Điều chỉnh lối sống, phòng chống đái đường
(Dân trí) - Điều trị đái tháo đường nhằm vào chế độ “kiềng ba chân”: ăn uống, vận động và thuốc men, nghĩa là điều chỉnh lối sống và dùng thuốc đặc hiệu.
Nhiều nghiên cứu, chuyên gia nội tiết khẳng định, đến 80% trường hợp “tiền đái tháo đường” có thể ngăn chặn được chỉ bằng chỉnh lối sống đơn thuần.
Những “điểm nhấn” của bệnh đái tháo đường
* Sát thủ thứ 3, gia tăng như bệnh dịch
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh không lây nhiễm gây tử vong đứng hàng thứ 3, sau tim mạch và ung thư.
Thống kê của WHO cho thấy ĐTĐ tăng liên tục, năm 1995 mới có 135 triệu (4% dân số), năm 2011 lên 366 triệu, năm 2015 lên 415 triệu, năm 2017 lên 425 triệu (9% dân số). Vì thế, WHO dự báo sẽ 522 triệu (2030) và 642 triệu (2040) và nhận định: "Thế kỷ 21 này là thế kỷ của bệnh nội tiết và chuyển hóa. Những gì đại dịch HIV/AIDS gây ra cuối thế kỷ 20 là những điều bệnh đái tháo đường sẽ gây ra trong thế kỷ 21".
Ở Việt Nam, vào nhưng năm 90 của thế kỷ trước, tỷ lệ ĐTĐ chỉ từ 1,1 đến 2,25%. Nhưng theo thống kê của Bệnh viện Nội tiết TW năm 2012, tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc ở người trưởng thành là 5.42%, và tiền ĐTĐ là 18%
* Diễn tiến âm thầm, bỏ sót chẩn đoán
Đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm trong nhiều năm qua các giai đoạn trước khi trở thành bệnh thật sự: Bình thường →Kháng insulin→ Tiền đái tháo đường → Đái tháo đường→ Đái tháo đường có biến chứng.
Một điều đáng ngại là tỷ lệ ĐTĐ chưa được hay bị bỏ sót chẩn đoán còn rất cao, từ 50-70 %. Đặc biệt, ngay ở các nước tiên tiến, Tiền ĐTĐ không được lưu ý đúng mức để tầm soát và điều trị. Ở Việt Nam, theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, có đến 40% không có khái niệm về Tiền ĐTĐ, và 80% không biết các biện pháp phòng tránh. Về phía y tế, nhiều bác sĩ cũng không để ý và nhiều bệnh viện không có tiêu chí chẩn đoán Tiền ĐTĐ trong phiếu kết quả xét nghiệm sinh hóa cho bệnh nhân.
* Gây nhiều biến chứng
Đái tháo đường có nhiều biến chứng trên nhiều cơ quan hệ thống như tim mạch, thần kinh, thận, mắt, da, sinh dục…
Đặc biệt, các biến chứng mạch máu xảy ra rất sớm, ngay trong giai đoạn tiền đái tháo đường.
Bệnh nhân ĐTĐ thường không “khỏe” vì luôn chịu áp lực của các gánh nặng tài chánh, tâm lý… Một số bị stress do các gánh nặng này sẽ mắc chứng “trầm uất đái tháo đường” (diabetes distress): chán nản, lo lắng, mệt mỏi, đau khổ, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, mất hứng thú với công việc…
Chỉnh lối sống, ngăn chống đái tháo đường
Cũng như các căn bệnh nội tiết-chuyển hóa khác, điều trị ĐTĐ cũng nhằm vào 3 chế độ, “kiềng ba chân”, là: ăn uống, vận động và thuốc men, trong đó điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động chính là điều chỉnh lối sống (lifestyle modifications).
Các chuyên gia nội tiết đưa ra 5 điểm mấu chốt trong chỉnh lối sống:
1* Ăn uống lành mạnh
Theo khuyến nghị của Hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA), khẩu phần ăn trong ngày của người ĐTĐ cũng phải đủ 3 thành phần chính: tinh bột (bún, mì, gạo, phở, miến, hủ tiếu, khoai, bắp...) chiếm khoảng 50% năng lượng; chất béo (dầu thực vật, mỡ động vật) chiếm từ 35%; đạm (thịt, cá, đậu, hạt thực vật) chiếm khoảng 15%, ngoài ra cần chú ý bổ sung vitamin, chất khoáng, chất xơ có nhiều trong rau, củ, quả và trái cây “ít ngọt”.
Ngoài cấm món ăn, thức uống có đường ngọt (sugary carbohydrate); người ĐTĐ cũng cần giảm ăn chất béo như thịt nguội, thịt mỡ, phó mát, dầu, khoai tây chiên; nên ăn cá 2-3 lần trong tuần, và hạn chế uống rượu, bia.
2* Vận động thích hợp
ĐTĐ đồng nghĩa với dư thừa năng lượng, thừa ăn. Cho nên cần tích cực hoạt động thể lực để giúp cơ thể tiêu hao năng lượng thừa, giúp cơ thể tiêu thụ đường dễ dàng hơn, nâng cao sức khỏe của toàn cơ thể, luyện tập thể lực cũng làm cải thiện tinh thần kinh, hoạt bát, nhanh nhẹn, sảng khoái và cuối cùng luyện tập thể lực cũng sẽ làm tăng sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật.
Nguyên tắc luyện tập thể lực là: Luyện tập phải dần dần và thích hợp, Phải đề phòng hạ đường máu khi tập thể lực, Không ráng tập quá sức hoặc tập thể lực khi đang có bệnh cấp tính, khi chưa kiểm soát đường máu ổn định…
3* Cố gắng giảm cân
Thừa cân, béo phì vừa là nguy cơ vừa là yếu tố làm nặng thêm các triệu chứng ĐTĐ. Các chuyên gia nội tiết cho thấy chỉ giảm 5- 7 phần trăm trọng lượng cơ thể sẽ giúp ổn định đường trong máu và cải thiện tình trạng kháng insulin.
4* Bỏ hút thuốc lá
Giúp hạ đường huyết và giảm các biến chứngmắt, đột quỵ, bệnh thận, bệnh mạch máu, thần kinh và chân…..
5* Kiểm soát các stress
Stress sẽ làm đường máu tăng theo cơ chế “chiến đấu hay chạy trốn” (fight or flight mechanism). Do đó, kiểm soát stress qua tập thể dục, khí công, yoga, thư giãn rất hữu ích để hỗ trợ điều trị ĐTĐ.
Đôi điều bàn luận
Điều chỉnh lối sống là khâu đầu tiên, quan trọng, được nhiều chuyên gia, nhiều hiệp hội đái tháo đường của tất cả các nước trên thế giới ghi vào các hướng dẫn điều trị (guidelines for the management of diabetes), đặc biệt, với những trường hợp tiền ĐTĐ, là giai đoạn nhẹ và khởi đầu. Theo nhiều nghiên cứu khoa học nghiêm túc, đa trung tâm, dài hơi, việc điều chỉnh lối sống tích cực (intensive lifestyle modification) có thể ngăn giảm nguy cơ phát bệnh đến 58% và chậm phát triển thành ĐTĐ rất hiệu quả.
Thay lời kết
Các nghiên cứu chỉ rõ, phải trải qua cả chục năm từ khi bắt đầu có tình trạng kháng insulin bệnh nhân mới bị đái tháo đường thật sự; và nếu được lưu ý tầm soát và xử lý thích hợp bằng điều chỉnh lối sống thời gian chuyển đổi này sẽ được kéo dài thêm.
Điều chỉnh lối sống qua chế độ ăn và chế độ vận động là liệu pháp đầu tay và bắt buộc cho các bệnh nhân ở giai đoạn Tiền ĐTĐ, và cả khi đã chẩn đoán ĐTĐ thật sự. Và thuốc đầu tiên được chọn lọc là metformin.
Một điều lý thú là ngoài tác dụng chính là chống lại tình trạng kháng insulin (insulin resistance), metformin còn có nhiều tác dụng điều trị rất tốt khác như ức chế tổng hợp androgen buồng trứng, kích hoạt AMP kinase tế bào gan, ức chế khối u…nên còn được dùng để điều trị buồng trứng đa nang, giảm mỡ máu, chứng gai đen…
TS.BS Trần Bá Thoại
Uỷ viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam