1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Điều dưỡng 20 năm trực cấp cứu Tết, sáng mùng 1 chạy 30km "ngủ gục" về nhà

Hoàng Lê

(Dân trí) - Nhà cách khá xa bệnh viện nên suốt 20 mùa cấp cứu Tết, cứ sau khi ra trực, nữ điều dưỡng tại TPHCM lại mất một quãng đường dài để trở về với gia đình. Nhiều lần, cô vừa chạy vừa ngủ gục vì quá mệt.

Đêm 21/1 (tức 30 Tết), trong khi người người đã nghỉ việc, nô nức quây quần bên gia đình đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ sang năm mới, thì tại khoa Cấp cứu các bệnh viện, nhiều y bác sĩ vẫn miệt mài với nhiệm vụ cứu người.

Có 4 bác sĩ và 13 điều dưỡng, hộ lý trong ca trực cấp cứu đêm giao thừa tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Theo thống kê, chỉ mới 21h nhưng lượng bệnh nhận trong ngày của khoa Cấp cứu đã hơn 200 trường hợp, vượt số lượng của ngày thường, trong đó chủ yếu là bệnh nhân chấn thương.

Điều dưỡng 20 năm trực cấp cứu Tết, sáng mùng 1 chạy 30km ngủ gục về nhà - 1

Bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định đêm giao thừa (Ảnh: Hoàng Lê).

"Đây là điều dễ hiểu, bởi thời điểm lễ Tết các phòng mạch, phòng khám tư và cả phòng khám các bệnh viện đã nghỉ, nên khi có vấn đề về sức khỏe, người dân sẽ tập trung vào khoa Cấp cứu" - bác sĩ Nguyễn Thanh Sử, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định chia sẻ.

Bác sĩ Sử có hơn 10 năm trực Tết tại Bệnh viện. Tuy nhiên trong kíp trực lần này, có người đã đón xuân tại khoa Cấp cứu gấp 2-3 lần như vậy.

Điển hình là điều dưỡng Võ Thị Thanh Trúc, khi năm nay đánh dấu tròn 20 năm chị trực Cấp cứu dịp Tết Nguyên đán.

Điều dưỡng 20 năm trực cấp cứu Tết, sáng mùng 1 chạy 30km ngủ gục về nhà - 2

Nhiều bệnh nhân chấn thương nhập viện ngày 30 Tết tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Ảnh: Hoàng Lê).

"Mình bắt đầu trực Tết từ năm 2003. Làm cấp cứu theo ca kíp mà, không trực đêm 30 thì cũng sẽ làm sáng hoặc chiều mùng 1. Ban đầu cũng hơi buồn, nhưng làm riết thành quen, vì mình biết công việc mình đang làm là để đảm bảo sự bình yên cho người dân".

Cuộc trò chuyện của phóng viên với điều dưỡng Trúc liên tục ngắt quãng, bởi thường xuyên có bệnh nhân vào khoa bất ngờ. Chị Trúc ngoài chăm sóc cho người bệnh còn phải kiêm luôn việc giải thích, trấn an thân nhân.

Điều dưỡng 20 năm trực cấp cứu Tết, sáng mùng 1 chạy 30km ngủ gục về nhà - 3

Điều dưỡng Thanh Trúc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân đêm 30 Tết (Ảnh: Hoàng Lê).

"Bệnh nhân vào cấp cứu trong thời điểm này thường mang tâm lý muốn làm sớm để về đón giao thừa với gia đình. Mình phải cố gắng chiều lòng, xử lý thật nhanh cũng như trấn an tâm lý họ.

Khi người bệnh được về đón giao thừa mình cũng rất vui. Có người chỉ cần nói một câu cảm ơn, nhớ đến mình khi vô tình gặp, là mình đã ấm lòng" - nữ điều dưỡng vừa giải thích, vừa theo dõi tình trạng của một cụ bà bị cường giáp nặng. Chị liên tục trao đổi kỹ càng để người nhà hiểu, vì có thể cụ bà nhập viện, đón giao thừa trên giường bệnh.

Điều dưỡng 20 năm trực cấp cứu Tết, sáng mùng 1 chạy 30km ngủ gục về nhà - 4

Bệnh nhân nặng nhập viện khi sắp đến thời điểm giao thừa (Ảnh: Hoàng Lê).

Hỏi thăm mới biết, điều dưỡng Trúc nhà ở tận huyện Củ Chi, cách bệnh viện gần 30 cây số. Chị kể, trước đây chưa có chồng thường đi làm mỗi ngày bằng xe buýt. Sau khi lập gia đình, chị chọn đi xe máy để chủ động giờ giấc.

Những ngày trực Tết đêm, cứ sáng sớm sau ca làm việc mệt nhoài, người phụ nữ lại di chuyển ngay về nhà. Có lần sau ca trực vì quá mệt, chị ngủ gục giữa đường, phải dừng xe chợp mắt một lúc cho tỉnh. Đêm nay là giao thừa, chị Trúc mong thời gian qua nhanh, để 7h sáng mùng 1 Tết được trở về với tổ ấm có chồng và ba đứa con đang đợi mẹ.

Điều dưỡng 20 năm trực cấp cứu Tết, sáng mùng 1 chạy 30km ngủ gục về nhà - 5

Điều dưỡng Thanh Trúc trao đổi kỹ càng với thân nhân bệnh nhân khi người nhà có thể phải đón Tết trong bệnh viện (Ảnh: Hoàng Lê).

"Chỉ mong mọi nhân viên y tế có sức khỏe tốt để giữ vững công việc, sự nghiệp của mình. Khi bệnh nhân đến, dù thời điểm nào, ngày thường hay ngày Tết thì mình cũng cố gắng hết sức" - nữ điều dưỡng nói rồi tiếp tục kiểm tra hồ sơ bệnh án, giải thích bệnh cho người nhà.

Còn Trưởng khoa Cấp cứu thì ước muốn hai chữ "bình an" cho cả nhân viên y tế lẫn bệnh nhân trong năm mới Quý Mão. Bởi theo bác sĩ này, khi người dân khỏe mạnh thì gánh nặng cho các y bác sĩ cũng được giảm đi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm