ứng phó khi có ca bệnh xảy ra, BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố yêu cầu các bệnh viện kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, sàng lọc để phát hiện kịp thời những ca nghi nhiễm MERS; tăng cường trao đổi, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến tỉnh, giảm đến mức tối đa tình trạng chuyển viện lên TPHCM với những ca bệnh không cần thiết phải chuyển.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan sẵn sàng mọi phương án dự phòng và điều trị MERS
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan sẵn sàng mọi phương án dự phòng và điều trị MERS

Liên quan đến các yếu tố lây nhiễm và sự nguy hiểm của dịch MERS, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM đưa ra quan điểm chuyên môn: “Đây là loại bệnh truyền nhiễm từ lạc đà sang người bằng đường hô hấp qua tiếp xúc trực tiếp hoặc uống sữa tươi từ lạc đà. Bệnh tiếp tục lây từ người sang người cũng qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Tuy nhiên, tìm hiểu sâu cho thấy nó chỉ lây qua tiếp xúc gần, trên thực tế những ca nhiễm đa phần là do chăm sóc người bệnh, ở chung, nằm chung phòng với người mắc MERS.

Ngoài các nước Trung Đông có bệnh nhân bị nhiễm trực tiếp từ lạc đà thì tại Hàn Quốc, bệnh lây từ người sang người hầu hết do nhiễm trong bệnh viện. Những ca tử vong đều là bệnh nhân đã lớn tuổi, sức khỏe yếu, có bệnh lý nền đi kèm. Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ nhiễm MERS rất cao, do người dân đi du lịch, làm việc, học tập từ các nước đang có dịch trở về hoặc người dân bản xứ nhập cảnh vào Việt Nam.

Tuy nhiên, loại vi rút MERS ưa nhiệt độ khoảng 200C và độ ẩm khoảng 40%, Việt Nam đang trong giai đoạn nắng nóng, độ ẩm cao nên hy vọng sẽ không phù hợp với sự lưu hành của chủng vi rút này. BS Trương Hữu Khanh khuyến cáo: Để chủ động bảo vệ sức khỏe, người dân nên hạn chế đến các quốc gia đang có dịch MERS; nếu bất đắc dĩ phải đến thì không nên vào bệnh viện, không nên tiếp xúc trực tiếp, cưỡi lạc đà, uống sữa tươi từ lạc đà; trong thời gian 2 tuần đầu kể từ ngày về nước nếu thấy ho kèm sốt thì phải mang khẩu trang và đi khám bệnh ngay, khai rõ ràng bệnh sử và tình trạng sức khỏe để y bác sĩ có biện pháp hỗ trợ can thiệp kịp thời.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm