1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Điện Biên: Xuất hiện ổ tiêu chảy cấp, 1 người tử vong

(Dân trí) - Sau bệnh nhân đầu tiên khởi bệnh với các triệu chứng sốt, rét run, khó thở và đi ngoài sau ăn thịt gà, 7 bệnh nhân tiếp xúc gần, có liên quan đến bệnh nhân đầu tiên đều có hiện tượng tương tự. Đáng nói, 1 trường hợp diễn biến nặng đã tử vong.

 Ổ dịch 8 bệnh nhân

Ngày 15/11, thông tin từ Sở Y tế Điện Biên cho biết, tại địa phương vừa xuất hiện ổ dịch tiêu chảy cấp chưa rõ nguyên nhân với 8 người mắc, trong đó 1 trường hợp tử vong và 1 trường hợp đang diễn biến rất nặng.

Bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận là bà Sùng Thị Dung, 57 tuổi ở bản Pá Khôm, xã Nà Nhạn, Điện Biên.

Cách ngày bị bệnh khoảng 3 ngày, bệnh nhân và gia đình có mổ và ăn thịt gà. Đến trưa 5/11 bệnh nhân đau đầu, sốt cao, rét run kèm ho, khó thở và đến tối cùng ngày thì đau bụng lâm râm vùng quanh rốn, đi ngoài phân lỏng toàn nước màu nâu, ngày 4 - 5 lần.

2h chiều ngày 6/11 bệnh nhân vào BV huyện Điện Biên trong tình sạng tỉnh táo, không sốt, đau bụng được chẩn đoán tiêu chảy cấp mất nước độ C, suy kiệt. Dù được truyền dịch, hạ sốt, kháng sinh nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện nên đến 21h30 phút cùng ngày được chuyển lên BV Đa khoa tỉnh.

Lúc này, bệnh nhân mệt mỏi, đau đầu, sốt rét run, bụng đau và chướng nhẹ nhẹ được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn tiêu hóa. Hình ảnh chụp X- quang ngày 7/11 cho thấy đám mờ lan tỏa 2 phế trường phổi. Bệnh viện hội chẩn, chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi nặng nghi do vi rút, sốc nhiễm khuẩn, theo dõi do nhiễm khuẩn huyết.

Đến ngày 11/11 tình trạng bệnh nhân vẫn nặng, liên lượng nặng. Kết quả xét nghiệm cúm A, A/H1N1, cúm B đã âm tính, soi, cấy phân không phát hiện vi khuẩn.

Liên quan đến ca bệnh đầu tiên này còn có thêm 3 ca bệnh là hai con trai của bệnh nhân và người hàng xóm có tiếp xúc gần.

Cả 3 cũng đều xuất hiện triệu chứng tương tự gồm sốt cao, đau đầu, đi bụng đi ngoài phân lỏng màu đen từ ngày 6/11, sau một ngày bệnh nhân đầu tiên khởi bệnh.

Con trai cả bệnh nhân là bệnh nhân Lý A Vừ, diễn biến bệnh từ ngày 6/11 đầu tiên chỉ với biểu hiện sốt cao, đau bụng, đi ngoài phân lỏng, bệnh dần nặng lên dẫn đến tình trạng sốc nhiễm khuẩn tiêu hóa. Dù được điều trị lích tực tại BV Đa khoa tỉnh nhưng tình trạng ngày càng nặng, đến sáng sớm ngày 12/11 bệnh nhân phải thở máy, kích thích, vật vã, nổi vân tím toàn thân và tử vong lúc 4h40 phút cùng ngày với chẩn đoán ngừng tuần hoàn, sốc nhiễm khuẩn tiêu hóa.

Con trai thứ hai của bệnh nhân sinh năm 1994 sau khi đi chăm sóc mẹ đến ngày 7/11 cũng xuất hiện sốt, đau bụng, đi ngoài phân lỏng màu vàng nâu, 4 - 5 lần ngày. Sau khi điều trị tiêu chảy cấp bằng kháng sinh, truyền dịch, bệnh nhân dần ổn định và ngày 12/11 đã được xuất viện.

Bệnh nhân thứ 3 liên quan là trường hợp bệnh nhân Lý A Lềnh phải đến viện điều trị từ hôm 7/11, sau 5 ngày cũng ổn định.

Cùng bản với bệnh nhân cũng xuất hiện 4 bệnh nhân có triệu chứng tương tự.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Điện Biên, qua điều tra xác định các bệnh nhân mắc bệnh đều cùng trong 1 gia đình hoặc ở gần nhà, đã từng tiếp xúc, gần gũi, chăm sóc người bệnh.

Các bệnh nhân được xác định tiêu chảy cấp chưa rõ nguyên nhân. Tổng số ca mắc là 8 trong đó 1 tử vong, 1 tiên lượng nặng. Hiện 6 bệnh nhân khác đang được theo dõi tại nhà đã được lấy 06 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và đến nay không phát hiện thêm trường hợp mắc mới.

Hiện Trung tâm y tế dự phòng đã khử độc môi trường bằng cloramin B tại nhà bệnh nhân, các gia đình xung quanh, tiếp tục theo dõi, diễn biến dịch.

Ngộ độc trứng gà, một người tử vong?

Ngày 10/11, chị Mã Thị Nhình (xóm Khuổi Đẳm, xã Cốc Pàng, huyện Bảo Lạc) đi chợ Trung Quốc mua trứng gà. Chiều tối cùng ngày, chị luộc 9 quả để 3 mẹ con ăn, mỗi người ăn 3 quả rồi đi ngủ. Khoảng 5 tiếng sau, cả 3 mẹ con thấy đau bụng, chóng mặt, nôn nhiều lần. Nửa đêm, anh Thường, chồng chị Nhình về liền đưa vợ và 2 con đến Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Lạc cấp cứu. Nhưng vì nhà cách bệnh viện hơn 30km nên sáng 11/11 chị Nhình đã tử vong. Hai bé Nga (6 tuổi) và Nhất (8 tuổi) được chuyển lên bệnh viện tỉnh cấp cứu.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Giám đốc Sở Y tế Cao Bằng cho biết, đến nay sức khỏe của hai trẻ đã phục hồi tích cực. Cơ quan chức năng cũng đã lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ, chất nôn của bệnh nhân gửi đi xét nghiệm. Đồng thời lấy cả mẫu nước vì ngoài 3 người bị ngộ độc thì 2 con bò và 1 con mèo trong nhà cũng chết. Cơ quan công an cũng đã xuống khám nghiệm hiện trường, điều tra làm rõ nguyên nhân gây ngộ độc.

 Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đã có công văn yêu cầu Sở Y tế tỉnh điều tra xác định rõ căn nguyên trong vụ ngộ độc theo quy định; công khai kết luận điều tra vụ ngộ độc để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm