TPHCM:
Điều chỉnh giá viện phí: “Chỗ bội thu, nơi bội chi”
(Dân trí) - Tổng kết một tháng sau ngày điều chỉnh giá viện phí mới, mức thu chi của nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố đang có sự đối lập nhau. Mức thu viện phí trên mặt bằng chung của các bệnh viện có xu hướng tăng nhưng một số bệnh viện đang bị bội chi.
Từ ngày 1/6/2014, TPHCM đã bắt đầu lộ trình tăng giá viện phí với gần 2.000 dịch vụ Y tế.
Theo đó, mức tăng các dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe, giá giường bệnh/ngày, các dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm được áp dụng với cơ sở y tế công lập. Đối với nhóm các phẫu thuật, thủ thuật (gồm 1.519 dịch vụ) sẽ áp dụng với mức giá bằng 65% khung giá quy định.
Thành phố sẽ tăng viện phí bằng 100% giá quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài chính qua 3 gia đoạn: Giai đoạn 1: từ ngày 1/6/2014 tăng 75% đối với 477 dịch vụ trong các gói khám chữa bệnh kể trên. Giai đoạn 2: từ ngày 1/6/2015 giá dịch vụ của nhóm này sẽ tiếp tục tăng thêm với mức bằng 85% khung giá quy định. Giai đoạn 3: từ ngày 1/6/2016 sẽ tăng kịch trần 100% theo khung giá của liên Bộ Y tế, Bộ Tài chính.
Sơ kết 1 tháng triển khai áp dụng mức giá viện phí mới của Sở Y tế cho thấy, nhìn chung số thu viện phí (chưa tính số thu BHYT) của 51 bệnh viện tăng gần 4,3 tỷ đồng (334,182 tỷ trong tháng 5 so với 338,462 tỷ của tháng 6; tỉ lệ tăng là 1,28% trên nguồn thu). Trong đó, nhóm bệnh viện quận, huyện tăng cao hơn so với nhóm bệnh viện thành phố.
Các bệnh viện có số thu tăng cao là Ung Bướu 2,67 tỷ đồng; Bình Dân 2,57 tỷ đồng; Nguyễn Tri Phương 1,68 tỷ đồng. Theo phân tích của đại diện Sở Y tế, các bệnh viện có nguồn thu tăng là do giá thu viện phí tăng, số lượng bệnh nhân tăng, tiền thuốc điều trị tăng.
Mặt khác, các bệnh viện đã chuyển từ nguồn thu dịch vụ qua nguồn thu viện phí. Trước đây, do giá viện phí quá thấp nên các bệnh viện thu thêm tiền khám bệnh, tiền giường, tiền vật tư chưa được tính vào giá và hạch toán vào nguồn thu dịch vụ, nay giá viện phí được điều chỉnh, bệnh viện hạch toán vào nguồn thu viện phí.
Bên cạnh các bệnh viện có nguồn thu tăng cao, số thu của nhiều bệnh viện đang giảm mạnh, tiêu biểu như: bệnh viện Nhi Đồng 2 giảm 4,03 tỷ đồng; Từ Dũ 3,84 tỷ đồng; Nhân Dân Gia Định 1,29 tỷ đồng. Nguồn thu của các bệnh viện giảm do một số dịch vụ kỹ thuật có mức giá giảm so với giá cũ (thận nhân tạo, siêu âm…); việc thực hiện thu đúng theo giá quy định khiến các khoản tiền giường, tiền khám bệnh, tiền vật tư thu thêm trước đây của bệnh viện bị cắt giảm; bên cạnh đó là một số tác động khách quan như số bệnh nhân đến khám bệnh và điều trị nội trú giảm.
Để tránh bội chi khi tăng giá viện phí mới, trong tháng đầu tăng viện phí, một số bệnh viện đã có biểu hiện trốn tránh việc áp dụng mức giá mới. Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Tài chính - Kế toán, Sở Y tế cho biết nhiều bệnh viện chậm trễ trong việc triển khai điều chỉnh giá viện phí; không công khai bảng giá; chưa thu đúng giá mức giá quy định; chưa công khai dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu và số bàn khám theo yêu cầu.
Trước tình trạng trên, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện thu đúng giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được Sở Y tế phê duyệt. Nếu đơn vị nào thu giá cao hơn thì giám đốc bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm trước Sở Y tế và Hội đồng Nhân dân thành phố về mức thu vượt. Trong thời gian tới, tổ Bảo hiểm Y tế thuộc Sở sẽ tiếp tục giám sát kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng khám chữa bệnh; giám sát việc sử dụng tối thiểu 15% số thu khám bệnh, giường bệnh để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mở rộng khu khám bệnh, phòng bệnh, mua sắm trang thiết bị.
Tại cuộc họp với đại diện các bệnh viện trên địa bàn thành phố về những vướng mắc trong việc điều chỉnh giá viện phí mới diễn ra vào giữa tháng 6, BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện phải công khai khung giá mới và thu đúng theo khung giá đã được Hội đồng Nhân dân thành phố phê duyệt. Trường hợp bệnh viện nào thu theo khung giá đã điều chỉnh nhưng nguồn thu không đủ bù chi thì gửi công văn để Sở Y tế trình UBND thành phố xem xét có phương án giải quyết phù hợp.
Vân Sơn